Thứ Bảy, 25 tháng 10, 2008

CÂU CHUYỆN VỀ NHỮNG DÒNG SÔNG K1

Câu chuyn v nhng dòng sông:

Kỳ 1 - Nhng dòng sông in đm nét văn hóa và du n lch sử

Sông soi bóng tôi từ những ngày chập chững
Sông giỡn cùng tôi những buổi trưa nồng
Má ơi má ! Sông mình - tôi hỏi
Có ch
ảy dần ra biển mênh mông ?

Má âu yếm, bóng vươn dài sông nhỏ :
- Chiếc lá U Minh, con có thấy giữa dòng ?
Sông quê mình tuy không tên con ạ
Nhưng biển nào chẳng mang những mạch sông.

LÊ CHÍ


Chở ánh hoàng hôn

Điều đầu tiên có thể khẳng định rằng Cà Mau là quê hương của sông ngòi, kinh rạch - nói gộp chung lại là sông nước, bởi nếu tính tổng chiều dài kinh rạch lớn nhỏ ở Cà Mau thì có trên 10.000km với tổng diện tích kinh rạch gần 20.000ha, chiếm 2,3% diện tích tự nhiên. Như vậy, sông ngòi kinh rạch ở Cà Mau đứng đầu cả nước và tạo cho vùng đất này hình thành những nét rất riêng mà nhiều người gọi đó là văn hóa sông nước.


Xóm nhà ven sông, xa xa chiếc tàu đò là hình ảnh quen thuộc của nông thôn Nam bộ nói chung và Cà Mau nói riêng.

Sông ở Cà Mau là những dòng sông hội tụ. Không giống như sông Tiền, sông Hậu mênh mông. Cũng không như con sông miền Trung, miền Bắc đơn độc chảy qua rừng rú, lòng sông mấp mô ghềnh đá đổ xuống đồng bằng trống trải trôi ra biển cả. Một con sông lớn ở Cà Mau kéo vào mình biết bao nhiêu sông con, rạch nhỏ mà nếu xếp thứ tự từ lớn tới nhỏ, thì sẽ có những tên gọi như sau : - Sông cái : Chỉ các con sông lớn.
- Sông con : Nhánh của sông lớn.
- Rạch : Chỉ một dòng nước tương đối nhỏ, hẹp hơn sông, không có nguồn riêng.
- Xẻo : Nhánh rất nhỏ và ngắn của sông
và rạch. Xẻo thường chảy quanh co, uốn lượn trong vòm cây dừa nước, hai bên che phủ ô rô, cóc kèn, dẫn vào một xóm nhỏ, hay đổ vào đồng rồi tắt.
- Mương, ngòi : Là những
đường nước tự nhiên từ ruộng đổ ra sông hay xẻo, cạn, chỉ đi được bằng xuồng con.


Các loại phương tiện giao thông thủy ở Cà Mau, có thể nói là nhiều nhất trong cả nước.

Sông ngòi, kinh rạch ở Cà Mau chẳng những giúp ích cho nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản phát triển, mà còn thuận lợi cho giao thông - giao thông đường thủy. Trước đây - và cả bây giờ, khi ở tỉnh Cà Mau giao thông đường bộ chưa phát triển thì giao thông đường thủy chiếm ưu thế, từ đó các loại phương tiện giao thông thủy đua nhau phát triển, ngày đêm xuôi ngược khắp hang cùng ngõ hẻm ở các dòng sông, con rạch… Có người cho rằng, các loại giao thông đường thủy ở Cà Mau nhiều đứng đầu cả nước, quả là không sai.

Là vùng sông nước nên từ lúc khai hoang mở cõi, người dân đã cất nhà sinh sống ở bờ sông, rồi dần dần hình thành những làng, những xóm ven sông, hình thành chợ trên sông… và nó đã tồn tại đến ngày nay, in đậm nét văn hóa - văn hóa sông nước.


Nghề chài, lưới là hình ảnh phổ biến của cư dân miền sông nước Cà Mau.

Và không những thế, nó còn in đậm dấu ấn lịch sử từ thời khai hoang mở cõi cho đến hai cuộc kháng chiến chống Pháp và đánh Mỹ - có thể nói văn hóa và lịch sử đã hòa quyện với nhau. Con sông Cái Tàu đã chứng kiến cuộc khởi nghĩa chống Pháp của hai anh em Đỗ Thừa Luông - Đỗ Thừa Tự năm 1872. Dòng sông Ông Đốc là nhân chứng lịch sử của sự kiện tập kết ra Bắc của đồng bào, chiến sĩ miền Nam năm 1954, để chuẩn bị cho quá trình thống nhất đất nước. Dòng sông Tam Giang là nơi chôn xác biết bao tàu chiến Mỹ - ngụy. Dòng sông Trẹm hiền hòa, thơ mộng đã đi vào thi ca…

Mỗi một dòng sông, một con rạch ở Cà Mau đều có một bề dày lịch sử, đều có những nét văn hóa riêng rất phong phú và hấp dẫn. Bắt đầu từ số báo này, Báo ảnh Đất Mũi sẽ lần lượt giới thiệu với bạn đọc loạt phóng sự ảnh về các dòng sông ở Cà Mau.


Cảm ơn bạn đã ghé thăm site của CÔNG TY DU LỊCH MIMOSA! Bạn hãy để lại lời nhận xét (comment) của mình! Hoặc bạn cũng có thể đăng kí nhận bản tin RSS. Chúng tôi hy vọng bạn thích site này của CÔNG TY DU LỊCH MIMOSA và tìm được những thông tin bổ ích, và nếu có thể hãy thêm địa chỉ site này vào favorites của bạn để có thể ghé thăm lại. Cám ơn!

Thứ Sáu, 24 tháng 10, 2008

CÂU CHUYỆN VỀ NHỮNG DÒNG SÔNG KXII

Câu chuyện về những dòng sông:
Kỳ XII: ĐẦM BÀ TƯỜNG - Quà tặng của thiên nhiên

Đầm Bà Tường thấp thoáng giồng Hồ Tây, Hà Nội. Có người ví nó giống như chiếc thùng của cây đàn ghi ta. Đầm được chia làm ba phần: đầm trên, đầm giữa và đầm dưới. Khoảng cách giữa hai bờ nơi rộng nhất là 2 km, chiều dài gần 10km. Đầm Bà Tường nằm sâu trong đất liền thuộc ba huyện : Phú Tân, Cái Nước và Trần Văn Thời - trong đó phần lớn là thuộc huyện Phú Tân, được nối thông với vịnh Thái Lan thuộc biển Tây bằng con sông Mỹ Bình dài khoảng 10km.


Hoàng hôn trên Đầm Bà Tường


Nhà sàn - nơi cư ngụ của những cư dân làm nghề thủy hải sản trên đầm

Đầm Bà Tường - nhiều người còn gọi là đầm Thị Tường. Những tên gọi này không biết có tự bao giờ, nhưng có thể phỏng đoán rằng vùng biển cực nam của Tổ quốc trong quá trình hình thành và bồi lắng, đầm Bà Tường là một phần của biển còn sót lại trên đất liền như một món quà của thiên nhiên ban tặng cho con người vùng cuối đất. Đầm rộng là thế, lớn là thế nhưng chỉ sâu trên dưới 1 mét, lại theo chế độ bán nhật triều của biển Tây nên đây là môi trường rất lý tưởng để các loài thủy sản sinh sống, góp phần muôi sống con người. Trước đây, khi tôm cá còn nhiều, chỉ cần một chiếc xuồng con, một cây chài hoặc vài tay lưới hoặc vài miệng đó là có thể nuôi sống được một gia đình năm bảy miệng ăn của cư dân sống ven đầm. Có câu ca rằng :
Chồng đem tấm lưới chặn dòng sông
Vợ vác cần dài xuống bến câu
Nắng sớm ra đi chèo một mái
Trăng đêm trở lại cá đầy khoang.


Tung chài

Nghề đóng đáy trên đầm

Ngày nay tôm cá trên đầm Bà Tường không còn nhiều như xưa, nhưng câu ca trên cũng phần nào miêu tả đúng thực trạng đời sống nghề chài lưới trên đầm: Các loại phương tiện đánh bắt dày đặc, xa xa là những túp nhà sàn được cất ở giữa đầm của những người làm nghề đánh bắt như là những nét chấm phá tô điểm thêm cho sự duyên dáng thơ mộng trên mặt đầm.

Dọc ven đầm Bà Tường - đặc biệt là ấp Xẻo Đước, xã Phú Mỹ đã từng là căn cứ của Tỉnh ủy Cà Mau - Bạc Liêu trong kháng chiến chống Mỹ mà huyện Cái Nước trước đây - nay đã bàn giao cho huyện Phú Tân (huyện mới được tách ra từ huyện Cái Nước) đã có dự án xây dựng tái tạo lại khu căn cứ Tỉnh ủy trên diện tích 10ha để phục vụ du lịch và giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Và hiện nay, Đầm Bà Tường là một trong sáu dự án khai thác, phát triển du lịch mà tỉnh Cà Mau đang kêu gọi vốn đầu tư, hợp tác trong và ngoài nước vào giữa năm 2006 này.


Thu hoạch thủy sản trên đầm

Đầm Bà Tường như một biển nhỏ giữa đất liền, là cảnh đẹp, là món quà vô giá của thiên nhiên ban tặng cho vùng cuối đất. Hy vọng một ngày không xa đầm Bà Tường sẽ là một điểm du lịch sinh thái hấp dẫn của tỉnh Cà Mau không chỉ quyến rũ dân địa phương mà còn cho cả khách phương xa.
Cảm ơn bạn đã ghé thăm site của CÔNG TY DU LỊCH MIMOSA! Bạn hãy để lại lời nhận xét (comment) của mình! Hoặc bạn cũng có thể đăng kí nhận bản tin RSS. Chúng tôi hy vọng bạn thích site này của CÔNG TY DU LỊCH MIMOSA và tìm được những thông tin bổ ích, và nếu có thể hãy thêm địa chỉ site này vào favorites của bạn để có thể ghé thăm lại. Cám ơn!

Thứ Năm, 23 tháng 10, 2008

SÔNG NƯỚC

KHÁCH THƯƠNG HỒ
Phan Trung Nghĩa

Ở Đồng Bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) có một tập quán làm ăn hình thành từ thời khẩn hoang :vào khoảng tháng 9 âm lịch người nông dân từ miệt Tiền Giang hay còn gọi là miệt vườn (Cần Thơ, Cửu Long, Tiền Giang, Bến Tre, Long Xuyên...) rảnh rỗi việc mùa màng, rũ nhau năm ba nhân công nhân xuống xuồng ghe xuôi theo con nước lũ về miệt Hậu Giang ( Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Rạch Giá...) để bán hàng bông và gặt lúa mướn, sau đó thì trở về quê khi tết nhứt gần kề. Người Hậu Giang gọi họ là bà con miệt vườn, nhưng những người sính dùng chữ nghĩa thì đặt tên cho những cuộc đời lênh đênh sông nước ấy một cái tên mỹ miều: Khách thương hồ!

Quê tôi nằm dọc con sông Bạc Liêu, vì thế mà thuở nhỏ năm nào tôi cũng được tắm mình trong cái không khí rộn ràng của mùa gặt mướn . Thời điểm bắt đầu là khi gió chướng về. Đó là một ngọn gió rất lạ, nó tiềm ẩn những huyền dịu của thiên nhiên. Đầu tiên là những ngọn gió giao mùa, sau đó là gió chướng "sòng" xuất hiện, nó cùng phóng khoáng nó mang tất cả những mát mẻ của đất trời thổi tràn vào đồng ruộng xóm làng và tràn ngập lòng ta. Nó làm không gian dậy lên cái hương lúa mới nồng đợm. Chính vì thế mà lòng ta rạo rực về một mùa màng no ấm đã về, về một cái Tết có áo mới, pháo nổ gần kề. Bổng nghe dưới bến sông có ai hò:"Bớ ghe sau chèo mau tôi đợi, khúc sông này bờ bụi khó qua". Mới hay đã bắt đầu mùa bà con miệt vườn về miệt sông Hậu Giang làm ăn. Trên dòng sông Bạc Liêu trăng tháng mười bàng bạc, từng đoàn ghe xuồng nối đuôi nhau lũ lượt kéo về, tiếng quẩy nước, tiếng khua chèo tiếng hát hò hòa lẫn với tiếng những bầy vạt ăn đêm đánh thức những dòng sông lạnh vắng. Tiếng hò của ai đó cất lên:" Đạo nào vui cho bằng đạo đi buôn, xuống bể lên nguồn gạo chợ nước sông". Khách thương hồ cứ theo dòng nước lũ của Sông Tiền, qua Sông Hậu rồi xuống Ngã Năm, Ngã Bảy để vào Bãy Xàu, Cổ Cò mà về Bạc Liêu, Cà Mau... Những vùng đất miệt Hậu Giang nổi tiếng phèn chua nước mặn với câu ca:"Chèo ghe sợ sấu cắn chưng, xuống sông sợ đĩa, lên rừng sợ ma", nhà cửa thưa thớt, đìu hiu bổng trở nên đông vui nhộn nhịp. Tại các vàm sông như Ngã Năm, Ngã Bảy nơi đầu mối thủy lộ tỏa ra nhiều vùng-các hàng quán bán bánh dừa, bánh tét, cháo gà...mở ra. Khách thương hồ mua rồi bán lại một ít trái cây miệt vườn. Riết rồi hình thành nếp sinh hoạt mua bán ngày một sầm uất, trở thành chợ nổi trên sông đặt biệt của miền Hậu Giang.

Còn tại các xóm làng của Bạc Liêu, Cà Mau như xóm tôi chẳng hạn thì ghe xuồng ken dày ở các bến sông, các đầu kinh thủy lợi...đó là một thứ xuồng ghe đủ loại: tam bản, ghe cui, ghe lường...các xuồng ghe đều có mui được trầm từ lá dừa nước. Khi tìm được bến đậu người ta khiêng mui ghe lên bờ để làm một thứ nhà di động mà trú mưa, nắng. Một tốp ghe 5-3 nhân công trai tráng, tốp khác lại là những cặp vợ chồng với con nhỏ nheo nhóc. Họ còn nuôi gà, heo trên những chiếc xuồng ghe nhỏ xíu. Sáng sớm ở đầu các vàm kinh đã thấy ánh lửa bập bùn rồi khói đốt rơm nghi ngút dâng cao. Đó là những người gặt mướn nấu cơm ăn sớm để đi làm sớm. Họ là những thợ gặt chuyên nghiệp với năng suất gấp đôi người địa phương, trời đứng bóng đã thấy gặt xong một công lúa. Và họ luôn đi tiên phong trong kỹ thuật gặt lúa. Chính kỹ thuật cắt lúa thấp bằng lưỡi hái trên ruộng lúa ngắn ngày ( trái với kỹ thuật thu hoạch lúa của người địa phương đã được người miệt vườn du nhập vào miền Hậu Giang.

Khách thương hồ cất lên vọng hò lan dài theo dòng sông:" Ngồi buồn vọc nước giỡn trăng, nước sao trăng dợn biết rằng về đâu". Hát thế là hát cho kẻ mới đi gặt. Đi buôn xuống miền Hậu Giang lần đầu hoặc tình cảnh của dân thương hồ ngày nay, chứ ngày xưa đa phần khách thương hồ đều có bến đậu. Ở làng tôi vào mùa gặt là gần như 100% gia đình trong xóm đều chứa 5-10 người miệt vườn đến trú ngụ. Là người quen cả đó thôi. Năm ngoái họ từ giả về vườn ăn tết thì năm nay họ lại xuống làm ăn. Nhà tôi là bến đậu của cậu Út, người miệt Cửu Long. Ba tôi kể rằng, đời ông già cậu Út cũng đã ở nhà ông nội tôi để đi gặt rồi. Thế cho nên tình cảm gắn bó như bà con ruột rà. cậu Út xuống với mợ Út cùng thằng Cảnh và con Út Mén. Họ đến thì cả gia đình tôi mừng, lũ trẻ sẽ được ăn trái cây miệt vườn và có bạn chơi. Còn người lớn thì lâu ngày gặp lại. Ghe cậu Út năm nào cũng chở một số trái cây gồm: Mít, Xoài, Mận... vừa có cái tặng bà con miền Hậu Giang vừa bán để kiếm một ít lời làm sở phí đi đường. Cũng chẳng biết vì sao ba má tôi lại quý họ như thế. Má tôi bán dùm hàng cho mợ Út, ba tôi thì "dằn" điểm công gặt có giá cao cho cậu Út. Sau một công gặt còn thời gian rảnh, ba tôi dẫn cậu Út đi bắt cá cạn, hay xin một ít cá lóc, cá rô loại nhỏ của láng giềng tát đìa để cậu Út xẻ khô làm mắm mang về quê khi cuối mùa gặt. Lúc đó xóm tôi cứ nhộn nhịp, nhất là về đêm. Má tôi đốt đèn Mang Song sau sàn lãn để làm cá mắm với mợ Út. Còn tôi cùng với thằng Cảnh và Út Mén thì dẫn trâu đạp rơm giữa khoảng trăng rộng, trăng tháng mười vằn vặt, lũ trẻ chúng tôi mặc sức nô đùa. Con Út Mén sợ ma bị chúng tôi nắp trong cổ lúa nhát ma đến khóc xanh mặt. Gọi con Út Mén là thuở 11-12 tuổi, sau này 18 tuổi tôi vụn về gọi nhỏ nó bằng cô Út Lan. Năm đó Út Lan về quê tôi đứng nơi giang đầu dõi mắt thăm thẳm về cuối dòng sông mà ngọng ngệu cất lên câu hò Sông Hậu: "Em về Giồng Dứa Qua Truông, gió đưa bông sậy dạ buồn nhớ ai".

Đời của khách thương hồ là đời lênh đênh sông nước, rài đây mai đó và tha phương cầu thực nên có những niềm sướng khổ rất riêng. Là đời của những kẻ hải hồ lang bạt, mượn bốn phương làm nhà nếm trải nhiều món ngon vật lạ, thuộc làu trăm nẻo xa xôi. Nhưng cũng là đời của những người con cái không được học hành, tay ương hoạn nạn xảy ra thiếu một quê hương đao đáo, thiếu những người thân an ủi, đỡ đầng. Cái cảnh mà thuở nhỏ thường xảy ra ở xóm tôi là dân gặt mướn, tới nơi thì đỗ bờ, không làm mướn được cho nên tết gần kề mà klhông có tiền về xứ. Nhớ đến cái bàn thờ gia tiên lạnh lẽo khói hương, nơi miền Tiền Giang xa xôi mà chạnh lòng, họ đi ngêu ngao rồi hò rằng:"Cúc mọc dưới sông kêu bằng cúc thủy, Sài Gòn xa chợ Mỹ cũng xa, gởi thơ thăm hết mọi nhà, trước là phụ mẫu sau là thăm em".

Trước tình cảnh ấy bà con xóm tôi thường xử sự mời họ lên bờ, vô nhà cùng ăn tết cũng bánh trái, cũng nhậu nhẹt thỏa thê ba ngày tết, để an ủi một phần những kiếp đời tha phương.

Lớn lên tôi cứ thắt mắc mãi không biết vì sao và từ bao giờ mà có tập quán làm ăn của khách thương hồ, và vì sao dân miệt Hậu Giang như má tôi lại đùm bọc, thương yêu bà con miệt vườn như tình ruột thịt? (Nó giống như một mối duyên tiền định giữa miệt Tiền Giang và Hậu Giang mà khách thương hồ là kiếp thôi đưa chuyên chở những tình cảm ấy). Phải mãi sau này nghe những người lớn tuổi kể và tìm hiểu đôi chút lịch sử khai phá Nam bộ tôi mới sáng mắt ra.

Người từ miệt Tiền Giang đỗ về Hậu Giang làm ăn thì đã có quá trình hàng ba trăm năm nay rồi nhưng có ba làn sóng di dân lớn. Làn sóng thứ nhất là khi giặc Pháp chiếm ba tỉnh Nam Kỳ. Thành quả xây dựng nền văn minh miệt vườn qua một trăm năm của miệt Tiền Giang bị tàn phá nặng nề. Nguyễn Đình Chiểu viết: "Bến nghé, Cửa Tiền tan bọt nước, Đồng Nai trăng ngói nhướm màu mây".

Những làng quê trù phú, những ruộng vườn thành khoảnh...bị gót giầy xâm lược giậm nát. Dân miệt Tiền Giang phải bồng bế nhau lên những chiếc ghe cui, ghe bầu về miệt Hậu Giang chạy loạn. Làn sóng thứ hai là cơn bão năm Thìn và sau đó là nạn càu càu tàn phá hoa màu vào đầu thế kỷ 20 đã đẩy dân miệt Tiền Giang vào nạn đói khổ và họ cũng lại bồng chống nhau về miệt Hậu Giang.

Làn sóng sau cùng là hạn hán năm 1978-1979 làm cho vùng Gò Công, Bến Tre, Cửu Long mùa màng bị thất bát nặng nề liên tiếp 2-3 năm. Thế là họ cũng lại bồng bế nhau về miền Hậu Giang chạy đói. Chính người viết bài này đã chứng kiến cảnh di dân thứ ba này. Trên sông Bạc Liêu năm đó cứ dày đặc ghe xuồng, bất kể đêm lẫn ngày. Số lượng đông đúc đến cỡ phải liệt vào cấp "binh đoàn". Các xóm làng vùng Hậu Giang tràn ngập dân Tiền Giang. Họ đến nhận làm mướn bất kể nghề nghiệp gì. Người có một chút của cải thì chở tủ, bàn, đồng hồ, ghe, xuồng xuống đổi gạo, đổi khoai. Thậm chí người ta đổi một cô gái để lấy vài táo gạo. Chính vì thế mà xứ Bạc Liêu bây giờ có rất nhiều nàng dâu miệt Tiền Giang được gả về vào cái dịp "khốn khổ khốn nạn" ấy. Ông nội tôi vốn cũng là dân Tiền Giang lưu lạc về đây, thuở sinh tiền, trong những buổi độc ẩm, ông khề khà giải thích cái lý do vì sau khi có hoạn nạn mà người dân miệt Tiền Giang hay về Hậu Giang: Là vì ở đó đất rộng người thưa, dồi dào sản vật, rất dễ kiếm sống. Vào nửa đầu thế kỷ 20 trở về trước, nếp nhà của người Hậu Giang là những căn nhà gỗ dầu ba căn, trước nhà bao giờ cũng có 2-3 bộ ngựa gỏ dầy 1 tấc, dùng để tiếp khách. Khách đến nhà bất luận thân sợ lạ đều được gia chủ têm trầu mời dùng, cơm rượu ngày 3 bữa. Đã thế còn có chỉ chỗ đất tốt cho khai phá, cho mượn trâu để cày bừa. Việc chứa khách trong nhà 2-3 năm là chuyện bình thường, trở thành tập quán sinh hoạt của người Hậu Giang ngày xưa. Tất nhiên tính cách phóng khoáng, hào hiệp ấy vốn có căn nguyên của nó. Vùng Hậu Giang xưa ruộng đồng cò bay thẳng cánh, tôm cá trên sông rạch hằng hà, việc chứa khách trong nhà bao lâu không có ý nghĩa vật chất.

Giữa người mới đến khẩn hoang, lập nghiệp không có mâu thuẫn với quyền lợi của người cũ, mà ngược lại còn hỗ trợ nhau làm ăn. Ví như cấy một công ruộng thì chim chuột cắn phá hết, nhưng cấy 100 công thì sự phá hoại phân tán thiệt hại cho mỗi gia đình không đáng kể. Xóm làng càng đông thì thú rừng và bọn trộm cướp không dám bén mãng. Chính vì thế mà hình thành tập quán hiếu khách, lối sống phóng khoáng hào hiệp đặc biệt của người Hậu Giang.

Ông nội tôi kể đời làm khách thương hồ của ông cực mà vui lắm. Trong những đêm trăng thanh gió mát đậu ở các vàm sông đợi nước, khách thương hồ cất lên những điệu hò tự sự về cuộc đời tha phương cầu thực của mình. Cảm được nổi lòng ấy, trên bờ có ai đó ra bờ sông hò đáp lại. Sau đó thì các ghe xuồng đậu lại một nhiều thêm, trên bờ sông, người trong xóm làng heo hút kéo ra đông hơn, hình thành hai phường hò đối đáp nhau. Sau những trận "Hò chiến" như thế có khi khách hồ tìm được bến đau rồi nên nghĩa vợ chồng, nên tình thủ túc.Quá trình di chuyển của khách thương hồ từ miệt Tiền Giang về Hậu Giang là quá trình hai "miệt" "cấy người" vào nhau. Ông nội bảo khi gặt mướn cho nhà ông cố tôi, thấy ông nội tôi giỏi giắn mà thật thà thì ông cố tôi kêu vào ở rể. Khi ông nội tôi ra riêng, trở thành địa chủ manh (ruộng nhỏ, manh mún) năm nào cũng đón bà con ở quê Tiền Giang về nhà ở để gặt mướn. Trong nhóm người đó có má tôi sau nầy. Người Hậu Giang cũng chẳng chê người Tiền Giang nà họ hò rằng: "Mẹ mong gả thiết về vườn, ăn bông bí luộc dưa hường nấu canh." Theo câu hát đó cô Út tôi được gả theo dượng Út về miệt Tiền Giang.


Chính vì thế mà giữa miệt Tiền Giang và Hậu Giang hồi đầu chỉ có mối quan hệ làm ăn, dần có thêm mối quan hệ máu mủ. Người ta đi làm ăn cũng là để thăm nôm nhau rồi nghiễm nhiên biến thành khách thương hồ!

Khi tôi kết thúc bài viết này cũng là lúc gió bất rao ngọn, tại các vàm sông, các đầu kênh thủy lợi của Bạc Lợi khách thương hồ đang tất bật khiêng mui nghe xuống để hồi cố thổ cho kịp đón tết. Giờ đây kinh tế của miệt Tiền Giang vẫn phát triển nhưng không biết vì sau vẫn còn nhiều kiếp đời trôi nổi tha phương cầu thực?

Giải thích cho ý nghĩ này của tôi, một ông lão bới tóc củ tỏi, mặc áo Cao Đài, người Tiền Giang bảo: "Kinh tế gia đình của Qua bây giờ không cần phải đi làm mướn. Nhưng hễ tới mùa gió chướng là cái máu lang bạt kỳ hồ nó nổi lên, nôn nao xuống xuồng rong rũi về miền Hậu Giang. Gặt mướn là cái cớ để đi chơi, để thăm người cũ, chốn cũ ấy mà". Nghe ông lão nhắc cái máu lang bạt kỳ hồ tôi mới nhớ, dân Châu Thổ sông Cửu Long chằng chịt sông ngòi chúng tôi bảy đến tám tuổi đã nhảy ùm xuống sông, áp lòng ngực chồm lên ngọn sống gọi là giỡn sóng, nào có hay đâu chính lúc ấy cái hồn sông nước đã nhập vào hồn người, làm nên cái máu lang bạt trên sông nước của con người. Những kiếp đời khách thương hồ ra đời từ dòng máu ấy, nó nối liền hai miệt Tiền Giang và Hậu Giang mến yêu. Nó làm nên cái thẳm sâu của nền văn minh sông nước Nam bộ.
Cảm ơn bạn đã ghé thăm site của CÔNG TY DU LỊCH MIMOSA! Bạn hãy để lại lời nhận xét (comment) của mình! Hoặc bạn cũng có thể đăng kí nhận bản tin RSS. Chúng tôi hy vọng bạn thích site này của CÔNG TY DU LỊCH MIMOSA và tìm được những thông tin bổ ích, và nếu có thể hãy thêm địa chỉ site này vào favorites của bạn để có thể ghé thăm lại. Cám ơn!

Thứ Tư, 22 tháng 10, 2008

CHÙA

Chùa Đất Sét Sóc Trăng: Ngôi chùa độc nhất vô nhị

Sóc Trăng có nhiều ngôi chùa độc đáo nhất ĐBSCL. Chùa Dơi (chùa Mã Tộc) nơi hội tụ của hàng ngàn con dơi quạ, loài dơi lớn có sải cánh dài từ 1-1,5m; Chùa Chén Kiểu với hàng nghìn chén kiểu lớn nhỏ được đính trên các mái, vách, cột chùa; Chùa Vàng lộng lẫy với nét chạm khắc tinh tế... mang nét văn hóa đặc trưng của người Khmer Nam Bộ. Chùa Đất Sét còn gọi là chùa Bửu Sơn Tự, ngôi chùa với hàng ngàn tượng lớn nhỏ bằng đất sét, cột chùa cũng bằng đất sét. Độc đáo hơn nơi đây còn có 8 cây đèn cầy nặng tổng cộng 1,4 tấn.
Cặp đèn cầy lớn bên bàn thờ Bác HồKỳ Lân bằng đất sétBạch Hổ bằng đất sét
Chùa được xây dựng cách đây 200 năm, do một người trong dòng họ Ngô sáng lập. Ông Ngô Kim Giản, 86 tuổi trụ trì chùa đời thứ 5 cho biết: Năm 1928â Ông Ngô Kim Tòng, thuộc đời thứ tư, người khởi xướng trùng tu chùa, qua một lần "nằm mộng" ông nghĩ ra cách nặn tượng bằng đất sét thay vì phải đúc bằng đồng, vàng… Trong cảnh nghèo khó, ông đã quyết định sử dụng đất sét để nặn tượng xây dựng chùa. Đầu tiên đất sét lấy về, ông cho phơi thật khô, sau đó bỏ vào cối giã thật nhuyễn, rồi sàng lọc bỏ rễ cây, rễ cỏ, lấy đất mịn trộn với bột nham ô dước tạo thành một hỗn hợp dẻo, thơm để sử dụng nắn tượng Phật và xây chùa. Ông Ngô Kim Tòng lúc ấy 20 tuổi, người chưa hề học qua lớp điêu khắc nào, ông vẫn bắt tay vào tạc tượng. Hơn 1000 pho tượng lớn nhỏ ông tạc, nặn một cách tinh tế trong vòng 42 năm. Khi đã hoàn thành việc xây cất chùa và trang trí các tượng Phật, tượng loài thú trong chùa thì ông bắt đầu lâm bệnh nặng và mất ở tuổi 62. Cho đến nay các tượng lớn, nhỏ này hiện vẫn còn nguyên vẹn ở chùa Đất Sét. Nào là tượng A Di Đà, Thích Ca, Quan Thế Âm Bồ Tát, Khổng Tử, Ngọc Hoàng Thượng Đế… Sự sắp xếp tượng ở đây nói lên tư tưởng Tam giáo đồng viện (Phật-Nho-Lão). Pho tượng "Bảo tòa thỉnh Phật trụ thế truyền tháp luận" có đến 1000 cánh sen, mỗi cánh sen là một vị thần ngự. Phía dưới đài sen lại có "Bát quái Thiên tiên" gồm 8 cung, đó là " Càn, Khảm, Cấn, Chấn, Tốn, Ly, Khôn, Đoài"; mỗi cung có hai tiên nữ đứng hầu; dưới đài sen và Bát quái là Tứ đại Thiên Vương trấn giữ.
Tượng Phật thờ trên chùaTượng Phật che mắt
Riêng tháp Đa Bảo cao 3,5m được thể hiện hết sức độc đáo. Tháp có 13 tầng với 208 cửa vị thần; dưới chân tháp có 126 rồng nâng đỡ tháp. Ngoài ra còn có lục long đăng 3 chóp đỉnh lớn, 7 lư hương nhỏ và các cặp Kim Lân, Thanh Sư, Bạch Tượng, Bạch Hổ, Long Mã. Những chi tiết này nhiều người tưởng là đúc bằng đồng, mạ kim nhũ với dầu bóng, nhưng tất cả đều được làm từ đất sét.
Chùa Đất Sét không chỉ nổi tiếng bởi các pho tượng làm bằng đất sét mà còn 8 cặp đèn cầy lớn, mỗi cây cao 2,6m, ngang 1m (chứa 200kg sáp), được dòng họ Ngô đúc năm 1940. Hiện nay hai đèn nhỏ cháy suốt ngày đêm từ khi ông Ngô Kim Tòng qua đời (ngày 18-7-1970 đến nay). Nếu cháy hết sáp phải vào cuối năm 2006. Bình quân mỗi cây đèn cháy suốt ngày đêm phải mất 70-80 năm. Hiện nay mỗi ngày chùa đón trên 200 du khách và phật tử đến tham quan. Và đây được xem là ngôi chùa độc nhất vô nhị ở Việt Nam vì có trên 10.000 tượng lớn nhỏ đều được làm từ đất sét, là địa chỉ thu hút du khách mỗi khi đến Sóc Trăng.

Cảm ơn bạn đã ghé thăm site của CÔNG TY DU LỊCH MIMOSA! Bạn hãy để lại lời nhận xét (comment) của mình! Hoặc bạn cũng có thể đăng kí nhận bản tin RSS. Chúng tôi hy vọng bạn thích site này của CÔNG TY DU LỊCH MIMOSA và tìm được những thông tin bổ ích, và nếu có thể hãy thêm địa chỉ site này vào favorites của bạn để có thể ghé thăm lại. Cám ơn!

ĐỒNG THÁP

Về Đồng Tháp

Đồng Tháp nằm trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, là một trong ba tỉnh của vùng Đồng Tháp Mười, phía bắc giáp Campuchia, phía nam giáp Vĩnh Long và Cần Thơ, phía tây giáp An Giang, phía đông giáp Long An và Tiền Giang. Với diện tích: 3.376,4km, dân số: 1.667,8 nghìn người (tính đến năm 2006), tỉnh lỵ là Tp.Cao Lãnh. Các huyện, thị bao gồm: Thị xã Sa Đéc; huyện: Tân Hồng, Hồng Ngự, Tam Nông, Thanh Bình, Tháp Mười, Cao Lãnh, Lấp Vò, Châu Thành, Lai Vung.
Dân tộc sinh sống bao gồm : Kinh, Khmer, Hoa... chung sống từ bao đời nay.
Khu tưởng niệm cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc
Đồng Tháp là tỉnh có hệ thống sông ngòi, kênh, rạch chằng chịt; nhiều ao, hồ lớn. Sông chính là sông Tiền (một nhánh của sông Mê Kông) chảy qua tỉnh với chiều dài 132km. Dọc theo hai bên bờ sông Tiền là hệ thống kênh rạch dọc ngang. Đường liên tỉnh giao lưu thuận tiện với trên 300km đường bộ và một mạng lưới sông rạch thông thương.
Là một tỉnh nông nghiệp, Đồng Tháp sản xuất nhiều lương thực và các loại nông, thủy sản có giá trị xuất khẩu. Đất đai Đồng Tháp màu mỡ bởi phù sa do hai con sông Tiền và sông Hậu bồi đắp, xóm làng trù phú giữa bốn bề cây cối xanh tươi. Vì thế, Đồng Tháp được biết đến như một vựa lúa của cả nước. Ở đây có giống lúa nổi, một loài lúa mọc tự nhiên từ tháng 4, tháng 5 đến tháng 10 là thu hoạch mà không cần chăm bón. Đồng Tháp cũng là vùng đầy triển vọng về các loại cây công nghiệp ngắn ngày như mía, bông, thuốc lá, đậu tương và cây ăn trái như xoài Cao Lãnh, nhãn Châu Thành, quít Lai Vung, bưởi Phong Hòa, chôm chôm, vú sữa, mãng cầu có quanh năm.
Vùng đất Đồng Tháp Mười ngày xưa nổi tiếng hoang vu với lắm bưng, trần, đìa, bàu, với bạt ngàn đưng, lác, năng, sen, súng và lau, sậy,... Đây là giang sơn của các loài động vật hoang dại như: rắn, rùa, chuột, ếch, chim muông, cua, cá sấu.
Rừng Xẻo Quýt. Ảnh: Trương Công KhảSếu Tam Nông. Ảnh: Lâm Viên
Giờ đây về thăm Đồng Tháp, du khách như trở về với cội nguồn thiên nhiên bởi bầu không khí trong lành, mát mẻ của những cánh đồng lúa phì nhiêu. Đi xuồng ba lá trên sông rạch để đến với Khu di tích cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc, Đài liệt sĩ, Khu di tích Gò Tháp, Di tích kiến trúc cổ Kiến An Cung, vườn chim thiên nhiên lạ mắt ở Tháp Mười, vườn sếu quý hiếm ở Tam Nông, Khu căn cứ Xẻo Quít, làng hoa kiểng Tân Qui Đông, các vườn cây ăn trái Cao Lãnh, Châu Thành, Lai Vung, Thạnh Hưng...
Đồng Tháp có nhiều tôn giáo như Cao Đài, Hòa Hảo, Phật giáo và Công giáo. Tính cách người dân Đồng Tháp mang đậm nét đặc trưng chung của đồng bằng Nam Bộ: Cần cù, hiền lành, phóng khoáng, cởi mở và giàu lòng mến khách.
Về Đồng Tháp mà không ghé thăm Khu di tích cụ Nguyễn Sinh Sắc là một thiếu sót lớn. Đây là công trình ghi ơn cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, nhà nho yêu nước và là thân phụ Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Khu di tích cụ Nguyễn Sinh Sắc là một quần thể kiến trúc văn hóa hấp dẫn ở tỉnh Đồng Tháp, được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng ngày 9-4-1992. Toàn bộ khu di tích rộng 3,6ha, chia làm hai cụm kiến trúc: mộ và nhà lưu niệm cụ phó bảng; nhà sàn và ao cá Bác Hồ, mô phỏng nơi ở và làm việc của Bác ở Hà Nội. Đối diện với cổng vào là lăng mộ cụ phó bảng, mái hình bàn tay úp, phía trên mái là chín con rồng - biểu tượng của các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Tại khu di tích có rất nhiều cây cảnh, hoa quý được nhân dân hiến tặng hoặc đưa về từ nhiều miền của đất nước, trong đó đặc biệt là cây khế gần 300 tuổi (nằm bên trái mộ) và cây sộp hơn 300 tuổi (nằm bên phải mộ). Trong nhà lưu niệm trưng bày nhiều hiện vật, tư liệu liên quan đến những năm tháng cụ Sắc sống và làm việc, nhất là thời gian ở Cao Lãnh và vùng đất Nam Bộ.
Hằng năm, cứ vào ngày 27-10 âm lịch, bà con nhiều nơi hội tụ về đây tổ chức lễ giỗ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc trong không khí trang nghiêm và đông vui như một ngày hội lớn ở địa phương.
Hàng triệu du khách trong và ngoài nước đã đến Đồng Tháp tham quan và viếng mộ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, thể hiện lòng biết ơn đối với người đã có công sinh thành Bác Hồ muôn vàn kính yêu.
Cảm ơn bạn đã ghé thăm site của CÔNG TY DU LỊCH MIMOSA! Bạn hãy để lại lời nhận xét (comment) của mình! Hoặc bạn cũng có thể đăng kí nhận bản tin RSS. Chúng tôi hy vọng bạn thích site này của CÔNG TY DU LỊCH MIMOSA và tìm được những thông tin bổ ích, và nếu có thể hãy thêm địa chỉ site này vào favorites của bạn để có thể ghé thăm lại. Cám ơn!

SÔNG NƯỚC

Độc đáo Chợ Miệt Thứ

Miệt Thứ là vùng đất chạy dọc theo vịnh Thái Lan thuộc hai huyện An Minh và An Biên (Kiên Giang), kéo dài đến rừng U Minh. Xưa kia, Miệt Thứ là mảnh đất hoang sơ và khắc nghiệt, là nơi “Muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lềnh tựa bánh canh”, thế nhưng, vùng đất này vẫn có sức hút kỳ lạ với những ai đã từng đến, từng có những tháng ngày sống mê mải với sông nước mênh mông, rợp trời bông tràm...


Một góc chợ Thứ 11Ven sông Miệt Thứ


Với hệ thống sông ngòi chằng chịt, nhiều kênh rạch, nên phương tiện đi lại của người dân vùng Miệt Thứ chủ yếu là xuồng, ghe, vỏ máy và không biết tự bao giờ, những phương tiện đó đã trở nên đa năng, vừa là nơi trú ngụ, nghỉ ngơi, vận chuyển vừa là phương tiện mưu sinh của người dân nơi đây. Đến với Miệt Thứ, du khách sẽ ngạc nhiên trước cảnh trên bến dưới thuyền, trao đổi mua bán nhộn nhịp. Tên của các chợ nghe cũng rất ấn tượng: Thứ 3, Thứ 6, Thứ 7, Thứ 8, Thứ 9, Thứ 11... Ở mỗi chợ thường là ngã ba, ngã tư sông và kênh, rạch tỏa đi nhiều hướng. Đặc trưng đó đã xuất hiện một loại chợ thật độc đáo - chợ nổi vùng Miệt Thứ, được hình thành bằng những chiếc ghe lớn, như những ngôi nhà nổi, bềnh bồng trên sông nước, chở theo nhiều loại hàng hóa nhưng chủ yếu là các mặt hàng nông sản thực phẩm. Bên cạnh đó là những người buôn bán trên các xuồng chèo, vỏ máy nhỏ... neo đậu, ngã giá mua hàng, rồi chuyên chở luồn lách vào các kênh, rạch xa chợ.

Chợ không quy định thời gian họp, tan, hay địa bàn riêng biệt, bất cứ xuồng ghe nào cũng có thể neo đậu, buôn bán. Những bạn hàng tập trung mua bán với nhiều hình thức khác nhau, có người bán các mặt hàng nông sản từ vườn nhà, có người chạy xuồng vào tận các nhà vườn mua gom, hoạt động mua bán đó diễn ra thường xuyên và dường như việc mưu sinh trên sông nước này đã trở thành nét sinh hoạt đặc trưng của vùng Miệt Thứ. Mỗi chuyến đi, họ thường mang theo mền, mùng, chiếu, gối và xuồng, ghe dù lớn hay nhỏ đều được xem là chiếc giường lý tưởng giữa trời nước bao la. Chợ càng về khuya thì càng náo nhiệt, bởi nơi đây được xem là chợ đầu mối trong trao đổi mua bán, nhiều bạn hàng ở các nơi khác đến mua hàng, họ thường chọn thời điểm hai, ba giờ sáng, để kịp bán phiên chợ buổi sáng. Những người mua bán ở chợ này không có khái niệm ngày, đêm, bởi lúc nào có khách mua hàng là họ đều đáp ứng.

Chợ trên sông Miệt ThứLàng ẩm thực Miệt Thứ


Dưới ánh đèn đủ sắc dập dềnh trên sông nước, hòa cùng tiếng máy nổ, tiếng cười nói xôn xao, tiếng chào mời nồng nhiệt, như muốn níu kéo chân người. Nếu như ở trên bộ, mỗi dịch vụ buôn bán đều có bảng hiệu được trang trí bằng nhiều màu sắc sặc sỡ, thì ở chợ Miệt Thứ hình thức giới thiệu lại rất độc đáo, chỉ cần một cây sào ngắn, cắm trên mũi ghe, treo lên những loại hàng hóa mẫu, thế là khách mua biết ghe bán mặt hàng gì, không cần phải quảng cáo nhiều. Đến với Miệt Thứ, vẫn còn thấy đâu đó những phụ nữ xinh tươi, duyên dáng trong áo bà ba, xuôi mái chèo thanh thoát. Những đêm trăng sáng, vài ba chiếc ghe, xuồng chụm vào nhau bàn tán đủ thứ chuyện trong cuộc sống thường nhật, có khi nhâm nhi ly rượu, hát đôi câu vọng cổ giữa tiếng máy, tiếng reo hò... làm cho người ta thêm yêu đời, tươi trẻ, đó là cái thú mà hiếm nơi nào có được.

Không những thế, ở loại chợ độc đáo này, ngày càng xuất hiện nhiều quán trên sông, bán nhiều món ăn thật hấp dẫn, bắt mắt, góp phần làm cho chợ thêm náo nhiệt, đáp ứng nhu cầu của khách và những bạn hàng ở chợ. Ở đây, dường như người ta quên đi khái niệm mắc cỡ hay e ngại, ngồi trên chiếc xuồng bồng bềnh giữa chợ, cũng có thể tha hồ thưởng thức các món ngon.

Trải qua bao thay đổi, Miệt Thứ bây giờ không còn là vùng đất hoang sơ, dễ sợ như trước. Tuy nhiên, Miệt Thứ vẫn còn những nét sinh hoạt văn hóa rất đặc trưng của miền quê sông nước - chợ Miệt Thứ. Hình thức buôn bán trên sông này không biết đã xuất hiện từ bao giờ, nhưng nó đã trở thành nét sinh hoạt độc đáo và không thể thiếu của người dân vùng này.

Cảm ơn bạn đã ghé thăm site của CÔNG TY DU LỊCH MIMOSA! Bạn hãy để lại lời nhận xét (comment) của mình! Hoặc bạn cũng có thể đăng kí nhận bản tin RSS. Chúng tôi hy vọng bạn thích site này của CÔNG TY DU LỊCH MIMOSA và tìm được những thông tin bổ ích, và nếu có thể hãy thêm địa chỉ site này vào favorites của bạn để có thể ghé thăm lại. Cám ơn!

SÔNG NƯỚC

Độc đáo công cụ đánh bắt ở Cà Mau
Sông nước Cà Mau có trữ lượng tôm cá có thể xếp vào hàng bậc nhất nước. Người dân Cà Mau có rất nhiều cách mưu sinh bằng nghề này.
Cà Mau có kênh rạch, ao, đầm, sông, biển nhiều vô số kể, ngoài nguồn nước để sinh hoạt, người dân tìm thấy vô số động thực vật sống trong môi trường nước và ở ven bờ như: Cá, tôm, cua, lươn, ếch, nhái, ốc, sò, hàu, vọp… và các loại thực vật.

Đặt vó Giăng lưới Kéo lưới Giăng câu Đẩy xiệp Đóng đáy
Để đánh bắt, người dân có rất nhiều cách và rất am hiểu tập tính của chúng. Theo kinh nghiệm của người dân đánh bắt, nhất chạng vạng, nhì rạng đông, đó chính là lúc cư dân thủy cung ra khỏi nơi ẩn náu.
Ở Cà Mau, khi gió Bấc về (tháng 9, tháng 10 âl, gọi là Bấc cầu tài), mưa lớn, cá sẽ xuôi theo dòng nước để trở về nơi cư trú. Đây cũng là lúc người dân tổ chức đánh bắt bằng nhiều cách như: câu (câu phao, câu rê, câu giăng, câu cắm, câu nhắp), giăng lưới (lưới kéo - lưới bao, đáy), đặt lờ, đi soi, tát cạn, cất vó, đánh dậm, duốc (thuốc) cá, đăng, nò, xa, tầm phuộc, nơm, soi, đặt trúm, te bộ rập cua, đâm cá bằng chĩa, giựt bằng thòng lọng, chất chà và còn rất nhiều phương pháp đánh bắt khác.
Ngày nay dân số càng đông, quá trình công nghiệp hóa và cuộc sống đô thị đang làm cho sông nước không còn nhiều tôm cá như xưa. Nhưng ở nông thôn Cà Mau vẫn còn đó những phương tiện đánh bắt rất độc đáo mà cha ông ta đã sáng tạo trong những ngày khẩn hoang chinh phục vùng đất này.

Cảm ơn bạn đã ghé thăm site của CÔNG TY DU LỊCH MIMOSA! Bạn hãy để lại lời nhận xét (comment) của mình! Hoặc bạn cũng có thể đăng kí nhận bản tin RSS. Chúng tôi hy vọng bạn thích site này của CÔNG TY DU LỊCH MIMOSA và tìm được những thông tin bổ ích, và nếu có thể hãy thêm địa chỉ site này vào favorites của bạn để có thể ghé thăm lại. Cám ơn!

GIỚI THIỆU


Đồng bằng sông

Cửu Long


Vùng đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam, còn gọi là Vùng đồng bằng Nam Bộ hoặc miền Tây Nam Bộ có 12 tỉnh và 1 thành phố:

Địa lý tự nhiên

Đồng bằng sông Cửu Long là một bộ phận của châu thổ sông Mê Kông có diện tích 39 734km². Có vị trí nằm liền kề với vùng Đông Nam Bộ, phía Bắc giáp Campuchia, phía Tây Nam là vịnh Thái Lan, phía Đông Nam là Biển Đông. Vùng đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam được hình thành từ những trầm tích phù sa và bồi dần qua những kỷ nguyên thay đổi mực nước biển; qua từng giai đoạn kéo theo sự hình thành những giồng cát dọc theo bờ biển. Những hoạt động hỗn hợp của sông và biển đã hình thành những vạt đất phù sa phì nhiêu dọc theo đê ven sông lẫn dọc theo một số giồng cát ven biển và đất phèn trên trầm tích đầm mặn trũng thấp như vùng Đồng Tháp Mười, tứ giác Long Xuyên – Hà Tiên, tây nam sông Hậubán đảo Cà Mau.

Cách đây khoảng 8.000 năm, vùng ven biển cũ trải rộng dọc theo triền phù sa cổ thuộc trầm tích Pleistocen từ Hà Tiên đến thềm bình nguyên Đông Nam Bộ. Sự hạ thấp của mực nước biển một cách đồng thời với việc lộ ra từng phần vùng đồng bằng vào giai đoạn cuối của thời kỳ trầm tích Pleistocen. Một mẫu than ở tầng mặt đất này được xác định bằng C14 cho thấy nó có tuổi tuyệt đối là 8.000 năm (Ngộ, 1988). Sau thời kỳ băng hà cuối cùng, mực mước biển dâng cao tương đối nhanh chóng vào khoảng 3–4 m trong suốt giai đoạn khoảng 1.000 năm (Blackwelder và những người khác, 1979), gây ra sự lắng tụ của các vật liệu trầm tích biển ở những chỗ trũng thấp của châu thổ; tại đây những sinh vật biển như hàu (Ostrea) được tìm thấy và việc xác định tuổi tuyệt đối của chúng bằng C14 cho thấy trầm tích này được hình thành cách đây khoảng 5.680 năm (Ngộ, 1988).

Đồng cỏ ở Đồng Tháp Mười

Đồng cỏ ở Đồng Tháp Mười

Dưới những ảnh hưởng của môi trường biển và nước lợ, thực vật rừng ngập mặn dày đặc đã bao phủ toàn vùng này, chủ yếu là những cây đước (Rhizophora sp.) và mắm (Avicennia sp.). Những thực vật chịu mặn này đã tạo thuận lợi cho việc giữ lại các vật liệu lắng tụ, làm giảm sự xói mòn do nước hoặc gió, và cung cấp sinh khối cho trầm tích châu thổ (Morisawa M., 1985), và rồi những đầm lầy biển được hình thành. Tại vùng này, cách đây 5.500 năm trước công nguyên, trầm tích lắng tụ theo chiều dọc dưới điều kiện mực nước biển dâng cao đã hình thành những cánh đồng rộng lớn mang vật liệu sét. Sự lắng tụ kéo dài của các vật liệu trầm tích bên dưới những cánh rừng Đước dày đặc đã tích lũy dần để hình thành một địa tầng chứa nhiều vật liệu sinh phèn (pyrit).

Mực nước biển dâng cao, bao phủ cả vùng như thế hầu như hơi không ổn định và bắt đầu có sự giảm xuống cách đây vào khoảng 5.000 năm (Pons L. J. và những người khác, 1982). Sự hạ thấp mực nước biển dẫn đến việc hình thành một mực nước biển mới, sau mỗi giai đoạn như thế thì có một bờ biển mới được hình thành, và cuối cùng hình thành nên những vạt cồn cát chạy song song với bờ biển hiện tại mà người ta thấy ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Một cồn cát chia cắt vùng Đồng Tháp Mười và vùng trầm tích phù sa được xác định bằng C14 cho thấy có tuổi tuyệt đối vào khoảng 4.500 năm (Ngộ, 1988).

Sự hạ dần của mực nước kèm theo những thay đổi về môi trường trong vùng đầm lầy biển, mà ở đây những thực vật chịu mặn mọc dầy đặc (Rhizophora sp., Avicinnia sp.) được thay thế bởi những loài thực vật khác của môi trường nước ngọt như tràm (Melaleuca sp.) và những loài thực thực vật hoang dại khác (Fimbristylis sp.,Cyperus sp.). Sự ổn định của mực nước biển dẫn đến một sự bồi lắng trầm tích ven biển khá nhanh với vật liệu sinh phèn thấp hơn (Pons L. J. và những người khác, 1989).

Ghe chở chôm chôm trên sông cửu long

Ghe chở chôm chôm trên sông cửu long

Sự tham gia của sông Cửu Long đóng vai trò rất quan trọng trong suốt quá trình hình thành vùng châu thổ. Lượng nước trung bình hàng năm của sông này cung cấp vào khoảng 4.000 tỷ m³ nước và vào khoảng 100 triệu tấn vật liệu phù sa (Morgan F. R., 1961), những mảnh vỡ bị bào mòn từ lưu vực sông, mặc dù một phần có thể dừng lại tạm thời dọc theo hướng chảy, cuối cùng được mang đến cửa sông và được lắng tụ như một châu thổ (Morisawa, 1985). Những vật liệu sông được lắng tụ dọc theo sông để hình thành những đê tự nhiên có chiều cao 3–4 m, và một phần của những vật liệu phù sa phủ lên trên những trầm tích pyrit thời kỳ Holocen với sự biến thiên khá rộng về độ dầy tầng đất vùng và không gian vùng (Pons L. J. và csv., 1982). Các con sông nằm được chia cắt với trầm tích đê phù sa nhưng những vùng rộng lớn mang vật liệu trầm tích biển chứa phèn tiềm tàng vẫn còn lộ ra trong vùng đầm lầy biển (Moormann, 1961). Tuy nhiên, độ chua tiềm tàng không xuất hiện trong vùng phụ cận của những nhánh sông gần cửa sông mà tại đây ảnh hưởng rửa bởi thủy triều khá mạnh. Ngược lại, vùng châu thổ sông Sài Gòn, nằm kế bên hạ lưu châu thổ sông Mekong, được biểu thị bởi một tốc độ bồi lắng ven biển khá chậm do lượng vật liệu phù du trong nước sông khá thấp và châu thổ này bị chia cắt bởi nhiều nhánh sông thủy triều và do bởi những vành đai thực vật chịu mặn thì rộng lớn hơn vành đai này ở vùng châu thổ sông Mekong, và kết quả là trầm tích của chúng chứa nhiều axít tiềm tàng (Moormann và Pons, 1974).

Được mệnh danh là vựa lúa của Việt Nam, phong cảnh tiêu biểu của Đồng bằng sông Cửu Long là những cánh đồng lúa bao la, mùa thì xanh rì sóng nhấp nhô theo gió, mùa thì trĩu nặng hạt lúa chín vàng tỏa hương ngan ngát. Nơi đây cũng nổi tiếng là vựa trái cây của cả nước với đủ loại trái như xoài, bưởi, cam, quýt, mít, dâu, chuối, nhãn, thơm, chôm chôm, măng cụt, sầu riêng, đu đủ…

Một thú vui khi về với vùng sông nước này là ngồi ghe băng dòng dòng sông Tiền hay sông Hậu mênh mông rộng trên 2,5km, hoặc dạo chơi trên những con rạch nhỏ hai bên là vườn tược sum suê, ghé thăm một nhà vườn, trò chuyện cởi mở với chủ nhân, nếm những trái cây tươi ngon vừa hái, cá tươi vừa đánh bắt ở sông rạch, và thưởng thức đờn ca tài tử ngay trong vườn.

Bên cạnh cầu Mỹ Thuận, chiếc cầu dây văng dài nhất Đông Nam Á, bạn sẽ ngạc nhiên vì những chiếc cầu khỉ mảnh mai dăng dăng qua những con rạch nhỏ. Bạn sẽ được tham quan chợ nổi với cảnh hàng trăm ghe thuyền lớn, nhỏ đầy ắp sản phẩm miệt vườn, người mua kẻ bán nhộn nhịp, xáo động cả một khúc sông, mọi sinh hoạt tiêu biểu của vùng sông nước.

Đồng bằng sông Cửu Long còn có những tràm chim hàng vạn con, những rừng tràm ngập nước rộng lớn, những rừng mắm, rừng đước mênh mông trên vùng đất bồi ven biển.



Cảm ơn bạn đã ghé thăm site của MIMOSATOUR! Bạn hãy để lại lời nhận xét (comment) của mình! Hoặc bạn cũng có thể đăng kí nhận bản tin RSS. Chúng tôi hy vọng bạn thích site này của MIMOSATOUR và tìm được những thông tin bổ ích, và nếu có thể hãy thêm địa chỉ site này vào favorites của bạn để có thể ghé thăm lại. Cám ơn!