Những giá trị cơ bản của Vịnh Hạ Long
Giá trị thẩm mỹ Vẻ đẹp của Hạ Long được tạo nên từ 3 yếu tố: Đá, nước và bầu trời. Hệ thống đảo đá Hạ Long muôn hình vạn trạng. Đường nét, họa tiết, màu sắc của đảo núi, hòa quyện với trời biển tạo ra một bức tranh thủy mặc. Hòn Đỉnh Hương toát lên ý nghĩa tâm linh. Hòn Gà Chọi có một chiều sâu triết học. Hòn Con Cóc ngàn năm vẫn đứng đó kiện trời. “Những tảng khối xù xì lạnh xám dường như muốn lưu giữ và gợi nhớ cuộc sống biến chuyển không ngừng đã hóa thân thành hình mái nhà, mẹ bồng con, ông cụ, mặt người...”
Phía trong những đảo đá lớn lại hấp dẫn bởi những hang động đẹp đẽ, kì lạ. Hang Đầu Gỗ gợi cảm giác choáng ngợp với những nhũ đá muôn hình dáng vẻ. Động Thiên Cung như một đền đài hoành tráng, mỹ lệ. Hang Bồ Nâu có cửa uốn vòng cung với vô số nhũ đá buông xuống mềm mại như cành liễu. Hang Sửng Sốt đẹp đến bất ngờ với nhũ đá mang hình hài của gà rừng, cóc, rồng, thác nước cùng với nhiều hình hài khác, như mở ra một thế giới cổ tích. Những hang động như Tam Cung, Trinh Nữ, Ba Hang, Tiên Long… mỗi hang có những vẻ đẹp độc đáo riêng làm mê mải lòng người.
Biển Vịnh Hạ Long muôn đời vẫn một màu xanh biếc, chảy êm đềm, mải miết với thời gian. Hạ Long đẹp bốn mùa. Mùa xuân, những thảm thực vật biêng biếc chồi non trên dãy núi đá vôi. Mùa hạ, trời mát và trong trẻo, những hạt nắng lung linh rơi xuống mặt biển. Mùa thu, vào những đêm trăng, ánh trăng soi nghiêng bóng núi bập bềnh như dát vàng xuống trần gian. Vào mùa đông, với làn khói sóng bay bay, sương núi lan tỏa, Hạ Long đẹp như “một lẵng hoa nổi bềnh trên sóng biển mẹ hiền” (Lời của nhà văn Nguyễn Tuân).
Những lời đánh giá và ngợi ca Trước vẻ đẹp kỳ ảo của trời, nước Hạ Long, nhiều danh nhân trong và ngoài nước từ bao đời nay không ngớt lời ca ngợi bằng nhiều loại hình nghệ thuật, đặc biệt là bằng ngôn ngữ của thi ca.
Từ thế kỷ 15, Nguyễn Trãi (1380 - 1442), nhà thơ lớn của dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới, khi qua Hạ Long đã thốt lên:
“Đường đến Vân Đồn lắm núi sao
Kỳ quan đất dựng giữa trời cao
Một vùng biếc sẫm gương lồng bóng
Muôn hộc xanh om tóc mượt màu...”
(Trích bài Vân Đồn. Nguyễn Trãi toàn tập, Viện Sử học, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội. Hà Nội - 1976).
Nhà vua, thi sĩ Lê Thánh Tông (1442 - 1497) một lần tuần du An Bang (tên cũ của Quảng Ninh) trước cảnh đẹp Vịnh Hạ Long đã làm thơ đề trên vách núi ca ngợi vẻ đẹp nơi này.
“Trăm sông triều hội biển mênh mông
Xanh biếc trời xa núi trập trùng
Muôn thuở trời Nam sông núi vững
Chính thời văn trị dẹp binh nhung”.
(Trích bài Bài thơ đề vách núi của Thiên Nam động chủ. Thơ chữ Hán Lê Thánh Tông. Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân Văn quốc gia, Viện nghiên cứu Hán Nôm. Nhà xuất bản Khoa học Xã hội. Hà Nội - 1994)
Cách ngày nay hơn 100 năm, ký giả người Pháp John Rey ca ngợi Vịnh Hạ Long “… Dưới ánh sáng của vầng thái dương nhiệt đới, mặt biển chỗ tối, chỗ sáng do những dãy núi đá phản chiếu tạo thành một cảnh mơ huyền ảo không thể nào tả nổi. Lúc chiều tà, đây là một đám lửa cháy bùng lên, biến tất cả các hải đảo thành một cảnh thần tiên ngoạn mục…”.
Năm 1927, tác giả Emile Cordonnier đã viết cho rằng: “… Hàng ngàn đảo nhấp nhô lên trên mặt nước phô trương những phiến đá hoa cẩm thạch tuyệt đẹp, tưởng như chúng đang chồng chất lên nhau tạo ra những đường nét kì diệu, mắt ngắm mãi không biết chán. Cảnh dường như chỉ được thấy trong mơ. Những đảo đá sừng sững nổi trong lòng vịnh, dưới làn nước trong xanh mê mải của Vịnh Hạ Long. Cảnh vật nơi đây luôn tĩnh lặng êm đềm…” (Bài Vịnh Hạ Long xứ sở bình yên và tươi đẹp của Đông Dương, Báo Quảng Ninh, thứ Bảy, ngày 15/1/2000).
Các thi sĩ nổi tiếng của Việt Nam thời cận hiện đại khi đến Hạ Long đã có những vần thơ ca ngợi:
Nhà thơ Xuân Diệu, vị ''hoàng tử của thi ca Việt Nam " xúc cảm viết:
"... Đây bản thảo tạo vật còn nặn dở
Núi đảo mây đá cùng sóng ngổn ngang
Đá thuở trước khổng lồ chơi ném thử
Cây trên mình còn hương vị hồng hoang…”
(Bài Chào Hạ Long)
Nhà thơ Chế Lan Viên cũng khắc họa bức tranh toàn bích của Hạ Long bằng thơ:
"Vịnh Hạ Long không một bóng rồng lên
Sóng vươn trăm dặm mình xanh biếc
Trời tháng sáu cười từng bể bạc
Từng bể hoa vỗ trắng thân thuyền
Thuyền tôi qua những ngai vàng nắng trổ
Những nàng vọng phu đá cũng mong chồng
Núi vắng hơi người, chim đến ở
Cho lòng của đá cũng nguôi trông..."
(Bài Qua Hạ Long)
Ngày nay, các chính khách, thi sĩ, danh nhân văn hóa trong và ngoài nước khi đến Vịnh Hạ Long hầu hết đều có chung một nhận xét “Chưa đến Hạ Long, chưa thật biết Việt Nam”
Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890 - 1969), danh nhân văn hóa thế giới, anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, trong một lần thăm hang Đầu Gỗ vào tháng 10/1957 đã viết “Cảnh đẹp một người không thể truyền lại cho nhiều người. Tất cả các chú phải cùng Bác thưởng thức”
Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng viết về Vịnh Hạ Long trong con mắt của một nhà thơ, một nghệ sĩ thực thụ “Đây (chỉ Hạ Long) là một cảnh hay bao cảnh? Cảnh trần hay cảnh nào?”
Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vị tướng tài ba khi đến Hạ Long cũng không khỏi xúc động: "Vịnh Hạ Long đúng là 1 kỳ quan của thế giới. Ta có trách nhiệm gìn giữ tôn tạo, giới thiệu kỳ quan của đất nước cho du khách cả thế giới". (Ngày 30/7/1999)
Xem nguyên bản lưu bút
Tổng Bí thứ Đảng Cộng sản Việt Nam Nông Đức Mạnh trong chuyến thăm Vịnh Hạ Long ngày 29/10/2001đã viết: "Vịnh Hạ Long, một kỳ quan do thiên nhiên ban tặng, một di sản thế giới, biểu tượng sự trường tồn của Tổ quốc Việt Nam yêu qúy của chúng ta, là niềm tự hào của nhân dân ta. Các thế hệ người Việt Nam hôm nay và mãi mãi mai sau phải làm hết sức mình để gìn giữ, bảo tồn và phát huy những giá trị tuyệt vời của Vịnh Hạ Long. Để Vịnh Hạ Long không chỉ là điểm đến của nhân dân ta khắp mọi miền đất nước, mà còn là điểm hẹn của bạn bè khắp nơi trên thế giới".
Xem nguyên bản lưu bút
Những năm gần đây, Vịnh Hạ Long vinh dự được đón nhiều đoàn khách quốc tế, nhiều vị lãnh đạo từ các nước trên thế giới.
Ngày 9/9/2001, nguyên Thủ tướng nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Lý Bằng khi đến Việt Nam đã thốt lên "Vẻ đẹp của Vịnh Hạ Long làm chúng tôi quên đường về".
Xem nguyên bản lưu bút
Chủ tịch Quốc hội Mông Cổ Tumar Oder ca ngợi Vịnh Hạ Long : "Đây là một vùng gần 2000 hòn đảo, trong đó có vùng đã được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới. Người Việt Nam gọi khu vực này là Rồng hạ. Vịnh Hạ Long là nơi đẹp có một không hai trên thế giới. Khách nước ngoài thực sự khâm phục, thích thú". (Ngày 8/1/2002).
Xem nguyên bản lưu bút
Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa Bungari Ognian Guerdjikov ca ngợi Vịnh Hạ Long và con người Việt Nam : "Xin cảm ơn các bạn đã đón tiếp nồng hậu đoàn chúng tôi. Thiên nhiên đẹp tuyệt vời và tấm lòng con người còn đẹp hơn, đó là cảm xúc từ đáy lòng chúng tôi cảm nhận về nhân dân Việt Nam". (Ngày 6/3/2004).
Nhà vua Thụy Điển Carl XVI Gustaf hết lời ca ngợi Vịnh Hạ Long trong chuyến thăm Vịnh ngày 2/2/2004 "Trước khi chuẩn bị cho chuyến thăm này, chúng tôi đã được nghe và đọc rất nhiều về đất nước tươi đẹp và quyến rũ này. Chúng tôi không bị thất vọng mà ngược lại. Tôi đánh giá cao về vẻ đẹp thiên nhiên của Vịnh" (Theo Báo Quảng Ninh, ngày 4/2/2004) .
Vịnh Hạ Long sẽ là chủ đề còn tốn rất nhiều giấy, mực của các nghệ sĩ. Đó là nguồn cảm hứng vô tận cho tâm hồn con người.
Những tài liệu giới thiệu về cảnh quan Vịnh Hạ Long:
- Vịnh Hạ Long, Di sản thế giới; Ban Quản lý Vịnh Hạ Long xuất bản 2002.
- Địa chí Quảng Ninh; tập 3, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Ninh xuất bản năm 2003.
- Di sản thế giới trong tay thế hệ trẻ; bộ tài liệu nguồn dành cho giáo viên, tập 2, Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam xuất bản năm 2002.
- Almanach, những nền văn minh thế giới; nhiều tác giả, NXB Văn hóa - Thông tin xuất bản, năm 1996.
- Những di sản nổi tiếng thế giới; Trần Mạnh Thường, NXB Văn hóa - Thông tin, năm 2000.
- Hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận giá trị thẩm mĩ Vịnh Hạ Long; tài liệu của Ban quản lý Vịnh Hạ Long
- Hạ Long, Đá và Nước; nhà văn Nguyên Ngọc, Ban quản lý Vịnh Hạ Long xuất bản.
- Báo Hạ Long, Báo Quảng Ninh cuối tuần, Quảng Ninh hàng tháng...
- Vịnh Hạ Long, tập sách ảnh của Đỗ Kha; Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Ninh xuất bản 2000.
- Phim tài liệu nghệ thuật Vịnh Hạ Long, đĩa VCD hình ảnh, có lời bình của nhà văn Nguyên Ngọc, Ban quản lý Vịnh Hạ Long xuất bản. Đạo diễn Lê Đức Tiến.
- Vịnh Hạ Long, những lời đánh giá và ngợi ca; Ban quản lý Vịnh Hạ Long xuất bản 2001.
- Di tích danh thắng Quảng Ninh; Ban quản lý di tích danh thắng Quảng Ninh xuất bản.
- Các tập ảnh, tờ gấp về Vịnh Hạ Long...
Giá trị địa chất − địa mạo Giá trị lịch sử địa chất Vịnh Hạ Long được đánh giá bởi 2 yếu tố, đó là: Lịch sử kiến tạo và địa chất địa mạo (Karst)
Giá trị lịch sử kiến tạo: Lịch sử địa chất địa mạo của Vịnh Hạ Long được các nhà khoa học nhận định trải qua ít nhất trên 500 triệu năm với những hoàn cảnh cổ địa lý rất khác nhau, nhiều lần tạo sơn, biển thoái; sụt chìm, biển tiến. Vịnh Hạ Long còn giữ lại được những dấu ấn của quá trình tạo sơn, địa máng vĩ đại của trái đất, có cấu tạo địa lũy, địa hào cổ. Khu vực Vịnh Hạ Long đã từng là biển sâu vào các kỉ Odovic - Silua (khoảng 500 - 410 triệu nẳm trước), là biển nông vào các kỷ Cacbon - Pecmi (khoảng 340 - 250 triệu năm trước), biển ven bờ vào cuối kỷ Paleogen đầu Neogen (khoảng 26 - 20 triệu năm trước) và trải qua một số lần biển lấn trong kỷ Nhân sinh (khoảng 2 triệu năm trước). Vào kỉ Trias (240 - 195 triệu năm trước) khi trái đất nói chung, Châu Âu nói riêng có khí hậu khô nóng thì khu vực Vịnh Hạ Long là những đầm lầy ẩm ướt với những cánh rừng tuế, dương xỉ khổng lồ tích tụ nhiều thế hệ...
Giá trị địa mạo Karst: Vịnh Hạ Long có một quá trình tiến hóa Karst đầy đủ trải qua 20 triệu năm nhờ sự kết hợp đồng thời giữa các yếu tố như tầng đá vôi rất dày, khí hậu nóng ẩm và quá trình nâng kiến tạo chậm chạp trên tổng thể. Vịnh Hạ Long chứa đựng nhiều dạng địa hình Karst kiểu Phong Tùng, Phong Linh. Địa hình Karst kiểu Phong Tùng: Gồm một cụm đá vôi thường có hình chóp nằm kề nhau có đỉnh cao trên dưới 100m, cao nhất khoảng 200m. Địa hình Karst kiểu Phong Linh: Đặc trưng bởi các đỉnh tách rời nhau tạo thành các tháp có vách dốc đứng. Phần lớn các tháp có độ cao từ 50 - 100m. Tỉ lệ giữa các chiều cao và rộng khoảng 6m. Cánh đồng Karst là lòng chảo rộng phát triển trong các vùng Karst có bề mặt tương dối bằng phẳng. Cánh đồng Karst được tạo thành theo phương thức khác nhau như: Do kiến tạo liên quan các hố sụt địa hào; do sụt trần của các thung lũng sông ngầm, hang động ngầm; do tồn tại các tầng đá không hòa tan như bị xói mòn mạnh mẽ nằm giữa vùng địa hình Karst cao hơn vây quanh mà thành… Cánh đồng Karst Hạ Long thường xuyên ngập nước.
Địa hình Karst ngầm: Là hệ thống các hang động đa dạng trên Vịnh, được chia làm 3 nhóm chính: Nhóm 1, là di tích các hang ngầm cổ, tiêu biểu là hang Sửng Sốt, động Tam Cung, động Lâu Đài, động Thiên Cung, hang Đầu Gỗ, Thiên Long,v.v... Nhóm 2, là các hang nền Karst tiêu biểu là Trinh Nữ, Bồ Nâu, Tiên Ông, Hang Trống v.v.. Nhóm 3, là hệ thống các hàm ếch biển, tiêu biểu như 3 hang thông nhau ở cụm hồ Ba Hầm, hang Luồn, Ba Hang…
Karst Vịnh Hạ Long có ý nghĩa toàn cầu và có tính chất nền tảng cho khoa học địa mạo. Môi trường địa chất còn là nền tảng phát sinh các giá trị khác của Vịnh Hạ Long như đa dạng sinh học, văn hóa khảo cổ và các giá trị nhân văn khác.
Danh mục sách, ấn phẩm, tài liệu về địa chất Vịnh Hạ Long:
Giá trị nổi bật về địa chất Vịnh Hạ Long của GS. Tony Waltham và TS. Trần Đức Thạnh, tài liệu lưu trữ của Ban quản lý Vịnh Hạ Long.
Hạ Long thời tiền sử; Nguyễn Văn Hảo và Hà Hữu Nga, Ban quản lý Vịnh Hạ Long xuất bản, Hạ Long năm 2002.
Lịch sử địa chất Vịnh Hạ Long; Trần Đức Thạnh, Ban quản lý Vịnh Hạ Long xuất bản, Hạ Long năm 1999.
Báo cáo thẩm định của IUCN về địa chất Vịnh Hạ Long của GS. Smith.
Địa chí Quảng Ninh; sách đã dẫn, tập 1.
Karst đá vôi Vịnh Hạ Long; báo cáo nghiên cứu về địa mạo Di sản thế giới Vịnh Hạ Long của GS. Tony Waltham và nhiều tài liệu quan trọng khác…
Giá trị lịch sử − văn hóa Vịnh Hạ Long là một trong những cái nôi cư trú của người Việt Cổ, đó là:
- Văn hóa Soi Nhụ: (cách ngày nay 18000 - 7000 năm), phân bố trong khu vực Vịnh Hạ Long và Bái Tử Long. Các di chỉ tiêu biểu: Mê Cung, Tiên Ông, Thiên Long… Các di vật còn lại chủ yếu là ốc núi và ốc suối, một số nhuyễn thể nước ngọt và một số công cụ lao động thô sơ. Phương thức sống chủ yếu của chủ nhân Soi Nhụ là “bắt sò ốc, có cả hái lượm hoa quả, đào củ, rễ cây,” biết bắt cá mà chưa có nghề đánh cá. Tích tụ cấu tạo tầng văn hóa chủ yếu là ốc núi (Cyclophorus) và ốc suối (Melania) cùng một số loài nhuyễn thể nước ngọt khác. So với các cư dân Hòa Bình, Bắc Sơn cùng thời thì cư dân Soi Nhụ có lẽ sống với biển gần gũi, tiếp xúc với biển sớm hơn, chịu sự chi phối của biển nhiều hơn, trực tiếp hơn.
- Văn hóa Cái Bèo:(Cách ngày nay 7000 - 5000 năm). Là giai đoạn gạch nối giữa văn hóa Soi Nhụ và Hạ Long. Di chỉ Cái Bèo thuộc đảo Cát Bà (Hải Phòng). ở khu vực Hạ Long có những di chỉ thuộc văn hóa này như Giáp Khẩu, Hà Gián… Di chỉ Cái Bèo Là một trong những bằng chứng đầu tiên chắc chắn rằng tổ tiên của người Việt Cổ từ rất sớm đã đương đầu với biển khơi và đã phát triển ở đây một nền văn hóa rực rỡ, là điểm hội tụ của nhiều yếu tố, sắc thái khác biệt vào một dòng văn hóa truyền thống rất lâu đời trong khu vực Việt Nam và Đông Nam Á: Dòng văn hóa cuội. Phương thức cư trú và sinh sống của người Cái Bèo ngoài săn bắt hái lượm đã có thêm khai thác biển
Phần 2
Văn hóa Hạ Long: (Cách ngày nay 4500 - 3500 năm), được chia ra làm 2 giai đoạn: sớm và muộn
Giai đoạn sớm: Là kết quả trực tiếp của đợt biển tiến Holocen Trung vào khoảng 6000 - 5000 năm trước. Đợt biển tiến này đã làm mất đi môi trường sống của cư dân văn hóa Cái Bèo. Kết quả là một bộ phận chủ yếu của cộng đồng người thuộc văn hóa Cái Bèo theo hệ thống đảo đá của Vịnh Hạ Long và Bái Tử Long chuyển dần lên phía Đông Bắc, để rồi định cư tại vùng ven biển Hải Ninh (thị xã Móng Cái ngày nay) tạo nên loại hình sớm Thoi Giếng của văn hóa Hạ Long. Địa bàn cư trú của chủ nhân nền văn hóa này chủ yếu thuộc các di chỉ Thoi Giếng, Gò Bà Mừng, xóm Chùa, thôn Nam… thuộc xã Vạn Ninh (Móng Cái) có độ cao khoảng 6m so với mực nước biển hiện tại. Phương thức sống: săn bắt, hái lượm. Người Thoi Giếng đã phát triển kỹ nghệ mài theo truyền thống công cụ mài Bắc Sơn. Nghệ thuật chế tác công cụ lao động, đồ gốm bắt đầu phát triển mạnh với sự trợ giúp của kỹ thuật bàn xoay.
Giai đoạn muộn: Là kết quả của mực nước biển dâng cực đại rồi sau đó rút dần (trong khoảng 4000 - 3000 năm trước). Đặc trưng đầu tiên của văn hóa Hạ Long giai đoạn muộn là có những bộ phận người Hạ Long di cư vào các khu vực đồng bằng, trung du miền núi Bắc Bộ. Địa bàn cư trú của người Hạ Long tương đối phong phú, bao gồm một số hang động, chân núi ven biển. Nhưng chủ yếu giai đoạn này, người Hạ Long cư trú trên các doi cát, các bậc thềm và mặt đồng bằng cổ cạnh biển. Khai thác biển vẫn là nghề truyền thống. Phương thức kiếm sống, kỹ nghệ chế tác công cụ lao động tinh xảo: cưa chuốt bóng, Tạo nên những công cụ đá độc đáo mang đặc trưng văn hóa Hạ Long: rìu, bôn có vai có nấc… Gốm xốp trở thành gốm đặc trưng của gốm Hạ Long. (Dẫn theo Hạ Long thời tiền sử. Hà Hữu Nga, Nguyễn Văn Hảo. Hạ Long, 2002)
Văn hóa Hạ Long có một vị trí đặc biệt đối với nền văn minh Việt Cổ.
Vịnh Hạ Long - nơi ghi dấu lịch sử dựng nước, giữ nước của dân tộc
Vịnh Hạ Long là nơi xuất hiện thương cảng cổ đầu tiên của Việt Nam từ thế kỷ 12 đến thế kỷ 18. Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” chép: “Kỷ Tỵ {Đại Định} năm thứ 10 {1149} (Tống Thiệu Hưng năm thứ 19) . Mùa xuân, tháng 2, thuyền buôn ba nước Trảo Oa, Lộ Lạc, Xiêm La vào Hải Đông xin ở lại buôn bán, bèn cho lập trang ở nơi hải đảo, gọi là Vân Đồn, để mua bán hàng hóa qúy, dâng tiến sản vật địa phương” (Đại Việt sử ký toàn thư, bản in Nội các quan bản, mộc bản khắc năm Chính Hòa thứ 18, (5 tập), tập 1, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội. Hà Nội - 1998. Ngô Đức Thọ hiệu đính, chú thích).
Vịnh Hạ Long ghi dấu ấn 3 trận thắng oanh liệt của quân và dân ta trên sông Bạch Đằng, Cửa Lục, Vân Đồn dưới sự chỉ huy của các vị anh hùng dân tộc: Ngô Quyền (năm 938); Lê Hoàn (năm 981) và Trần Hưng Đạo, Trần Khánh Dư (năm 1288) và đặc biệt qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của dân tộc Việt Nam. Vịnh Hạ Long có vị trí chiến lược đối với các vấn đề phát triển kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng của Quốc gia.
Hiện nay, trong khu vực Vịnh Hạ Long cùng sự tồn tại của các cư dân làng chài còn bảo lưu những nét văn hóa độc đáo, phong phú, làm giàu có thêm những giá trị văn hóa bản địa của Hạ Long. Kho tàng văn hóa dân gian còn chứa đựng trong cộng đồng dân chài trên vịnh đa dạng, nhiều vẻ. Những câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ... phản ánh tình cảm, những kinh nghiệm làm nghề, được truyền từ đời này sang đời khác, vừa mượt mà, thắm thiết vừa khúc triết, sâu xa. Hát đám cưới, hát giáo duyên, hò biển là một nét văn hóa phi vật thể mang đặc trưng riêng của vùng. Người dân chài cũng phong phú về tín ngưỡng, tập tục và có nhiều nét điển hình trong đời sống kinh tế hàng ngày… Những giá trị văn hóa làng chài Vịnh Hạ Long hiện vẫn là một “cửa ngỏ”, một ‘mảnh đất tốt” cho các nhà nghiên cứu, những người yêu qúy, tôn vinh truyền thống văn hóa dân tộc.
Danh mục sách, ấn phẩm, tài liệu về lịch sử văn hóa Vịnh Hạ Long:
Soi Nhụ, nền văn hóa cổ nhất hiện biết trên Vịnh Hạ Long; Báo cáo của TS. Hà Hữu Nga - Viện Khảo cổ học.
Hạ Long lịch sử; Hà Hữu Nga, Ban quản lí Vịnh Hạ Long xuất bản, Hạ Long năm 2000.
Hạ Long thời tiền sử; Nguyễn Văn Hảo và Hà Hữu Nga, Ban quản lí Vịnh Hạ Long xuất bản, Hạ Long năm 2002.
Địa chí Quảng Ninh; sách đã dẫn, tập 1, 2, 3. Vịnh Hạ Long, di sản thiên nhiên thế giới, Ban quản lý Vịnh Hạ Long xuất bản 2002.
Tạp chí Khảo cổ học của Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn quốc gia, ra 2 tháng 1 số.
Tạp chí Nghiên cứu lịch sử của Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn quốc gia, ra 2 tháng 1 số.
Huyện đảo Vân Đồn; Đỗ Văn Ninh, UBND huyện Vân Đồn xuất bản, năm 1997.
Di tích danh thắng Quảng Ninh; Ban quản lý di tích danh thắng Quảng Ninh xuất bản và nhiều tài liệu quan trọng khác.
Giá trị đa dạng sinh học Đa dạng sinh học là một nguồn tài nguyên quan trọng cần được giữ gìn, bảo tồn để duy trì cân bằng sinh thái cho cả khu vực, gồm toàn bộ các dạng sống được tạo nên từ trái đất. Đa dạng sinh học bao gồm cả đa dạng văn hóa, là sự thể hiện của con người, nhân tố quan trọng thuộc các hệ sinh thái.
Đa dạng sinh học Vịnh Hạ Long có thể chia làm hai hệ sinh thái lớn, đó là: Hệ sinh thái rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới và Hệ sinh thái biển và ven bờ.
1. Hệ sinh thái rừng thường xanh mưa ẩm nhiệt đới:
Tổng số loài thực vật sống trên các đảo ở Vịnh Hạ Long khoảng trên một nghìn loài. Một số quần xã các loài thực vật khác nhau được tìm thấy như: Các loài ngập mặn, các loài thực vật ở bờ cát ven đảo, các loài mọc trên sườn núi và vách đá, trên đỉnh núi hoặc mọc ở của hang hay khe đá. Các nhà nghiên cứu của Hiệp hội Bảo tồn thiên nhiên thế giới (viết tắt chữ tiếng Anh là IUCN) đã phát hiện 7 loài thực vật đặc hữu của Vịnh Hạ Long. Những loài này chỉ thích nghi sống ở các đảo đá vôi Vịnh Hạ Long mà không nơi nào trên thế giới có được, đó là: Thiên tuế Hạ Long, Khổ cử đại tím, Cọ Hạ Long, Khổ cử đại nhung, Móng tai Hạ Long, Ngũ gia bì Hạ Long, Hài vệ nữ hoa vàng.Theo thống kê, hệ sinh thái rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới ở Hạ Long, Bái Tử Long có: 477 loài mộc lan, 12 loài dương xỉ và 20 loài thực vật ngập mặn; đối với động vật người ta cũng thống kê được 4 loài lưỡng cư, 10 loài bò sát, 40 loài chim và 14 loài thú.
Giới thiệu 7 loài thực vật đặc hữu của Vịnh Hạ Long 2. Hệ sinh thái biển và ven bờ: Bao gồm hệ sinh thái đất ướt và hệ sinh thái biển:
Hệ sinh thái đất ướt: Có thể chia vùng đất ướt của Hạ Long và phụ cận làm 6 dạng sinh thái như sau:
Sinh thái vùng triều và vùng ngập mặn: Khu vực Hạ Long và vùng phụ cận có 20 loài thực vật ngập mặn. Rừng ngập mặn Hạ Long còn đóng vai trò là nơi sống cho nhiều loài sinh vật khác do đó nó mang năng suất sinh thái rất cao. Đây là nơi sống cho 169 loài giun nhiều tơ; 91 loài rong biển; 200 loài chim và 10 loài bò sát và 6 loài khác).
Dạng sinh thái đáy cứng, rạn san hô: Hệ sinh thái san hô là một trong những đặc thù của Vịnh Hạ Long, là hệ sinh thái có năng suất sinh thái cao, giúp làm sạch môi trường nước, tập trung ở Hang Trai, Cống Đỏ, Vạn Gìo... Các rạn san hô ở đây thường có kiểu riềm bờ, với cấu trúc hình thái giống rạn kinh điển như lagun riềm bờ (fringing lagoon), mặt bằng rạn (reef flat) trong và ngoài, mào rạn (crest), sườn dốc (slope) và nền chân rạn (platform reef). Hiện nay, đã thống kê được Vịnh Hạ Long có 232 loài san hô. Đây là nhóm động vật thuộc ngành ruột khoang, trong đó chủ yếu thuộc lớp san hô và lớp thủy tức. Tạo rạn san hô trong Vịnh Hạ Long chủ yếu là các loài của bộ san hô cứng (mặc dù không phải loài san hô cứng nào cũng tham gia tạo rạn). Rạn san hô Hạ Long cũng là nơi sinh cư của 81 loài chân bụng; 130 loài hai mảnh vỏ; 55 loài giun nhiều tơ, 57 loài cua.
Dạng sinh thái hang động và tùng, áng: Hệ sinh thái hang động Karst và tùng, áng của Vịnh Hạ Long là hệ đặc biệt có lẽ ít nơi có được. áng là các hồ chứa nước, nằm giữa các đảo; còn tùng là vùng nước có một cửa tương đối kín, ít sóng. Đây là những điều kiện tự nhiên tạo nên các hệ sinh thái đặc biệt, làm tăng giá trị của vịnh. Tiêu biểu như ở Tùng Ngón là nơi cư trú của 65 loài san hô, 40 loài động vật đáy, 18 loài rong biển. Đặc biệt ở đây có đến 4 loài sinh vật quý hiếm được ghi trong sách đỏ. Một số hang động đã được đầu tư các điều kiện về ánh sáng và đường đi để phục vụ cho việc bảo tồn và tham quan Vịnh Hạ Long nhưng vẫn còn một số động giữ được ở dạng tự nhiên, nguyên sơ chưa tổ chức đón khách…
Dạng sinh thái đáy mềm: Đây là dạng sinh thái của quần xã cỏ biển. Cỏ biển ở Hạ Long có số loài không lớn: 5 loài, nhưng lại là nơi cư trú cho nhiều loài, có tác dụng chắn sóng và tham gia hấp thụ các chất hữu cơ, làm sạch nước biển. Hiện nay, đã thống kê được số lượng các loài sống cùng cỏ biển như sau: 140 loài rong biển; 3 loài giun hiều tơ; 29 loài nhuyễn thể; 9 loài giáp xác.
Dạng sinh thái bãi triều không có rừng ngập mặn: Thường phân bố ở đới triều thấp. Sinh vật sống trên vùng triều đặc trưng là động vật nhuyễn thể hai mảnh vỏ và giun biển có giá trị dinh dưỡng cao như sái sùng, hải sâm, sò, ngao v.v... Hầu hết những nguồn hải sản này đang bị khai thác quá mức.
Hệ sinh thái biển: Hệ sinh thái biển bao gồm: thực vật phù du, động vật phù du, động vật đáy biển và động vật tự du
Thực vật phù du (TVPD): Là động vật nhỏ sống trôi nổi trong nước, có thể tự dưỡng qua quá trình quang hợp góp phần phân giải chất hữu cơ, hạn chế ô nhiễm nước. Theo kết quả điều tra TVPD ở Vịnh Hạ Long có 185 loài.
Động vật đáy: Nhóm sinh vật sinh sống ở đáy biển, cho giá trị dinh dưỡng cao. Theo thống kê sơ bộ, vùng Hạ Long có đến 500 loài động vật đáy, trong đó có 300 loài động vật nhuyễn thể; 200 loài giun nhiều tơ; 13 loài da gai.