Nguyễn Nhân Thống
Đi mô mình cũng nhớ mình
Nhớ sông Hương nước biếc, nhớ non Bình trắng trong
Nhớ sông Hương nước biếc, nhớ non Bình trắng trong
Sông Hương, xưa còn có tên là Kim Trà hay Lư Dung. Từ lâu nó nổi tiếng là con sông thơ mộng của Huế đô. Nó có hai nguồn: tả trạch và hữu trạch. Tả trạch là hồ nước bên trái. Hữu trạch là hồ nước bên phải. Tả trạch và hữu trạch giao nhau tại ngã ba Tuần. Từ ngã ba tuần trở đi, sông Hương lững lờ, thiết tha, yểu điệu như một cô gái làm dáng. Có nơi mặt nước trong xanh suốt đáy, êm ả như mặt nước hồ thu. Nó uốn lượn qua các đồi Vọng Cảnh, e lệ nép mình vào ngọn Ngọc Trần, thong thả qua bãi Lương Quán, soi bóng tháp Thiên Mụ, khu lăng tẩm cổ kính, bóng đồi Long Thọ. Sóng võ cồn Gia Viễn, buông nhẹ qua thành phố Huế xinh xinh, qua các ruộng vườn phì nhiêu, làng xóm đông vui, sau đó lại vòng qua ngã ba Sềnh đưa nước ra cửa Thuận An.
Tại sao gọi là sông Hương? Có người cắt nghĩa sông Hương là sông Thơm, vì tại thượng nguồn, các khe suối đổ ra sông có nhiều loại cây thuốc như: Thạch xương bồ và Thuỷ xương bồ có mùi thơm dìu dịu...
Nói đến sông Hương là người ta nghĩ ngay đến con người Huế, thành phố Huế, món ăn Huế, phong tục tập quán Huế, văn học Huế và còn biết bao nhiêu của ngon vật lạ khác nữa. Giả như Huế mà không có con sông Hương chắc sẽ không còn là Huế nữa! Nhiều sản vật quý nằm dọc đôi bờ Hương Giang như nào dừa Mỹ á, thanh trà Nguyệt Biều, hạt sen hồ Tịnh, vải Phụng Tiên, đào Thế Miếu, quýt Hương Cần, cam Mỹ Lợi, chuối Vĩ Dạ, cá Tam Giang... Rồi đến bánh khoái Ðông Ba, bánh bèo Ngự Bình, bún giò Gia Hội, ốc gạo Cồn, gạo de An Cựu... Gạo de An Cựu gắn liền với lễ giáo, nho phong:
Tôm rằng lột vỏ bỏ đuôi
Gạo de An Cựu em nuôi mẹ già
Gạo de An Cựu em nuôi mẹ già
Non nước Thần Kinh đã sản sinh ra nhiều thế hệ thơ văn trữ tình như Miên Thẩm, Miên Trinh, các công chúa Mai Am, Huế Phố; là nơi dừng chân của Nguyễn Cư Trinh, Cao Bá Quát, Bà Huyện Thanh Quan và nhiều nhà thơ, nhà văn lớn khác. Non nước Thần Kinh cũng đã để lại những vần thơ đẹp của Hàn Mạc Tử, Thế Lữ, Nam Trân...
Trên sông nước Hương Giang, đêm về là cả một thế giới đầy thơ mộng và hết sức quyến rũ, đầy dẫy thuyền tình xuôi ngược trên sông:
Thuyền về Ðại Lược
Duyên ngược Kim Long
Ðến đây là chỗ rẽ của lòng
Gặp nhau còn biết trên sông bến nào.
Duyên ngược Kim Long
Ðến đây là chỗ rẽ của lòng
Gặp nhau còn biết trên sông bến nào.
Ðó đây mái chèo khua động nhẹ lướt và vẳng đưa giọng hò mái nhì ngọt ngào tha thiết, tình tứ và trong vắt, vừa bày tỏ nỗi niềm tâm sự với nước non:
Thuyền về Ðông Ba thuyền qua Ðập đá
Thuyền từ Vĩ Dạ thẳng ngã ba Sềnh
Lờ đờ bóng ngã trăng nghiêng
Giọng hò mái đẩy nhắn tình nước non.
Có lúc giọng hò trở nên tình tứ lạ thường:
Hồ Tĩnh Tâm giàu sen Bạch Diệp
Ðất Hương Cần ngọt quýt thơm cam
Ai về cầu ngói Thanh Toàn
Ðợi em về với một đoàn cho vui.
Ðất Hương Cần ngọt quýt thơm cam
Ai về cầu ngói Thanh Toàn
Ðợi em về với một đoàn cho vui.
Sông Hương với thành quách, lăng tẩm các vua triều Nguyễn đã đưa hình ảnh trở về với quá khứ.Khu cổ thành nằm phía Tây thành phố Huế, trông đồ sộ, kiên cố với hơn 10 cửa lớn có vọng lâu. Khu cổ thành bao quanh Ðại nội. Còn các lăng tẩm của các vua triều Nguyễn đều toạ lạc trên đất Hương Trà, phía bắc sông, và một số nằm trên đất Hương Thuỷ, phía nam sông.
Sông Hương chảy qua Phu-văn-lâu nằm ở trước kinh thành, hướng ra dòng Hương Giang êm đềm là nơi công yết những sắc dụ và treo bảng vàng các vị tân khoa ngày xưa. Bên Phu-văn-lâu có tấm bia đá khắc ghi bài ca tụng cái đẹp, cái quyến rũ của sông Hương. Bên sông còn có xây bến thành nhiều bậc để lên, xuống gọi là bến Phu-văn-lâu. Ngày xưa, bến sông này từng là nơi hò hẹn giữa vua Duy Tân và chiến sĩ yêu nước Trần Cao Vân để bàn định công cuộc đánh Pháp. Công việc bại lộ, nhà vua bị bắt đi đầy biệt xứ, còn Trần Cao Vân thì bị xử tử hình. Bởi thế mới có câu ca truyền tụng cho tới ngày nay, kẻ hậu sanh mỗi khi đặt chân đến đây không khỏi ngậm ngùi thương cảm:
Chiều chiều trên bến Văn Lâu
Ai ngồi ai câu, ai sầu ai thảm
Ai thương ai cảm, ai nhớ ai trông
Thuyền ai thấp thoáng bên sông
Nghe câu mái đẩy chạnh lòng nước non.
Ai ngồi ai câu, ai sầu ai thảm
Ai thương ai cảm, ai nhớ ai trông
Thuyền ai thấp thoáng bên sông
Nghe câu mái đẩy chạnh lòng nước non.
Sông Hương đẹp và được điểm tô không những núi Ngự, cầu Tràng Tiền mà còn được điểm xuyết bởi tháp chùa Thiên Mụ nằm bên tả ngạn Tháp chùa là một thắng cảnh nổi tiếng của Huế, do chúa Nguyễn Hoàng cho xây từ năm 1601. Gần chùa có Thánh miếu do Gia Long xây từ năm 1808 để thờ Ðức Khổng phu tử, 4 vị hiền triết, 72 triết gia và 120 hiền nhân quân tử đời xưa. Gần đó còn có hồ Tĩnh Tâm có sen ngon và bổ nổi tiếng trong nước.
Hồ là một đoạn của sông Kim Long bị lấp. Tất cả các thắng cảnh ở đây đều nằm trên đất Kim Long danh tiếng được lưu truyền qua các câu ca bất hủ:
Kim Long có gái mỹ miều
Ta thương, ta nhớ, ta liều, ta đi.
Ta thương, ta nhớ, ta liều, ta đi.
Rời Kinh Long - kinh thành cổ kính - sông Hương lặng lẽ đi qua thành phố Huế. Cầu Tràng Tiền vươn mình trên dải Hương Giang trong vắt, là nơi hò hẹn lý tưởng và thơ mộng của bao nhiêu trai thanh gái lịch đất Thần Kinh:
Cầu Tràng Tiền sáu vài, mười hai nhịp
Anh qua không kịp tối lắm em ơi!
Bấy lâu ni chịu tiếng mang lời
Dẫu có xa nhau đi nữa cũng bởi ông Trời mà xa.
Anh qua không kịp tối lắm em ơi!
Bấy lâu ni chịu tiếng mang lời
Dẫu có xa nhau đi nữa cũng bởi ông Trời mà xa.
Bờ nam thành phố là khu buôn bán sầm uất, phố lầu nguy nga. Từ đây xuôi theo bờ sông sẽ đến Ðập Ðá, Vĩ Dạ, Nam Phổ có nhiều vườn cây xinh xắn soi bóng xuống mặt nước trong xanh. Còn ở bắc sông là khu phố cổ kính. Xuôi theo bờ sông là Ðông Ba, Gia Hội, chùa Diệu Ðế... Mỗi địa danh ở đây là một trang sử sống đã đi vào thơ ca của dân tộc.
Ngày nay, Huế đẹp, Huế thơ, Huế cổ kính, Huế thân thương mời gọi. Huế trở thành điểm tham quan du lịch hấp dẫn nhất ở Việt Nam. Nhưng có người từng bảo: "Nói đến Huế mà không nói đến sông Hương thì đừng nên nhắc đến Huế làm gì!".
Cảm ơn bạn đã ghé thăm site của MIMOSATOUR! Bạn hãy để lại lời nhận xét (comment) của mình! Hoặc bạn cũng có thể đăng kí nhận bản tin RSS. Chúng tôi hy vọng bạn thích site này của MIMOSATOUR và tìm được những thông tin bổ ích, và nếu có thể hãy thêm địa chỉ site này vào favorites của bạn để có thể ghé thăm lại. Cám ơn!