Huế đêm
Hồ Đăng Thanh Ngọc
|
Hình thành cho được một phố đêm tập trung của Huế dọc bờ sông Hương thơ mộng là vấn đề thật đáng làm cho người yêu Huế quan tâm.
Đêm Huế năm 1910
E.Gras- Chủ sự kho bạc An Nam thời 1910 kể lại cảnh Huế trong "Dạo chơi ban đêm" . Xin trích một vài đoạn trong "Những người bạn cố đô Huế" (tập 3- 1916): "Một chiếc xe kéo nhanh và êm ái, lướt nhẹ trên bánh cao su, chở tôi ngái ngủ trong buổi chiều nóng ran ngột ngạt, hơi hám nồng nả trên đường bờ sông Đông Ba xa cách, vắng vẻ giữa một bên là con sông đào im lặng và một bên là các mảng thành xưa cũ...
Trong bóng tối của những ngôi nhà tồi tàn lụp sụp, là chập chờn những ngọn đèn tim ở bọng của một vài quán cơm nghèo có những người lao động, với bát ngang miệng, với đôi đủa vẩy nhanh, đang đẩy cơm vào bụng đói. Nơi này, tại chỗ hé mở có ánh sáng của một cái cửa kép trượt, là một người đàn bà ngồi trên gót chân đang khâu vá, cánh yếm để hở hai cánh tay và cái lưng trông như màu đồng đánh láng: nơi nọ, đằng sau tấm mành thưa là một bé gái, uể oải nằm dài trên chiếc ván, dùng chân khéo như tay, ru một đứa bé đang tuổi bú, trần truồng, khóc oe oe, trong một cái giỏ treo từ trần nhà. Đâu đây, mùi thơm bánh ngọt nóng bỏng lọt qua một liếp cửa được đóng lại một cách cẩn thận, cho biết là có anh chàng nghiện trong im lặng và bóng tối, đang vun xới giấc mộng bệnh hoạn với cái hơi kéo nơi ống tre... Chiếc xe kéo chạy đều và xóc mạnh qua các dãy nhà tranh nghèo khổ đang ngái ngủ và qua những hàng tre tối đen. Ánh đèn leo lét của những cây đèn bỏng làm cho ta thấy được bóng đen của người phu xe chập chờn trên các hàng rào cây lá, thấy được các tia phản chiếu lốm đốm trên lớp da vàng điểm mồ hôi của cái lưng trần cử động, thấy được những tia sáng thoắt hiện, thoắt biến trên con đường mòn bùn lầy, nhòe nhọet dưới những bước chân dẩm đều lệch bệch... Ta có cảm giác là xung quanh đang bao trùm một thế giới sống nhung nhúc, cường kích, bí ẩn và là đà sát mặt đất...
Cầu Gia Hội (Thế kỷ 19) |
Đây là cầu Gia Hội vắt ngang sông Đông Ba, với những gái giang hồ bé nhỏ da vàng, môi đỏ loét, ngậm điếu thuốc nhỏ lập lòe. Chốc chốc một khúc hát xa vắng véo von, trong vắt vút lên từ màn sương tha thướt trên sông Hương rộng và yên tĩnh như mặt hồ dưới ánh trăng trong. Đằng xa vài cái bóng đèn thập thò ... "Xin chua một chút cho mấy cái “ánh đèn thập thò” này. Cảnh sát thời ấy bắt buộc một người An Nam nào ra đường buổi tối cũng phải mang theo một cây đèn lồng hay một cây đèn bỏng. Điều này làm cho việc đi lại của nhân dân ban đêm rất phiền hà ,lại có một nét địa phương buồn cười. Sự bắt buộc này chỉ hủy bỏ vào năm 1917.
Đêm Huế - hơn chín mươi năm sau
Tất cả đã như biến mất, cả cảnh cũ lẫn người xưa với những cảnh đời tăm tối, cả tiếng hò xa vắng véo von cất lên trong đêm tĩnh mịch. Còn chăng, chứng nhân còn lại trong bài viết của E.Gras là cây cầu Gia Hội. Tuy nhiên cây cầu này cũng đã khác xưa, được trùng tu và khánh thành hôm 31/8/2001. Từng đêm, ánh điện trên cây cầu này rực sáng một không gian tuyệt đẹp của Huế, vui tươi và thanh bình. Hàng bao người đi dạo ngang đây đón gió, tóc dài bay trên những lan can. Cây cầu không chỉ thỏa mãn nhu cầu đi lại của người dân mà còn đóng góp thêm cho Huế một công trình kiến trúc hiện đại và đẹp mắt. Chiếc cầu mới này được thiết kế theo kiểu kết cấu vòm bê tông một nhịp, lan can được đúc bằng gang với các hoa văn trang trí thanh nhã...
Cũng có thể nói rằng những con đò là những chứng nhân một thời. Tuy nhiên, hằng đêm bây giờ, trên những chuyến đò được trang hoàng khá đẹp lại ngân vang những tiết mục ca Huế nổi tiếng cho du khách thoả mãn một chút tò mò giai điệu Huế xưa, với một không gian bồng bềnh trên sông đêm rất đặc biệt, e là chỉ có một không hai ở trên trái đất này.
Khu vực chợ Đông Ba buổi sáng ở đường Chương Dương |
Và phố đêm sinh động hơn rất nhiều. Phố đêm, chợ đêm hiện nay là một phần sinh hoạt sôi động của đô thị Huế, thể hiện rõ nhất ở quanh khu chợ Đông Ba. Khi hoàng hôn buông trên sông Hương, chợ cá lại bắt đầu tấp nập phiên buổi tối. Phố cá đêm nối dài từ đầu cầu Gia Hội, theo dọc đường Chương Dương vòng ra tận chân cầu Trường Tiền. Cái đặc trưng của phố cá là những ngọn đèn măng sông vàng rực trong đêm, làm lấp lánh những lớp vảy cá trắng bạc trên hàng bao nhiêu rổ cá tròn trịa nằm gối lên nhau. Chuỗi ánh sáng ấy kéo dài từ hoàng hôn cho đến chín, mười giờ khuya mới bắt đầu thưa thớt dần. Đan xen trong phố cá đêm này, có đủ loại rau màu để làm các món cá, chẳng hạn rau sống để làm gỏi, hay ăn cá cuốn bánh tráng, rau ngò để nấu cháo, rau dưa để nấu canh chua... Cũng đan xen trong đó là các gánh cháo đêm dành cho người mua và người bán. Thường cháo khuya nơi đây chủ yếu là cháo gà, cháo vịt. Mùa hè, du khách vào chơi chợ khuya sẽ gặp rất nhiều điều thú vị. Ngoài màu sắc cực kỳ đa dạng của phố cá đêm là âm thanh đa sắc, đa chiều của chợ, cộng hưởng vào đó là mùi vị đa hương, tươi tắn của sự sống sôi động...
Đến khoảng sau mười giờ, phố cá tan, chợ im vắng cho đến ba giờ sáng hôm sau lại sôi động bởi chợ rau thức dậy dưới chân cầu Trường Tiền. Hàng tấn rau tươi từ các vùng quê, vùng ven Huế đổ về trên nhiều phương tiện khác nhau. Màu sắc, âm thanh, mùi vị của chợ rau rất khác chợ cá. Trên nền màu thẩm xanh rêu của rau xanh trong khuya, một lớp trắng của hàng trăm chiếc nón lá di động dưới ánh sáng của những ngọn đèn dầu, tạo nên một tập hợp màu lạ. Và trong tạp âm của chợ khuya, mùi rau xanh ngọt ngào dâng lên, lan rộng, như thể những mầm xanh tiếp tục cựa mình trong phiên chợ...Vào những ngày cuối đông, chợ rau được phủ một màn sương trắng xoá, trắng nhiều khi người bán, người mua không nhìn rõ mặt nhau, chỉ nghe tiếng nói nhận ra mối bỏ hàng quen..
Huế đêm không chỉ sôi động ở chợ khuya. Ngay phía đối diện của chợ, đường Trần Hưng Đạo cũng có những tụ điểm sinh động. Hàng ăn khuya nhất Huế nằm trong một kiệt nhỏ bên nách Ngân hàng, dân ăn khuya thường gọi là “Ngõ vắng xôn xao”. Món chủ yếu của ngõ khuya này là cháo với các loại chủ lực: cháo gà, cháo vịt, cháo lòng, cháo huyết... Ngoài ra còn có các thứ trứng trụng, trứng lộn... Du khách đến Huế lúc khuya đói lòng, khó ngủ nơi đất lạ, nên ghé lại đây làm tô cháo khuya, giá cả tuy đắt hơn cháo ngày một chút (một chút thôi), nhưng bảo đảm ngon và bổ. Từ Ngõ vắng xôn xao nhìn sang bên kia đường, ngay dưới chân cầu Trường Tiền là quán khuya bình dân có cái tên rất đơn giản: Ca-bin. Quán mở từ độ ba giờ chiều đến mười hai giờ đêm, có tiếng ngon và rẻ. Rẻ từ chai bia đến dĩa mồi. Còn cái sự ngon là đương nhiên vì “cái tủ lạnh” của quán chính là cả chợ Đông Ba phía sau lưng. Ở quán có khá nhiều thứ, từ món sườn nướng, miếng lươn, dĩa hến xào, cho đến dĩa cua, cái lẩu thập cẩm...
Bán hàng trên phố đêm |
Muốn ăn khuya ở Huế trước mười hai giờ? Có khá nhiều phố ẩm thực thức đón du khách. Từ sáu giờ tối, các quán ốc trên đường Phan Bội Châu bắt đầu đông khách cho đến tận mười giờ mới vãn. Lẩu các loại có ở khắp nơi nhưng rẻ nhất nằm ở nghẹo Giàng Xay, chỉ 15 ngàn là có cái lẩu tươi sống. Muốn có chút gió biển thì về bên kia cầu Vĩ Dạ, tấp nập giữa cánh đồng ban đêm là các dãy quán nối đuôi nhau. “Phố lẩu” gần đây cũng xuất hiện khá nhiều ở phố mới đường Hùng Vương, ở ven hồ trong Đại nội dọc theo đường Triệu Quang Phục, ở dọc đường Đống Đa, vào cả dưới chân khu cư xá...Muốn nếm đôi chút cái “khéo tay” của Huế?ớTc đây, khi chưa dịch cúm gia cầm thì nên đi ăn vịt ở đường Bùi Thị Xuân, dưới ngọn đèn đêm là chén nước chấm gừng cực kỳ thấm dậm. Cũng có thể đi ăn nem lụi ở các quán đầu đường Đống Đa, món khá lạ với rau sống nước lèo chính hiệu xứ Huế. Còn muốn nếm mắm nêm kiểu Huế, có thể đi ăn bún mắm nêm ở các quán dọc đường Bà Triệu, hay tới hai đầu cầu chợ Cống ăn món bê thui. Muốn ăn cháo gà thì nên lên đường Trần Thúc Nhẫn... Mùa đông, học trò xứ Huế thích nhất là sau buổi học khuya kéo nhau ra phố Hàn Thuyên ăn bánh canh cá lóc hay bánh canh da heo. Bánh canh ở đây ngon mà rất rẻ, một tô giá sàn chỉ một ngàn đồng, giữa tô cháo vẫn có viên trứng cút như ai...
Huế đêm không chỉ có các hàng ăn, các quầy bán các mặt hàng công nghệ phẩm cũng mở cửa rất khuya. Các đường phố bán khuya có thể nhắc đến là Mai Thúc Loan, Phan Đăng Lưu, Đinh Tiên Hoàng... ở bờ Bắc Sông Hương. Phía Nam Sông Hương có vẻ thức khuya hơn, với những phố chong đèn đến gần mười hai giờ như Hùng Vương, Hà Nội, Phan Bội Châu, Nguyễn Huệ... Đường Lê Lợi có lẽ là đường thức khuya nhất, với sự hiện diện tập trung các mặt hàng lưu niệm ngay phía trước các khách sạn lớn như Hương Giang, Century...
Cảm ơn bạn đã ghé thăm site của MIMOSATOUR! Bạn hãy để lại lời nhận xét (comment) của mình! Hoặc bạn cũng có thể đăng kí nhận bản tin RSS. Chúng tôi hy vọng bạn thích site này của MIMOSATOUR và tìm được những thông tin bổ ích, và nếu có thể hãy thêm địa chỉ site này vào favorites của bạn để có thể ghé thăm lại. Cám ơn!