Thứ Hai, 6 tháng 10, 2008

HÀ NỘI - XƯA VÀ NAY

Một vài nét về lịch sử Thǎng Long - Hà Nội
khuevancac.gif (13414 bytes)

Gác Khuê Vǎn (1921)
Photo: Nguyễn Vǎn Khải

Nhà Lý định đô ở Thǎng Long nǎm 1010

Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đóng đô ở Hà Nội nǎm 1945

Quốc hội nước Việt Nam thống nhất, ngày 2 tháng 7 nǎm 1976 quyết định

"Việt Nam là một nước độc lập, thống nhất và xã hội chủ nghĩa, lấy tên là nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

"Thủ đô nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Hà Nội"

Hà Nội dựng trên đồng bằng đất bồi phù sa của sông Hồng, nên đến thời kỳ "đồ đá mới", cách đây khoảng 5.000 nǎm, mới có người ở.

Phong cảnh Hà Nội lúc ấy, chắc còn hoang vu. Đồng lầy mới khô, nhiều chỗ còn lõm bõm. Sông Hồng chảy từ miền núi xuống, để lại hai bên bờ những đầm, hồ lớn: bên này là Hồ Tây, bên kia là cánh đồng thấp Hải Bối. Cây cối mọc um tùm, rừng bạt ngàn. Đến bây giờ, lặn xuống Hồ Tây, còn thấy những gốc lim rất lớn; cách đây vài trǎm nǎm, bờ tây Tây Hồ còn rừng to. Trong miền còn nói đến "Làng Rừng", lại còn có làng tên là Trích Sài (hái củi). Bên đền Bưởi, vài nǎm trước còn có "bãi Bàng" và bên kia sông, hồi ấy cũng còn khu rừng Xuân Quan rậm rạp.

Những người dân đầu tiên của Hà Nội đã có những dụng cụ đá, được mài khá tốt, đã có đồ gốm, đã biết trồng lúa và nhiều thứ cây khác, cũng đã nuôi được mấy thứ gia súc. Lúc này, nền vǎn minh sông Hồng đã thịnh. Những người ấy đã mạnh dạn rời miền núi, xuống đồng bằng. đấy, sông ngòi, cả các đầm đìa đền nhiều cá, dễ kiếm ǎn; đất tốt, trồng trọt dễ dàng. Đi lấy đá làm công cụ, cũng chỉ theo hướng mặt trời lặn, đi từ sáng đến chiều là đến nơi.

Đến thời các vua Hùng, các cụ lại có thêm đồ đồng, rồi đồ sắt nữa. Trước đây sáu mươi nǎm, ở cửa đình Nhật Chiêu, còn có một cây gạo cổ, chỉ sót vài cành con, lại có một cái bướu gần ngọn cây to bằng hai cái bồ trồng lên nhau. Tương truyền: đó là cây sót lại của một dặng 12 cây do một bà vợ vua Hùng trồng, để ghi việc bà đã sinh 12 con. Đời Hùng Vương thứ 6, khi giặc Mũi đỏ, rồi giặc Ân đến cướp nước ta, người anh hùng cứu nước thời đó là ông Gióng ở Phù Đổng, huyện Gia Lâm. Trong khu vực Hà Nội có đến 23 tướng đem quân theo ông Gióng đánh giặc. Hồi ấy, đất Hà Nội thuộc bộ Giao Chỉ, trong nước Vǎn Lang nhà. Câu chuyện yêu đương và lập gia đình theo ý muốn của Tiên Dung và Chử Đồng Tử diễn ra ở Chử Xá, huyện Gia Lâm. Rồi đến đời vua An Dương Vương xây thành Loa ở huyện Đông Anh. Hai Bà Trưng khởi nghĩa. Bà Trưng Trắc là vợ Thi Sách, quê ở Mê Linh. Hà Nội cũng góp nhiều quân và nhiều tướng cho phong trào rộng lớn và mạnh mẽ của hai Bà. Sau này, vua Lý Nam Đế đóng quân ở cửa sông Tô Lịch rồi lập đô kỳ ô Diên ở Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng. Triệu Việt Vương lại đánh du kích ở đầm Dạ Trạch, bên kia sông.

Lúc này Hà Nội đã là một đất đông dân, cảnh sắc đẹp đẽ, nên vua Thái Tổ nhà Lý, Công Uẩn, nǎm 1010 đóng đô ở đấy. Bỏ các nơi quê hương, các chỗ dựa rừng núi, đến đóng giữa đồng bằng, đặt cho thành một cái tên có thế bay bổng, là Thǎng Long, vua Lý quả quyết với thiên hạ, cái chí sắt đá của dân ta bất chấp tất cả các bọn xâm lược. Rồi một người Hà Nội, quê ở phường Thái Hoà, thấy phương Bắc sửa soạn sang cướp thì đưa trước quân sang, phá châu Ung, chỗ nó dồn lương tích cỏ, rồi dựng một bức tường trên sông Cầu, chặn đứng quân thù. Ông ấy là Lý Thường Kiệt.

Phần lớn những người anh hùng ba lần thắng quân Nguyên, từ Hưng Đạo Vương đến chú bé Trần Quốc Toản, cũng đều là dân thành Thǎng Long. Trong trận giải phóng Thǎng Long, có mặt Lê Thái Tổ là người Lam Sơn, nhưng cũng có mặt ông tướng vǎn Nguyễn Trãi, sinh ra ở bờ Hồ Tây.

Hai mươi tám tay từ chương nổi tiếng họp hội Tao Đàn ở Thǎng Long. Ông thày đạo đức cao đẹp, nêu gương cho các thày đời sau, thày Chu Vǎn An, là người Thanh Liệt, huyện Thanh Trì.

Các thợ nghề giỏi nhất đều đến làm ở Thǎng Long. Thời Lê Trung Hưng là lúc dân thợ đến Đông Kinh nhiều nhất. Nghề nông cũng đạt một trình độ kỹ thuật cao.

Ông tướng thiên tài của Tây Sơn, là Nguyễn Huệ cùng với cả đoàn tướng sĩ bách chiến, cũng đến cánh đồng Thanh Trì, đánh trận oanh liệt nhất.

Vẽ phác các nhân tài ấy cũng đủ tranh để treo trong một "gác Lǎng Yên" nhiều tầng, ghi công lao sự nghiệp các bậc ấy, đủ tài liệu cho một bộ sử. ít nơi nào mà cái "chất sử" lại đông đặc như ở Hà Nội.

Thǎng Long, rồi Đông Đô, Đông Kinh, từ Lý Trần đến ngày nay, là một khoảng đất từ chợ

lichsutlong.jpg (34023 bytes)

Cổng đền Ngọc Sơn
Photo: Nguyễn Nhưng

Bưởi đến Ô Cầu Dền, từ sông Hồng đến Cầu Giấy trên sông Tô Lịch, gồm 3 toà thành, trong có 13 trại và 61 phường, rồi 36 phố, phường, từ bờ hồ Tây tới quanh Hồ Gươm. Phía bắc có sông Hồng bao, bên trong có Hồ Tây, tiếp đến hồ Trúc Bạch, rồi hồ Cổ ngựa, đi mãi đến Hàng Than. Lại thêm một chi của sông Hồng là sông Tô Lịch, đi từ Chợ Gạo, đến chùa Cầu Đông Hàng Đường, chếch lên phía bắc ở cống chéo Hàng Lược, đi theo phố Phan Đình Phùng, qua Thụy Khuê, Thụy Chương, đến chỗ Hồ khẩu, là cửa thoát nước từ hồ vào sông, rồi đến chợ Bưởi. Sau khi gặp con sông Thiền Phù từ Quán La xuống, sông Tô Lịch quặt về phía nam. Sông Tô thành cái hào tự nhiên cho mặt bắc và mặt tây các thành Nguyễn, Lê, Lý. Sau khi làm hào cho mặt tây thành, đến Cầu Giấy, sông Tô có một nhánh, sông Kim Ngưu, làm hào cho mặt nam thành, rồi chảy qua Ô Chợ Dừa, đổ vào đầm Sét. Mặt đông Thǎng Long có sông Hồng (cũng gọi là sông Cái, sông Nhị). Sau sông lại có một chuỗi hồ: hồ Ngõ Miếu, hồ Hàng Đào, Hồ Gươm, hồ Thủy quân, hồ Quỳnh Lôi. Mặt nam,bên trong sông Kim Ngưu có hệ thống Vǎn hồ bao la, nay đã thu hẹp. Sông, hồ làm hiểm cho Thǎng Long như thế.

Phía nam hồ Tây, lác đác có những quả núi. Thật ra chỉ là những gò lớn, mà 2 gò cao nhất nay cũng chỉ còn cao già 18 m. Từ đông sang tây, có núi Nùng (mới), núi Khán, núi Sưa (núi Xuân), núi Bát Mẫu, núi Voi (Thái Hoà), núi Cột Cờ, núi Cung, núi Trúc và núi Vạn Bảo. Núi đây là những núi người ta đắp nên, thì cũng có thể, nhưng như thế thì thật là những công trình lớn, vì mấy nghìn nǎm rồi, đất đắp lên mà vẫn còn cao như thế. Núi Cung và Núi Sưa hiện còn hơn 18 m. Phía nam có 13 gò, từ Đống Đa đến gò Chinh chiến xã Phương Liệt, đến mãi bờ sông. Rõ ràng đây không phải là những gò thiên nhiên, mà là những đống thây của các người khốn khổ mà nhà Thanh đẩy đi xâm lược. Sau trận Khương Thượng, xác giặc chôn không xuể. Nhiều quá phải xếp thành đống cao, rồi đổ đất lên, 13 gò trở thành một dẫy đài kỷ niệm.

Xem cảnh đẹp mát ruột, nhớ đến người xưa nức lòng. Nghĩ rằng từ các tổ Hùng, cho đến chúng ta, một mạch máu chảy liền, một ý chí rắn chắc, tạo nên một Thủ đô, một thớ con người.

(Theo "Người và cảnh Hà Nội", tác giả: Hoàng Đạo Thuý)


Cảm ơn bạn đã ghé thăm site của MIMOSATOUR! Bạn hãy để lại lời nhận xét (comment) của mình! Hoặc bạn cũng có thể đăng kí nhận bản tin RSS. Chúng tôi hy vọng bạn thích site này của MIMOSATOUR và tìm được những thông tin bổ ích, và nếu có thể hãy thêm địa chỉ site này vào favorites của bạn để có thể ghé thăm lại. Cám ơn!