Thứ Hai, 6 tháng 10, 2008

HÀ NỘI - XƯA VÀ NAY

Mái nhà cổ Hà Nội

mainhaco.gif (13832 bytes)

Photo: Do Huan

Với mỗi người Việt Nam hôm nay, Thǎng Long - Đông Đô - Hà Nội vẫn còn rất bí ẩn và quyến rũ bởi những chứng tích lịch sử, những dấu ấn về con người qua truyền thuyết huyền thoại, di tích lịch sử, những khu phố cổ, ngôi nhà cổ, tường thành xưa, đường phố cũ... Nhưng có lẽ cái còn ghi được nhiều dấu ấn lịch sử nhiều nhất, rõ nhất, sinh động nhất, trực tiếp nhất đó là kiến thức đô thị. Kiếm trúc cổ Hà Nội gợi lên một nền vǎn minh tinh thần, một nếp sống vǎn hoá gia đình trong những đường nét ấm nóng hơi thở của nhiều thế hệ.

Khu phố cổ Hà Nội, được gọi bằng một cái tên rất thân thương là " Nội 36 phố phường". đây, mỗi tên phố tên nhà đều gợi bóng dáng kinh thành xưa với những phường thợ làm ǎn tấp nập : Hàng Đào, Hàng Lược, Hàng Gai, Hàng Thiếc, Hàng Hòm, Hàng Bạc... Mỗi cái tên đều minh chứng cho trí tuệ, tài nǎng của cha ông ngàn nǎm vǎn hiến : Hùng Vương, Bà Triệu, Ngô Quyền, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Cao bá quát... Tất cả hợp lại thành tinh hoa của Thǎng long - Đông đô - Hà nội, mà cái tên " Nội 36 phố phường" gợi nhớ hàng nǎm, để cho từng thời khắc lịch sử, người Việt Nam có dịp dừng chân, tản bộ mà suy ngẫm về đất nước, con người. Sau những lo toan tất bật thường ngày, tôi lang thang đi tìm về tổ tiên, quanh "Hà Nội 36 phố phường". Mỗi lần tìm như vậy, tôi nghe mơ hồ một tiếng nói mỏng manh. Nhưng đó là tiếng nói của tâm linh nòi giống mà tôi may mắn bắt gặp. Nó thiêng liêng và có sức mạnh hơn những tiếng ồn ã ở đời.

Một sớm cuối thu, nắng thu vàng óng ngọt ngào toả sáng "Hà Nội 36 phố phường" như muốn đền trả con người sau những cơn giông bão mùa hè, soi bước chân tôi vào ngôi nhà cổ 13 Hàng Đào. Nhà nghiên cứu xã hội học, Giáo sư Chu Khắc Thuật, chủ ngôi nhà, dẫn tôi qua cầu thang ọp ẹp, nhưng ấm áp tình người. Trông cǎn phòng nhỏ trên tầng hai hiện ra một không gian cổ xưa, tĩnh lặng với vẻ kín đáo của cánh cửa vòm của giáo đường, với những đường nét hoa vǎn tinh tế của kiến trúc Pháp thế kỷ XIX. Chỉ cách có một tầng nhà mà tiếng ồn ã của phố phường bán mua, chật hẹp đã lùi xa, nhường chỗ cho sự suy tư, sáng tạo im lìm, cực nhọc của một nhà khoa học với những công trình nghiên cứu đẩy nhanh tiến bộ của đất nước. Trong giây lát, tôi cảm nhận được giá trị của phong cách kiến trúc nhà ở độc đáo của một Hà Nội cổ. Đó là kiểu nhà ống, một phong cách đặc sắc nhất chỉ có đô thị cổ Việt Nam mới có. Vì diện tích bề rộng nhô ra mặt phố hẹp nên ông cha ta tận dụng bề dài sâu vào trong, sáng tạo một kiểu nhà thích hợp, có nơi bán hàng, nơi ở, nơi thờ phụng, nơi sinh hoạt cá nhân hết sức khoa học. Nhà càng

mainhaco_oqc.jpg (15587 bytes)

Ô Quan Chưởng
Photo: Lê Quang Châu

dài càng tạo ra nhiều lớp sử dụng, bên trong có khoảng sân vườn. Sân vườn chỉ chiếm một khoảng nhỏ những là nơi đưa thiên nhiên luồn lách vào trong từng gia đình, được người xưa quan tâm đặc biệt. Nó làm cho ngôi nhà thông thoáng, sáng sủa, có nắng ấm, gió trời. Nơi đây hiện lên một khoảng trời riêng của gia đình với cây cau, giàn trầu, giếng nước, hòn non bộ, cây cảnh, chậu cá, lồng chim... tách khỏi mặt phố náo động, giúp thần kinh con người thư giãn, tĩnh tại. Nhưng tháng nǎm qua đi, giờ đây con cháu mới giật mình xa xót vì đã không giữ được mái nhà Việt Nam cổ xưa. Anh Thuật kể "Phần lớn những ông chủ thật của ngôi nhà bây giờ phiêu bạt xa xôi. Nhưng ngôi nhà của họ chuyển sang Nhà nước quản lý cho thuê. Những người thuê nhà vì nghèo, không có tiền sang sửa nên dấu ấn tinh hoa đã bị mối mọt, thay vào đó là bê tông cốt sắt. Số người có tiền thì tuỳ tiện xây cất ồn ào, mất hết vẻ đẹp thầm kín cổ xưa". Sổ sách ghi còn ngôi nhà 32 Hàng Đào từ thời Lê. Nhưng khi tôi đến đó, cụ chủ nói : "Ngôi nhà lâu nǎm bị dột nát chúng tôi phải chữa lại để ở, có còn gì dấu vết của thời Lê đâu". Và còn bao nhiêu ngôi nhà khác của "Hà Nội 36 phố phường" đang méo mó, dột nát, bị sửa chữa tuỳ tiện hay phá đi xây dựng lớn ? Những dáng nét cổ kính của "Hà Nội 36 phố phường" đang mờ nhạt, dẫn tới nguy cơ bị xoá sổ, làm cho những người Việt Nam yêu vǎn hoá dân tộc, yêu nòi giống xót xa. Ngôi nhà cổ Việt Nam, chỉ có ở "Hà Nội 36 phố phường". ở phố cổ Hội An, chúng ta giữ được những ngôi nhà bẩy đời còn sáng láng nét hoa vǎn. Song đó là những ngôi nhà kiểu Nhật Bản hay Trung Quốc. Ngôi nhà cổ thuần chất Việt Nam của phố cổ Hà Nội có mái ngói lô xô, có vườn cây, giếng nước, ban thờ, có khoảng mây trời kéo không gian gần lại, có vẻ đẹp thầm kín, giàu chất trữ tình, chứa trong lòng nó cả ngàn nǎm vǎn hiến. Đó là một chứng minh rõ nét nhất về mối quan hệ giữa đô thị và nông thôn. Phần lớn phường thợ ở các phố đều từ nông thôn ra sản xuất hàng của làng mình, bán buôn tại chỗ. Mọi người dân vẫn thuộc về làng quê mình và tạo nên một vùng buôn bán sầm uất ở các phố.

Chính họ đã tạo ra "mái nhà Việt Nam" kết tinh của làng quê, đất nước, giống nòi. Xin hãy giữ lấy một "mái nhà cổ Việt Nam" giữa lòng thủ đô Hà Nội làm vật thiêng liêng về vǎn hoá gia đình cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

(Theo "Tinh hoa Hà Nội", tác giả: Mai Thục)


Cảm ơn bạn đã ghé thăm site của MIMOSATOUR! Bạn hãy để lại lời nhận xét (comment) của mình! Hoặc bạn cũng có thể đăng kí nhận bản tin RSS. Chúng tôi hy vọng bạn thích site này của MIMOSATOUR và tìm được những thông tin bổ ích, và nếu có thể hãy thêm địa chỉ site này vào favorites của bạn để có thể ghé thăm lại. Cám ơn!