Thứ Hai, 6 tháng 10, 2008

VĂN HÓA HUẾ

Mùa Xuân đi nghe hò Huế
Khánh Yên



Ngày bình thường, bất chợt được nghe những giọng hò xứ Huế đã thấy lòng nôn nao. Mùa xuân đến, những điệu hò xứ Huế càng làm cho ta chìm đắm trong cảm giác xao xuyến. Xứ Huế vốn là vùng dân ca nổi tiếng với những điệu hò mái nhì, mái đẩy dàn trải, khoan thai, đầy thương cảm. Lối hò bài thai, hò đối đáp nam nữ ngọt ngào như tâm hồn xứ Huế lại mang phong thái độc đáo của vùng đất Cố đô văn vật. Xứ Huế còn có lối hò giã gạo, giã vôi, gia điệp, hò bồng bông, hò đưa linh... những điệu hò luôn làm nao nức và nồng đậm tình người. Trong mênh mang của vùng đất cồn bãi, kênh rạch, đầm phá, ruộng đồng, những điệu hò câu hát như làm vơi đi những nỗi vất vả, nhọc nhằm trong những tháng ngày lao động trên đồng chua, nước mặn, làm nảy mối duyên tình và sâu nặng hơn hết là tình yêu quê hương đất nước.

Hò Huế rất phong phú và đa dạng. Thật thú vị khi du xuân trên sông nước mênh mang, chợt đâu đó văng vẳng một điệu hò mái nhì của các "ca sĩ dân gian":

Nước đầu cầu khúc sâu khúc cạn
Chèo qua Ngọc Trản đến vạn Kim Long
Sương sa gió thổi lạnh lùng
Sóng xao trăng lặn gây lòng nhớ thương


Câu hò cất lên như đưa hồn người nghe cùng lơ lửng trong một bầu trăng nước. Những ai đã có những đêm canh trường nằm trên bến Phu Vân Lâu để đợi tiếng chuông gọi canh của chùa Thiên Mụ, lại chợt nghe giọng hò của một thiếu nữ chèo thuyền qua trước mắt, hẳng lúc này không thể không xao lòng. Rồi trong cái nôn nao rạo rực của không khí vào xuân, bạn rời chốn mênh mang của vùng sông nước, nhẹ nhàng thả bộ vui xuân vào bất cứ mọi xóm làng nào bạn cũng sẽ thấy nhiều thú vui hay lắm, lạ lắm! ấy kìa! Trên một khoảng đất bằng, ẩn dưới một gốc đa xúm xít vòng trong, vòng ngoài một đám chừng chục người đang chơi bài Thai. Bài Thai là một lối chơi từ bộ bài tới, cũng mượn giọng hò làm phương tiện mua vui. Lối chơi có nguồn gốc từ một kiểu hò, đó là hò Thai. Nhà cái bày tấm bia có 30 con bài rồi đặt con bài Thai mình định hò vào đĩa lấy chén đạy lại rồi bắt đầu hò:

Thương nhớ dạng chồng ruột như tơ vày vò một trăm múi, chàng đi em nuôi thầy dưỡng mẹ, em cứ nguyện một lòng vô cúi ra lòn.

Thương khuyên cùng chàng đừng có ham chơi chốn gác tía lầu son. Nhớ cảnh quê nhà làm thuê cắt mướn chớ để vợ con tồi tàn.

Câu hò mang nghĩa ẩn buộc người chơi phải suy đoán để tìm ra con bài thai và đặt tiền vào các ô mình đoán. Ai đoán trúng sẽ được thưởng tiền gấp 8 lần, đoán sai thì số tiền đã đặt thuộc về nhà cái. Ðám chơi bài thai xôn xao. Nhà cái cất giọng hò lượt hai, giọng hò mượt mà pha phách điệu mái nhì lúc trầm, lúc bồng. Tiếng ai đó thúc giục: đánh đi, đánh đi! Một người quả quyết: Tôi đánh con xơ, vì khi người chồng ham mê lầu son gác tía thì hẳn vợ con ở nhà sẽ bị bỏ bê xơ xác đói khổ. Khi tiếng bạc mở ra, quả là con xơ. Mọi người xuýt xoa thán phục! Tương truyền, nhà thơ Xuân Diệu cũng đã từng du xuân và rất mê những điệu hò xứ Huế. Nhà thơ đã phát hiện ra những nét rất riêng, rất độc đáo, rất sáng tạo của những điệu hò ở vùng đất thơ mộng này:"Lời hò ở đây nặng về xinh hơn là về đẹp, có duyên, rất có duyên, văn rất sáng tạo:

Sóng sầm sịch lưng chừng ngoài biển Bắc
Giọt mưa tinh tăng ri rắc chốn hàng hiên
Em muốn làm lơ đi mà ngủ, ngủ cũng không yên
Sợ mưa già nước ngập, biết tựa con thuyền vào đâu...


Sóng văng vẳng dội về từ ngoài biển xa nên "lưng chừng", tuy lưng chừng mà vẫn nghe đợt nặng, đợt nhẹ cho nên sầm sịch; Mưa rí rắc là mưa rơi, mưa rắc lại còn nói nhỏ như rỉ bên tai, giọt mưa lại tinh tăng thì thật là hay! Tinh tăng là mưa giọt tranh rỏ trên mặt thùng thiếc. Văn ca dao xứ Huế còn để lươm thươm chứ không tướt bớt quá chặt chẽ như văn ca dao Bắc bộ, đáng lẻ nói muốn ngủ mà không tài nào ngủ được, lại nói khía cạnh "em muốn lơ đi mà ngủ" thì ra cái nỗi mưa này nó gợi cảm, "nó trêu bên lòng" (Xuân Diệu).

Ðó là ngôn ngữ của hò mái nhì. Ðặc biệt, ta sẽ lại bắt gặp trong hò khoan đối đáp nam nữ những tri thức ngôn ngữ được thể hiện thật phong phú. Nó sử dụng nhiều thể, nhiều làn điệu hò, tạo nên sự đa dạng, sinh động và hấp dẫn. Một cuộc hò đối đáp nam nữ thường chứa đựng ít nhất là một trong các nội dung: Hò chào hỏi, hò ướm lòng, hò thử tài, hò trêu ghẹo đâm bắt, hò ân tình, hò ly biệt.

Cho đến bây giờ, lòng tôi vẫn luôn luôn rộn lên khi bất chợt được nghe một câu hò xứ Huế. Mùa xuân đi nghe hò Huế luôn là thú chơi đặc sắc của con người và mảnh đất thần kinh. Một thú chơi đầy chất dân dã và cũng đầy tính trí tuệ.


Cảm ơn bạn đã ghé thăm site của MIMOSATOUR! Bạn hãy để lại lời nhận xét (comment) của mình! Hoặc bạn cũng có thể đăng kí nhận bản tin RSS. Chúng tôi hy vọng bạn thích site này của MIMOSATOUR và tìm được những thông tin bổ ích, và nếu có thể hãy thêm địa chỉ site này vào favorites của bạn để có thể ghé thăm lại. Cám ơn!