Lụt xưa nay ở Huế
Kể từ đó (1306) đến nay, có nhiều trận lũ lớn xảy ra liên miên trên mảnh đất này. Sau đây chỉ nêu vài trận lụt đã được các tài liệu thống kê (đặc biệt là tài liệu của Dương Phước Thu) mà bản thân người viết cho là lớn. Mở đầu là trận lụt năm 1361, kinh thành Hóa Châu ngập chìm trong nước, quan quân phải di dân lên phía núi huyện Kim Trà chạy lụt. Năm 1403, thời nhà Hồ, một trận lũ rất lớn, nước dâng cao kèm theo sóng thần ngoài biển đẩy vào, phát ra một tiếng nổ dữ dội, phá vỡ dải cát chạy dài từ Quảng Trị vào đến cửa Tư Dung, mở ra cửa Thuận An ngày nay. Tháng 9.1671, mưa bão làm ngập nước mênh mông sâu hơn 3 thước, người và súc vật chết la liệt khắp nơi. Năm 1676 nước lụt ngập sâu 4 thước, dân chết đói nhiều. Tháng 8.1680, có gió bão, nước ngập lụt sâu hơn trượng, người và súc vật chết rất nhiều. Tháng 10.1698, sấm mưa dữ dội suốt một ngày đêm, nước lụt tràn ngập mặt đất sâu 4-5 thước, nhà cửa, người và súc vật bị trôi chết đầy sông. Tháng 10.1712, lụt sâu 5-6 thước, nhà cửa của dân trôi mất nhiều. Tháng 8.1811, kinh sư bị bão, nước lụt lên hơn 8 thước, nhiều nhà của quan, dân sụp đổ. Cửa Tư Dung bị lũ phá vỡ. Tháng 10.1825, trong kinh kỳ mưa to, nước lụt lên cao, nhiều nhà dân bị ngập. Vua sai quan kinh doãn đem cơm vắt cấp cho và chẩn phát lúa gạo cho dân nghèo. Năm 1828, kinh kỳ lụt to, ngập mặt đất sâu hơn 10 thước, dân chết đuối hơn 60 người. Vua Minh Mạng sai quan kinh doãn Đặng Đức Thiệm lấy cơm muối phát chẩn cho dân nghèo từ kinh thành đến các thôn xóm. Vua nói:"Mưa lụt to quá, nhân dân mắc nạn chìm đắm, rất thương. Các ngươi biết ý trẫm mà chu cấp không sót, dẫu đến hàng nghìn hàng vạn cũng không tiếc". Tháng 8.1842, tại kinh sư gió mưa dữ dội, nước lụt tràn đầy, trong thành ngoài thành hơn 700 hộ nhà dân bị đổ, nhân dân nhiềungười chết đuối. Vua Thiệu Trị sai quan kinh doãn đi phát chẩn gạo, vải trắng cho dân.
Tiết trùng dương tháng 9 năm 1844, ở kinh sư mưa to, gió dữ. Nước ngập từ 10-16 thước. Nhà cửa, thuyền bè, công sở, tư gia phần nhiều bị đổ nát, chìm đắm. Dân Thừa Thiên chết đuối hơn nghìn người. Vua sai quan tích cực phát chẩn. Tháng 9.1894, Thừa Thiên bị lụt to, nhà đổ, hoa màu bị thiệt hại nhiều, lại thêm một trận cuồng phong bất thần nổi lên vùi chết nhiều người dân lênh đênh sông nước Tam Giang. Hai người con trai của danh nhân văn hóa Nguyễn Lộ Trạch bị chết đuối trong cơn cuồng phong này. Tháng 9.1904, Thừa Thiên bị bão lớn, về sau gọi là bão năm Thìn. Bão đã tàn phá rất nhiều công trình kiến trúc trong kinh thành, đánh sập cầu Trường Tiền, đánh sập chợ Đông Ba, chùa Thiên Mụ hư hỏng nặng. Sóng thần giết chết nhiều ngư dân đầm phá, cuốn trôi nhiều thuyền bè đánh cá và thuyền vận tải ra biển. Ngày 22 đến ngày 25 tháng 9.1953, một trận lụt chưa từng có trong lịch sử trước đó đã đổ xuống Thừa Thiên. Mực nước cao, sức chảy mạnh đã cuốn trôi nhiều làng mạc, nhiều công trình kiến trúc. Hơn 500 người chết, 1290 ngôi nhà bị trôi, 300 trâu bò bị cuốn trôi. Tại Huế nước tràn vào Thành Nội, sức nước quá mạnh làm sập cửa Quảng Đức (nên sau này người Huế thường gọi là cửa Sập, đã được trùng tu năm 2002). Ngày 26.10.1983, bão cấp 12 suốt 8 giờ liền. Từ ngày 30.11 đến 1.12 mưa rất lớn và lụt to, mực nước sông Hương vượt báo động 3 là 0,35m, đã làm chết 252 người, bị thương 115 người, 21.000 ngôi nhà bị sập, 1.511 nhà bị trôi, 2566 trâu bò chết, 2 vạn con lợn bị chết trôi, thiệt hại rất lớn. Tháng 6.1985, Thừa Thiên bị bão số 1 gây ngập lụt trên 1 vạn ha lúa và hoa màu. Tiếp đó gió tây nam kéo dài chưa từng có làm trên 10.000 ngôi nhà tốc mái. Từ 1.10, bão số 7 kèm theo mưa to, nước đổ về đột ngột cuốn trôi nhiều người và tài sản, hủy hoại đường sá. Từ 15-16.10 năm ấy, bão số 8 giật trên cấp 12 xoáy qua thành phố Huế suốt 5 giờ, tàn phá khốc liệt 13/14 huyện, thị thành, gây tổn thất vô cùng nghiêm trọng về người và tài sản. Chỉ riêng nửa đầu tháng 10.1985 bão lụt đã làm 604 người chết. Riêng gia đình của Nguyễn Văn Trắm ở Cồn sơn, xã Phú Thuận, cả nhà có 28 người thì đã có 24 người chết và mất tích. Tháng 9.1995, lụt bão làm 11 người chết, 8 người mất tích, thiệt hại tài sản trong dân lên đến trên 30 tỷ đồng. Tháng 11.1998, lụt lớn với mức nước sông Hương vượt báo động 3 là 0,5m, làm 957 nhà bị sập, trôi, 120 thuyền đắm, 25 người chết. Từ ngày 1 đến ngày 6 tháng 11.1999, TT-Huế xảy ra trận lụt lịch sử. Lượng mưa lớn liên tục nhiều ngày lên đến 2300mm, cao nhất trong chuỗi số liệu mưa trên lãnh thổ Việt Nam hơn 100 năm nay. Tại Huế, mức nước sông Hương vượt báo động 3 là 1,7m. Nước cuốn trôi làng Hòa Duân và mở cửa biển mới ở đó. Lũ lụt làm 375 người chết và mất tích, 94 người bị thương nặng, tổng thiệt hại lên đến 1.800 tỷ đồng, ước bằng tổng thu nhập bình quân của TT-Huế 7 năm liền trên số dân 1 triệu người. Tháng 12.1999, TT-Huế lại có trận lụt muộn rất lớn, mức nước sông Hương vượt báo động 3 là 0,73m, khỏang 54,000 ngôi nhà bị ngập nặng, làm 5 người chết và hàng ngàn ngườilâm vào cảnh màn trời chiếu nước. Mới đây, từ ngày 25-27.11.2004, TT-Huế có trận lụt lớn chỉ sau trận lụt lịch sử 1999. Nước sông Bồ chỉ thua đỉnh lũ 1999 chừng 0,3m. Có 6 người chết.
Cảm ơn bạn đã ghé thăm site của MIMOSATOUR! Bạn hãy để lại lời nhận xét (comment) của mình! Hoặc bạn cũng có thể đăng kí nhận bản tin RSS. Chúng tôi hy vọng bạn thích site này của MIMOSATOUR và tìm được những thông tin bổ ích, và nếu có thể hãy thêm địa chỉ site này vào favorites của bạn để có thể ghé thăm lại. Cám ơn!