Thứ Hai, 6 tháng 10, 2008

VĂN HÓA HUẾ

Đình Làng HUẾ


Nói đến kiến trúc Huế, không ít người chỉ nghĩ đến cung điện và lăng mộ các vua nhà Nguyễn, cho rằng đây là bộ mặt nghệ thuật cung đình duy nhất của Việt Nam còn lại. Có mở rộng, thì cũng chỉ thêm vào một số chùa lớn. Đã nhiều người đề cập đến kiến trúc Huế, đều chỉ dừng ở các loại di tích trên. Đúng là Huế có nhiều cung điện, lăng mộ và chùa. Song chỉ cần ra ngoại vi thành phố Huế, chúng ta còn gặp nhiều kiến trúc đẹp của tư nhân, của dòng họ và đặc biệt là các ngôi đình của dân làng.

Tiêu biểu cho nghệ thuật đình làng ở Huế mà hầu như người dân ở đây đều biết là các đình Kim Long, Dương Nỗ và Lại Thế. Ba ngôi đình thuộc ba làng ngày nay có đời sống xã hội khác nhau (đình Kim Long ở ngay sát nội thành, trên mặt phố, liền sau chợ, đình Dương Nỗ ở khá xa nội thành, thuộc làng quê ven đường ra cửa biển Thuận An; còn đình Lại Thế ở ven nội thành nhưng lại thuộc một làng quê kín đáo) nhưng bản thân kiến trúc lại gặp nhau trong một dáng vẻ chung và tạo nên một phong cách đình làng xứ Huế.

Cũng như hầu hết đình làng ngoài Bắc, đình làng ở Huế với tư cách là bộ mặt kiến trúc của một làng, được xây dựng ngay ở đầu làng, như một người chủ hiếu khách niềm nở chào đón những ai đến thăm làng. Gắn bó với các kiến trúc của dân trong làng, ba phía gồm hai bên và đằng sau liền sát nhà dân, còn mặt trước đình thoáng đãng, nhìn qua sông ra cánh đồng rộng. Đến thăm làng, từ xa chúng ta đã thấy đình làng thấp thoáng trong các tán cây cổ thụ, bề thế trong toàn cảnh, lại thiêng liêng mà vẫn thân mật. Đến gần mỗi ngôi đình được giới hạn trong một khuôn viên cụ thể có cửa đình được xây những trụ gạch vuông vức vươn cao, có bổ ô trang trí. Qua cửa vào trong sân đình, cũng như nhiều kiến trúc cổ ở Huế, xây chắn ngang một bức bình phong, buộc ta phải đi vòng sang hai bên. Bức bình phong trước hết theo quan niệm “phong thủy” để che chắn những gì không hay, tạo sự kín đáo cho công trình phía trong, đồng thời là một diện rộng để đắp vẽ trang trí những hình có tính chúc tụng cả dân làng. Sân sinh hoạt thường có lối đi rộng ở giữa dẫn vào tòa Đại đình, còn hai bên để đất trồng cây lưu niên. Đình ở Huế còn hiện trạng đến nay đều được xây dựng vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, song khác với những đình đồng thời ở ngoài Bắc có nhiều kiến trúc phức tạp, ở đây không có các dãy Tả vu, Hữu vu ở hai bên sân, không có tòa Tiền tế ở phía trước và Hậu cung ở phía sau, mà chỉ có duy nhất tòa Đại đình mặt bằng chữ nhật. Có lẽ trước đây, ngay khi ngôi đình còn sống đầy đủ đời sống xã hội của nó, việc ăn uống và tế lễ linh đình cũng như việc linh thiêng hóa Thành hoàng không nặng như ở đình làng ngoài Bắc. Với mặt bằng chỉ có Đại đình hình chữ nhật ngang, đình làng ở Huế xây dựng muộn, song lại gần gũi với những đình làng sớm ở ngoài Bắc có niên đại có thế kỷ XVI - XVII.

Đình làng ở Huế thường có ba gian và hai chái, ở hai đầu không có tường bao, luôn gắn bó với bên ngoài. Những đình lớn như đình Lại Thế thì hai chái kéo dài, mở rộng thành những chái kép, tạo cho lòng đình như năm gian hai chái. Phía hiên trước đình thường có mái đua vươn ra một khoảng rộng do một hệ thống cột đỡ, nên từ trước về sau đình có số hàng cột lẻ - thường là bảy.

Khác với đình ngoài Bắc có bộ mái chiếm hai phần ba chiều cao nên úp nặng, do đó mặt mái phải vênh cong và các đao lượn bay lên gây cảm giác nhẹ để kéo lại; đình ở Huế có bộ mái chỉ chiếm già nửa chiều cao nên bản thân khối hình nhẹ nhàng, bộ mái được xòe rộng ở mặt phẳng nghiêng, không cần đao lượn cong. Có lẽ ở gần biển, để chống với sức gió to, các bờ nóc và bờ giải đều cao to đè mép mái chắc chắn, được đắp vẽ trang trí rực rỡ làm cho nó nhẹ đi. Hai đầu bờ nóc đắp “hồi long” tức rồng quay đầu vào trong chầu mặt trời kính màu nổi lên trên những cụm mây ở giữa bờ nóc. Một số đình còn có thêm “bờ nóc” thứ hai nằm song song với bờ nóc trên, đè ngang mái khoảng hai phần ba từ dưới lên. Hai đầu bờ đắp phượng, còn ở giữa là mặt trời hoặc rồng chầu mặt trời, tạo cảm giác như có hai tòa nhà song hành áp sát vào nhau, làm cho mọi người “quên” đi tác dụng chính đè mái khỏi bị bốc khi có gió bão. Góc gãy của bờ giải thường đắp hình lân, còn ở bờ giải trên mái đua đắp hình rùa. Toàn bộ “tứ linh” rồng - phượng - lân - rùa đều được “treo” lên mái đình ở dạng điêu khắc “tượng tròn” có gắn mảnh sứ màu như được vẽ. Còn ở bốn góc đao đình chỉ hơi lượn lên đắp hình “con giao” theo các guột cuộn, gợi lên hình rồng cách điệu.

Khác với bộ mái đắp vữa nhiều khi khá cầu kỳ, thân đình nhìn từ ngoài rất ít trang trí, dường như muốn tạo sự đối lập làm nền cho bộ mái nổi hẳn lên. Thềm đình khá cao, song nền rất thấp nên không bị lênh khênh trước gió mà lại thoáng sáng.

Sau phần mái đè úp lên trên, kết cấu bên trong Đại đình chính là bộ khung gỗ mộng mẹo rất sít. Do Đại đình thường có ba gian chính, nên theo hàng cột dọc trước ra sau, có bốn “vài” đình (tức vì kèo - theo cách gọi quen thuộc ở ngoài Bắc). Từng “vài” đình đều gồm những chiếc kèo thẳng liên kết theo kiểu kèo chồng để đuôi kèo dưới chồng lên đầu kèo trên, chiếc kèo dưới cùng có thân uốn cong lên đỡ mái đua được gọi là “kẻ”, gợi đến những chiếc “kẻ cổ ngỗng” ở một số chùa ngoài Bắc, có thể tháo bỏ cắt ngắn bộ mái mà không làm yếu kết cấu.

Các cột cái, cột quân và cột hiên trong cùng một “vài” được nối với nhau từng đôi một, ở đầu cột, bằng những chiếc kèo. Riêng hai cột cái, ngoài hai chiếc kèo trên cùng giao nhau ở đỉnh nóc nhờ một con xỏ gọi là “giao nguyên”, còn có xà ngang được gọi là cái “trếnh” hay “trếng”, nối với nhau ở lưng chừng cột mang chức năng chiếc quá giang trong kiến trúc ngoài Bắc. Hai đầu “trếnh” chạm những cuộn mây, rồi xuyên qua cột cái nhô một đoạn ngắn ra ngoài cột để chèn con chêm áp sát cột. Phía trên cái “trếnh” ở chính giữa có đặt áp sát “trếnh” một đoạn gỗ trang trí những vân xoắn to gọi là “con tôm” có dáng gợi nhớ cái cối. Dựng đứng trên lưng “con tôm” là một trụ tiêu dáng cái chày, ở đầu trên của trụ tiêu dang ngang một thanh gỗ gọi là áp quả, toàn bộ như người đứng dang ngang hai tay, để đỡ bụng hai chiếc kèo trên cùng.

Các “vài” nối với nhau tạo thành nối liên kết ngang, gồm thượng lương, xà và hoành tử. Thượng lương trong kiến trúc đình làng Huế, giống như nhiều kiến trúc khác ở đây, gồm hai lớp trên và dưới song song nhau gọi là trùng lương (tức thượng lương kép), thường có lắp khung rộng ở khoảng giãn cách. Các xà thượng ở đầu cột cái, xà trung ở đầu cột quân và xà hạ ở đầu cột hiên đều được gọi là cái xuyên. Song song với các xà (ở trên đầu cột), do kèo (hoặc kẻ ở phần mái đua) đỡ, là các hoành tử.

Kiểu kết cấu kèo chồng này ít thấy trong hệ thống nhà chính ở cung điện; song lại phổ biến trong các nhà rường của quý tộc, nhà thờ họ và chùa.

Các đình làng ở Huế được chạm khắc trang trí nội thất có phần khiêm nhường và không đi vào các đề tài về sinh hoạt con người như đình làng ngoài Bắc các thế kỷ XVI - XVII. Do các thành phần tham gia kiến trúc, từ cột đến xà, hoành... đều thanh thoát, có phần nhỏ nhẹ, vốn đẹp ở bào trơn, đóng bén nên không có cảm giác nặng nề, không phải viện đến điêu khắc quá mức. Ngoài các vân xoắn ở đầu “trếnh”, “con tôm” và “áp quả”, nghệ nhân chỉ chú ý trang trí ở một số kèo, và mặt bụng của mấy chiếc hoành đỡ mái hiên trước đình. Dường như thống nhất trong các nhà rường và đình làng một số đề tài được lặp đi lặp lại ở vào những vị trí nhất định của kiến trúc: Đầu các kèo chạm vân hóa kiểu như dãy gai trên sống lưng “rồng” và đặc biệt lưu ảnh trang trí kiến trúc thế kỷ XVII ngoài Bắc là mỗi mặt đầu kèo có một tia mây lửa hắt chéo lên. Các kèo nối cột quân xuống cột hiên có thân hoa uốn cong, mặt bên của đuôi kèo chạm một vật quý (hai mặt của bốn chiếc kèo thuộc ba gian chính chạm đủ bộ bát bửu), còn ở thân chạm hoa cúc và vân xoắn hẳn biểu thị sự cầu mong hạnh phúc cho cư dân làm ruộng nước. Riêng chiếc kẻ đỡ mái đua được chạm khá tỉ mỉ, gợi ra toàn thân một con rồng cách điệu cao: Đầu kẻ được chạm phủ lên những hình hoa lá và cuốn thư, còn đuôi kẻ mang hình đuôi rồng rõ nét. Các đình làng ở Huế hiện tại không thấy dấu vết gì của dầm sàn. Có lẽ đình làng ở đây vẫn giữ được kiểu thức đình làng thế kỷ XVI ở ngoài Bắc, mà cho tới nay có thể tin khi khởi dựng không có sàn. Ngay cả nền đình, một số được láng xi măng hoặc lát gạch men hoa, chứng tỏ mới được làm thời sau, còn nguyên xưa có lẽ để nền đất cho thông khí và con người được tiếp xúc thường xuyên với mẹ đất?

Những đình ở Huế, hiện trạng về kiến trúc và trang trí đều thuộc phong cách cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Song đó là niên đại tu bổ hơn là khởi dựng. Chẳng hạn kiến trúc đình Kim Long còn ghi rõ: “Khải Định, Canh Thân đại tu bổ” cho biết lần sửa đình quy mô lớn (như làm lại hoàn toàn) là vào năm Canh Thân đời Khải Định, tức năm 1920. Còn ở đình Lại Thế, mặt bụng chiếc xà nối đầu hai cột quân ngoài của gian giữa ghi lại đầy đủ các mốc làm và tu sửa. Những dòng chữ cho biết vào giờ Dậu (17 giờ - 19 giờ) ngày mồng 6 tháng Mười năm Tân Dậu, niên hiệu Vĩnh Hựu (tức năm 1741 - thật ra năm này đã là năm thứ hai đời Cảnh Hưng rồi, có lẽ Huế thuộc Đàng Trong nhận được tin muộn hay lúc đầu chưa chịu thừa nhận Cảnh Hưng nên vẫn giữ niên hiệu Vĩnh Hựủ) đặt thượng lương (tức cất nóc khi làm đình). Giờ Tỵ (9 giờ - 11 giờ) ngày 11 tháng Tư năm Canh Tý niên hiệu Cảnh Hưng 41 (tức năm 1780) lại đặt thượng lương (tức làm lại hoàn toàn). Đến giờ Giáp Thìn ngày Nhâm Thân 15 tháng Một năm Ất Tỵ niên hiệu Thiệu Trị 5 (tức năm 1845) làm lại đình. Và lần sửa đình quy mô sau cùng còn đến nay được đặt thượng lương vào khắc Kỷ Hợi ngày Tân Mùi mồng 8 tháng Năm năm Tân Mão, niên hiệu Thành Thái 3 (tức năm 1891).

Trong chức năng của đình làng có việc thờ Thành hoàng, qua phân chia chỗ thờ thấy Thành hoàng chưa quá cách biệt với dân làng. Trong khi ở nhiều đình ngoài Bắc, Thành hoàng được thờ trong Hậu cung kín đáo thì các đình ở Huế thờ ngay trong Đại đình trống trải. Đại đình Kim Long có chín bệ thờ chia ra hàng trước bốn bệ và hàng sau năm bệ. Đại đình Lại Thế có ba án thờ ở ba gian xếp ngang hàng nhau. Riêng đình Dương Nỗ chỗ thờ được quây lại giữa bốn cột trong của gian giữa bằng cách xây hai bên, còn đằng trước lắp cánh cửa và y môn. Dù sao những lối thờ này còn rất gần với lối thờ tổ tiên trong các gia đình. Qua mấy ngôi đình tiêu biểu ở Huế còn được giữ gìn đến nay, có thể nhận thấy đều được làm lại vào khoảng 100 năm lại đây, nhưng khởi tạo thì vào đầu thế kỷ XVIII, sau đó hỏng lớn thì làm lại, còn thì hỏng đâu sửa đấy để giữ gìn cho con cháu, gắn bó con cháu với các thế hệ trước, tạo niềm tự hào cho dân làng để gây tinh thần yêu nước từ yêu cái cụ thể ở làng quê mình.

- Đình làng ở Huế thống nhất trên tổng thể với đình làng Việt Nam (mà gốc từ đình làng ngoài Bắc) không xây dựng kiến trúc đơn độc, trái lại xây dựng cả một phong cảnh kiến trúc vừa lợi dụng vừa cải tạo môi trường thiên nhiên tạo thành ngôi nhà chung đa năng. Vừa thờ Thành hoàng vừa diễn ra các sinh hoạt văn hóa - xã hội của dân làng, trang nghiêm mà ấm cúng gần gũi với thiên nhiên và con người, lấy kết cấu khung gỗ và bộ mái đè xuống để che chở các hoạt động và chống mọi sự phá hoại của thời gian.

- Đình làng ở Huế cùng kiểu với kiến trúc nhà rường của quý tộc nhà Nguyễn và cũng gần với kiến trúc một số cung điện. Đã có nhà rường của quý tộc sau bán cho triều đình làm cung điện, bán cho dân làng làm đình hoặc bán cho dòng họ làm nhà thờ. Như vậy ở Việt Nam, kiến trúc của tư nhân, của dòng họ, của dân làng và của triều đình trong chừng mực nào đó có thể chuyển hóa cho nhau. Nói cách khác, cung điện và lăng tẩm của triều đình Huế không hẳn là kiến trúc cung đình tách biệt và đối lập với kiến trúc của làng xã, mà chỉ là dạng cao của kiến trúc dân gian, là kết quả lao động tập thể của các hiệp thợ - nghệ nhân, chưa có dấu ấn nghệ thuật riêng của nghệ sĩ kiến trúc.

- Đình làng ở Huế trong điều kiện cụ thể về tự nhiên và xã hội đã có những sáng tạo để thích nghi với môi trường ở dáng hình chung, ở tỷ lệ độ cao của mái và thân, ở quan hệ giữa quy mô của thành phần kiến trúc với trang trí kiến trúc, ở bộ mái đua mở rộng không gian và làm khu đệm với ngoài trời, đặc biệt ở lối kết cấu “bộ vài kèo chồng” có thể nối thêm hay tháo bớt từ dưới lên trên mà phần có sau cùng vẫn hoàn chỉnh.

- Đình làng ở Huế có mối liên hệ với kiến trúc ngoài Bắc ở những đình cổ (thế kỷ XVI - XVII) nhiều hơn là ở những đình thời Nguyễn, chứng tỏ chủ nhân của nó là con cháu của các cộng đồng từ ngoài Bắc di cư vào trong khoảng trước sau thế kỷ XVI, còn giữ trong ký ức các hình mẫu đình làng ở quê xa và giờ tái hiện tại chỗ. Vì thế tìm hiểu đình làng ở Huế soi sáng thêm về nguồn gốc và sự phát triển của đình làng Việt Nam.

Cảm ơn bạn đã ghé thăm site của MIMOSATOUR! Bạn hãy để lại lời nhận xét (comment) của mình! Hoặc bạn cũng có thể đăng kí nhận bản tin RSS. Chúng tôi hy vọng bạn thích site này của MIMOSATOUR và tìm được những thông tin bổ ích, và nếu có thể hãy thêm địa chỉ site này vào favorites của bạn để có thể ghé thăm lại. Cám ơn!