Thứ Hai, 6 tháng 10, 2008

HÀ NỘI - XƯA VÀ NAY

Hà Nội - những làng nghề

langnghe_gom.gif (20494 bytes)

Photo: Trần Cừ

Câu thành ngữ quen thuộc "Hà Nội 36 phố phường" đã thể hiện sự phong phú của các nghề truyền thống được tập hợp lại từng phường hội trong các phố ở Hà Nội. Ngày nay qua bao nǎm tháng thǎng trầm, các khu phố Hà Nội không còn giữ nguyên tính chất phường hội của nó, nhưng tên các phố-nhất là những khu phố cổ vẫn còn tồn tại hoặc gợi nhớ hình ảnh về một Hà Nội tài khéo ngày trước: Hàng Mắm, Hàng Muối, Hàng Đào, Hàng Bạc .... cả ở ngoại thành, có những tên khi đọc lên, người Hà Nội, và cả nhưng ai hiểu biết về Hà Nội cũng thấy nó gắn bó với những sản vật đã trở thành nổi tiếng: đào Nhật Tân, giấy Yên Thái, đồ đồng Ngũ Xã...

Làng đúc đồng Ngũ Xã

Ngũ Xã vốn là một làng nằm bên bời hồ Trúc Bạch, phía tây Hà Nội. Tên Ngũ Xã có nghĩa là có 5 làng. Khoảng thời nhà Lê, dân 5 làng Đông Mai, Châu Mỹ, Long Tượng, Diên Tiên và Dao Niên thuộc huyện Vǎm Lâm (tỉnh Hải Hưng) và Thuận Thành (tỉnh Hà Bắc) có nghề đúc thủ công, được triều đình trưng tập về kinh thành để lập xưởng đúc tiền và đồ thờ. Để ghi nhớ 5 làng quê gốc của mình, họ đặt nơi đây là Ngũ Xã.

Trình độ đúc đồng của thợ Ngũ Xã đã đạt được đỉnh cao. Ngoài sự thông minh sáng tạo, cái nhìn chuẩn xác, bàn tay khéo léo, người thợ thủ công còn có bí quyết nghề nghiệp và kinh nghiệm lâu đời. Sản phẩm đồ đồng Ngũ Xã nổi tiếng khắp nơi, trong đó nổi bật là pho tượng Phật Di Đà ở chùa Thần Quang nằm ngay tại làng Ngũ Xã. Pho tượng này kể cả toà sen làm đế cao 5,5 m và nặmg 12,3 tấn. Riêng toà sen có 96 cánh bằng đồng, cao 1m45, còn tượng cao 3.95m, khoảng cách giữa các đầu gối là 3m60. Tượng Phật Di Đà này được đúc hoàn toàn bằng kỹ thuật thủ công, tất cả những đường gấp khúc, uốn lượn trên pho tượng đều rất tinh xảo, liền nhau thành một khối không có sai sót về những kỹ thuật đúc. Đây là một tác phẩm nghệ thuật bằng đồng độc đáo và tinh tế.

Ngoài pho tượng này, thợ đúc đồng Ngũ Xã còn tạo ra nhiều tác phẩm khác cũng rất nổi tiếng như tượng Trấn Vũ bằng đồng đen ở chùa Quán Thánh (Hà Nội), chuông chùa một cột (Hà Nội). Ngoài ra còn có những đồ thờ bằng đồng như lư hương, chân đèn... cũng được cả nước đánh giá cao.

Làng giấy Yên Thái

langnghe_tranhhtrong.jpg (17486 bytes)

Photo: Lê Vượng

Nằm ở phía Tây Hà Nội, làng Yên Thái còn có tên là làng Bưởi. Trong sách"Dư địa chí" của Nguyễn Trãi viết vào nǎm 1435 đã nói đến nghề làm giấy của làng này. Ngay từ hồi ấy, người thợ thủ công ở đây đã làm ra những loại giấy đặc biệt cho triều đình phong kiến như giấy thị (để viết chỉ thị), giấy lệnh (để ghi mệnh lệnh). Những sản phẩm chủ yếu của Yên Thái là giấy bản để in sách hoặc để viết chữ Nho (bằng bút lông, mực tầu) và giấy dó (để in tranh dân gian).

Giấy dó có đặc tính xốp nhẹ, bền dai, không nhoè khi viết vẽ, Nó ít bị mối mọt, hoặc dòn gẫy ẩm nát, Giấy dó Yên Thái và nói chung là giấy dó Việt Nam-đã được xuất khẩu sang nhiều nước. Các hoạ sĩ Pháp đã sử dụng giấy dó Yên Thái (khổ lớn) để vẽ tranh bằng mực tầu theo phương pháp tranh cổ điển phương Đông. Một vài bảo tàng châu Âu cũng đã dùng giấy dó để lót bồi phía sau tranh vẽ. Với đặc tính chống ẩm rất cao, giấy dó sẽ làm cho tác phẩm nghệ thuật không bị ẩm mốc.

Nghề làm giấy ở Yên Thái hiện nay đang được phục hồi.

Những làng hoa Hà Nội

Trước đây, bên cạnh những phố phường đông đúc, Hà Nội có những làng trồng hoa nổi tiếng: Ngọc Hà, Nghi tàm, Nhật Tân, Quảng Bá... Hầu hết những làng này đều nằm ở ven Hồ Tây, một thắng cảnh nổi tiếng của đất Hà Nội. Cứ mỗi nǎm vào dịp Tết, dưới làn mưa xuân lất phất, các ngả đường Hà Nội lại nườm nượp những gánh hàng hoa với trǎm ngàn màu sắc.

Mấy nǎm nay, cùng với sự phát triển của cơ chế thị trường, những làng hoa ấy cũng nằm trong làng sóng đô thị hoá. Biệt thự, nhà nghỉ mọc lên san sát quanh Hồ Tây. Đất trồng hoa vẫn còn nhưng đã thu hẹp lại hoặc đã chuyển tới những nơi xa hơn. Thôn Phú Thượng, thuộc huyện Từ Liêm ở ngoại thành Hà Nội, hiện đang nổi lên như một nơi chủ yếu cung cấp hoa và cây cảnh cho Hà Nội. Nghề trồng hoa ở các làng hoa Hà Nội cũng là một nghề truyền thống, được truyền từ nhiều đời. Cùng với nhiều giống hoa mới, và kỹ thuật lai tạo, trồng tỉa các làng hoa Hà Nội hàng ngày vẫn làm đẹp cho thủ đô bằng hàng chục, hàng trǎm laọi hoa và cây cảnh.

Phố Hàng Bạc và nghề kim hoàn

Hàng Bạc là một phố nǎm ở trung tâm thành phố, thuộc khu phố cổ Hà Nội. Trước đây phố,

langnghe_cogai.gif (21880 bytes)

Photo: Thanh Hà

phố Hàng Bạc có ba nghề khác nhau: Nghề đúc bạc nén, nghề kim hoàn, và nghề đổi tiền. Có thể coi Hàng Bạc là những nơi tập trung những người thợ tinh xảo kỹ thuật chế tác đồ vàng bạc của đất kinh kỳ. Họ xuất thân từ ba làng nghề làm đồ vàng bạc nổi tiếng ở Bắc Việt Nam: làng Châu Khê, (tỉnh Hưng Yên), làng Định Công (huyện Thanh Trì - Hà Nội) và làng Đồng Sâm (tỉnh Thái Bình).

Vào thế kỷ XV, quan thượng thư bộ Lại là Lưu Xuân Tín - vốn người làng Châu Khê nói trên được triều đình nhà Lê giao cho việc lập xưởng đúc bạc nén tại kinh thành Thǎng Long (tức Hà Nội ngày nay). Bởi lúc bấy giờ bạc nén được dùng làm đơn vị tiền tệ để trao đổi. Ông quan này đã đưa thợ ở Châu Khê tới kinh thành lập nên xưởng đúc bạc. Dần dần cũng với nghề đúc bạc, thợ Châu Khê làm cả nghề trang trí vàng bạc. Đến đầu thế kỷ XIX, dưới triều Nguyễn, xưởng đúc bạc nén chuyển vào Huế (miền trung Việt Nam). Phần lớn thợ Châu Khê vẫn ở lại Thǎng Long làm nghề kim hoàn, họ lập thành phường ở tại phố Hàng Bạc hiện nay. Lúc này ở phố Hàng Bạc còn có cả thợ vàng bạc ở Định Công và Đồng Sâm tới lập nghiệp. Người ta sản xuất, buôn bán, kể cả đổi bạc nén lấy bạc vụn. Vì vậy, ở thời Pháp thuộc, phố này có tên tiếng Pháp là Rue changeurs ( phố Đổi Bạc).

Với đồ nghề thủ công, người thợ kim hoàn ở phố Hàng Bạc đã làm ra nhiều sản phẩm vàng bạc tinh xảo, nhất là đồ trang sức. Trong thuật ngữ chuyên môn, người ta phân biệt các sản phẩm này thành hai loại: đồ trơn (không trạm khắc) như nhẫn, khuyên tai cho phụ nữ, vòng xuyến cho phụ nữ hoặc trẻ em và đồ chạm (có chạm,khắc).

Người thợ kim hoàn ở Hàng Bạc thường chạm khắc trên đồ vàng bạc theo các mẫu trang trí nhất định. Tứ linh (Long,ly- còn gọi là lân, quy, phượng) là loại mẫu phổ biến nhất. Riêng hình tượng con long (con rồng) đã được bàn tay khéo léo của nghệ nhân thể hiện với nhiều chủ đề khác nhau: Long hàm thọ (Long ngậm chữ thọ), Lưỡng Long tranh châu (hai con rồng tranh viên ngọc), Lưỡng Long chầu nguyệt (hai con rồng tranh nhau mặt trǎng)... các mẫu trang trí khác như Bát vật (tám con vật), Bát bảo (tám vật quý). Bát quả (tám loại trái cây) v.v... cũng được chạm khắc tinh xảo trên đĩa, mâm bằng vàng, bạc.

Trên các đồ vàng, bạc, ta còn thấy người thợ kim hoàn chạm trổ hình ảnh con người, hoặc hình ảnh các loại trái cây mà theo quan niệm phương Đông thì đó là tượng trưng cho những phẩm chất cao quý của người quân tử: trúc, mai, lan, cúc...

Nói chung ở bất kỳ đồ vàng bạc chạm khắc hoặc đồ nữ trang nào người ta cũng đều dễ nhận thấy hai đặc điểm nổi bật: tạo dáng nghệ thuật và tạo vǎn (nét chìm, nổi) tinh xảo, sinh động.

Ngày nay, nghề buôn bán trao đổi vàng bạc không chỉ còn tập trung ở phố Hàng Bạc. nhiều phố khác, cũng đã rải rác có các cửa hiệu buôn bán vàng. Nhưng phố hàng Bạc vẫn là nơi tập trung những người thợ kim hoàn tinh xảo-dù nay đã ít đi-với truyền thống chế tác đồ vàng bạc lâu đời.

* *
*

Người Hà Nội vốn thanh lịch và tài hoa, đã tạo ra sản phẩm vừa có ích lại vừa đẹp cho đời. Ngoài những nghề kể trên, Hà Nội còn bao nghề truyền thống khác như: Kim hoàn, Hàng mã, thêu ren, Chạm gỗ... đã và đang được hồi sinh trên khu phố cũ. Những làng nghề, phường nghề với bàn tay khéo léo của những người thợ thủ công Thủ đô là điều không thể không nhắc đến mỗi khi nói về Hà Nội.

(Theo "Hà Nội trung tâm du lịch của Việt Nam")

Làng gốm ven bờ sông Hồng

Làng Bát Tràng nằm về phía đông nam thành phố, Cuối thế kỷ 14, làng Bồ Bát (Ninh Bình) và làng Ninh Tràng (Thanh Hoá) cùng di dân nghề gốm về đây và hợp tên thành Bát Tràng. Nǎm 1958, để lại một phần diện tích cho kên đào Bắc Hưng Hải mở cửa ra sông Hồng, làng rời đi khoảng 1/3 dân số sang ở đất làng Giang Cao láng giềng. Xã Bát Tràng hợp thành từ đó.


Truyền thống vǎn hoá và buôn bán

Làng có nhiều công trình vǎn hoá: đình, chùa, miếu nổi tiếng. Nhất là ngôi đình bề thế xây theo kiến trúc cổ, tu tạo lại đã hơn 300 nǎm, còn lưu được danh sắc dụ phong thành hoàng. Nhà vǎn chỉ lưu được danh sách 364 vị đỗ đạt khoa bảng từ tam trường trở lên. Qua sử sách và gia phả họ hàng, có 9 vị đỗ tiến sĩ, trong đó có một vị đỗ trạng nguyên.

Thời xưa làng không rộng, người làm nghề gốm còn ít, phần lớn dân làng buôn bán cau khô, nước mắm. Cau khô đưa từ Nam Định về bằng tàu thuỷ và chuyển tải qua làng bằng thuyền Nước mắm đưa từ nghệ An, Thanh Hoá bằng thuyền buồm theo đường biển ra Bắc và theo sông về thả neo buôn bán tại bến. Những người làm thuê khéo léo gánh trên vai những thùng nước mắm về từng nhà buôn.

Nhiều người cao tuổi còn nhớ câu phong dao: "Sống làm trai Bát Tràng...". Điều ấy trước hết nói lên sự tháo vát đảm đang của phụ nữ Bát Tràng có truyền thống nuông con chiều chồng. Quanh nǎm, khi trời còn mờ sáng, các bà, các chị với bị cói khoác vai, đã vội vã lên đường đi chợ xa. Hàng hoá thuê gánh, các bà vừa nhai trầu vừa hút thuốc cho quên đường dài và vui vẻ chuyện trò: "Ông thông, ông phán từ đây mà ra cả" vừa nói vừa vỗ tay vào bị với vẻ tự hào. Những gì các bà kiếm được hàng ngày đủ nuôi con cái ǎn học. Bằng con đường học vấn, nhiều người đã công thành danh toại và phục vụ cho nhiều ngành. Một số hoạt động nổi tiếng ở trong và ngoài nước. Trong khi ấy, con gái thường không được đi học vì nền nếp suy nghĩ nệ cổ "Chữ nghĩa sớm dẫn con cái mơ mộng và yêu đương".

Nǎm 1945, sau khi Pháp bị Nhật lật đổ (9-3), ở Bát Tràng, đông đảo học sinh từ các tỉnh, thành phố về quê nhà, cùng thanh niên tổ chức lực lượng vũ trang trong mặt trận Việt minh. Được nhân dân hậu thuẫn, thanh niên đã lật đổ chính quyền bù nhìn, lập chính quyền lâm thời, tham gia các hoạt động cách mạng trong huyện và thành phố chào mừng thắng lợi lịch sử Cách mạng tháng Tám. Trong quá trình giữ nước và làm nghĩa vụ quốc tế, nhiều thanh niên đã tình nguyện gia nhập quân đội nhân dân. 18 thương binh và 88 liệt sĩ của xã đã hy sinh xương máu ở chiến trường.

Nghề gốm sứ

langnghe_battrang.jpg (17067 bytes)

Photo: Xuân Tiến

Từ nǎm 1945 trở về trước, chỉ một số ít hộ gia đình làm gốm sứ và gạch. Trong thời chiến (1946-1954), một phần thợ chuyển ra vùng tự do tiếp tục sản xuất. Nghề gốm sứ được khôi phục nhanh khi hoà bình lập lại và có những bước phát triển ban đầu khi thành phố lập xí nghiệp nhà nước ở xã từ cuối nǎm 1959. Ban quản lý xí nghiệp tập trung động viên các nghệ nhân giỏi cải tiến kỹ thuật, sáng tác mẫu mã và phục hồi loại men truyền thống bị mai một lâu ngày. Xí nghiệp còn cung ứng nguyên liệu, giao nhiệm vụ cho sản xuất cho các hợp tác xã, hộ gia đình và quảng cáo bán hàng ở trong và ngoài nước.

Trong sự suy sụp chung của phong trào hợp tác hoá thời đổi mới (1991-1994), ngành thủ công gốm sứ Bát Tràng đã hướng nhanh sang cơ cấu kinh tế mới, đứng vững trong thị trường cạnh tranh gay gắt. Nǎm 1994, 62% của tổng số 2.803 hộ gia đình (khoảng 1.700 hộ) sản xuất đạt doanh thu ổn định, bình quân 30.000.000 đồng hộ/nǎm. Triển lãm hàng mỹ nghệ các nước ASEAN ở Thái Lan, hàng gốm sứ Bát Tràng với màu men phong phú, được nhiều người ưa thích.

Ngày nay, phụ nữ Bát Tràng không phải còn đi chợ xa xôi như trước. Rất nhiều chị đã cùng nam giới sản xuất và buôn bán hàng sành sứ. Nhiều người có cửa hàng bán buôn và làm dịch vụ phục vụ đông đảo người lao động. Con gái đã đi học. Nhiều nữ sinh đã học hết bậc phổ thông cơ sở và trung học. Một số đã bước vào ngưỡng cửa đại học.


Triển vọng của xã Bát Tràng

Bát Tràng có tiềm nǎng là một địa chỉ du lịch, hấp dẫn trong và ngoài nước với nghề cổ truyền tạo ra nhiều hàng gốm sứ đẹp, với khu làng cổ toàn nhà gạch kiên cố chống đỡ với lũ lụt hàng thế kỷ, với mạng đường nhỏ hẹp ngoằn nghèo gấp khúc thẳng góc mỗi chỗ ngoặt; cả với di tích cũ để lại vết tích mái nhà và đồ cổ ở sâu 5 - 10m dưới mặt đất. khu làng cổ, tờ báo Độc Lập đã được bí mật in từ cuối nǎm 1944. Khi Trung ương Đảng chuẩn bị cuộc Cách mạng tháng Tám nǎm 1945, ở đây cũng là nơi đã in bài quốc ca Tiến Quân ca của cố nhạc sĩ nổi tiếng Vǎn Cao được khắc trên bàn đá. Khu du lịch cần sự đầu tư thiết yếu cho cơ sở hạ tầng đầy đủ cả về vật chất và tinh thần, để đón khách du lịch đến bằng đường sông, hoặc đường đê.

Triển vọng ấy rất sáng sủa. Nhân dân Bát Tràng chắc sẽ không bỏ lỡ cơ hội để cải thiện đời sống của mình, góp phần đưa ngành gốm sứ Việt Nam tiến lên

Phạm Huy Thi


Cảm ơn bạn đã ghé thăm site của MIMOSATOUR! Bạn hãy để lại lời nhận xét (comment) của mình! Hoặc bạn cũng có thể đăng kí nhận bản tin RSS. Chúng tôi hy vọng bạn thích site này của MIMOSATOUR và tìm được những thông tin bổ ích, và nếu có thể hãy thêm địa chỉ site này vào favorites của bạn để có thể ghé thăm lại. Cám ơn!