Âm thanh Hà Nội
|
Từ thuở ấu thơ, tôi tắm mình trong những âm thanh dịu ngọt, ru tôi vào đời: tiếng mẹ ầu ơ, tiếng võng đưa kẽo kẹt trưa hè...Lớn lên, đó là tiếng đàn bầu thánh thót như rót vào lòng một nỗi niềm sâu lắng, là tiếng sóng Hồ Tây lao xao vỗ nhẹ mạn thuyền trong chiều vàng nắng, có tiếng nàng dìu dịu như gió thoảng bên tai. Song ấn tượng sâu đậm nhất trong suốt tuổi thơ tôi đến tận bây giờ là tiếng tàu điện leng keng, tiếng chổi tre chị lao công quét rác, tiếng ông lão lảnh lót "phá sa" trong đêm khuya thanh vắng.
Ngày ấy, nhà tôi ở phố Tôn Đản. Một phố nhỏ yên tĩnh đến lạ lùng. Tiếng ve gọi hè da diết. Hàng cây xanh sum xuê toả bóng mát xuống mặt đường và những ngôi nhà rêu phong. Đêm khuya, chỉ có tiếng gió và ánh điện vàng hiu hắt. Cuối thu trời se lạnh. Nằm cuộn tròn trong chǎn ấm. Có tiếng ông lão bán lạc rang quen thuộc vǎng vẳng cất lên từ đầu phố. Một thứ âm thanh vang, trong kéo theo những âm cuối cùng của nó lan toả như réo rắt, như mời gọi, như thấm vào lòng người : "Phá sa". Nhưng nghe kỹ hình như thoảng trong đó ẩn chứa sự khắc khoải, chịu đựng, kiên nhẫn và mệt nhọc của một ông già. Nó cứ thấm vào lòng tôi như vị lạc rang tuyệt vời của ông: mặn, ngọt, thơm, bùi, béo quện vào đầu lưỡi mà thấm vào ruột gan. Ông chỉ đeo tòng teng một cái thùng gỗ. Lạc được gói trong những tờ giấy cuộn thành hình cái phễu. Mới cầm gói lạc, mùi thơm của húng lìu. Gói lạc ấm nóng giòn tan. Nhâm nhi hạt lạc, vǎng vẳng tiếng rao của ông xa dần xa dần. Tiếng rao "phá sa" còn níu giữ âm thanh chưa dứt hẳn trên cái cần đàn là phố tôi thì tiếng chổi tre quét rác của chị lao công đã rào rạt nổi dần lên dưới đường. Phố Tôn Đản nhiều cây. Thu về đông tới lá vàng bay lả tả. Những trận gió đầu đông như trút lá xuống đường. Gió cứ vô tình đùa với lá để tiếng chổi tre của chị cứ thốt lên "Rào...rạt". Chiếc chổi dài, mềm mại trong tay chị cần mẫn nhịp nhàng khoan nhặt. Lúc khoan "rào" lúc nhặt "rạt"... Khi chị nhanh tay chổi rào rạt rào rạt tưởng như những con sóng vỗ về bờ cát.
Photo: Đinh Quang Thành |
Đêm nào cũng vậy, lá còn rơi, chị còn quét và tôi còn gặp chị. Con đường phố tôi sạch bong cho chân ai mát rượi đi về. Còn tôi, chìm dần vào giấc mơ cô Tấm và ông Bụt. Sáng sớm hôm sau tỉnh dậy trong tiếng chuông tàu điện leng keng ngoài hồ Hoàn Kiếm. Cái tiếng chuông leng keng trong suốt tuổi thơ tôi. Nó không háo hức như tiếng ve gọi hè, không giục giã như tiếng còi ôtô, không lao xao như tiếng sóng hồ thu ... Nó mộc mạc, giản dị đến nao lòng. Lũ học trò chúng tôi thường hay chờ tầu ở cái tháp nhỏ bên hồ Hoàn Kiếm để đi học, đi vớt thuỷ trần, đi lên Hồ Tây câu cá. Trên đường vào Hà Đông, tàu còn chui qua một cái nhà cầu. ở đây, người soát vé đi kiểm tra một loạt. Cái vé tàu điện cũng nhỏ bé xinh xinh. Lần đầu tiên tôi vào đại học, với một gia tài nhỏ bé trong cái ba lô cũng lên tàu điện đi Hà Đông để vào La Khê, nơi Đại học tổng hợp sơ tán lúc bấy giờ. Chuyến tàu sớm, từ Bờ Hồ đi chợ Mơ. Tiếng bánh sắt rít trên đường ray xoàch xoạch đưa mẹ tôi đi chợ, và đưa tôi đến trường. Những con tàu đi ra các cửa ô Đồng Xuân, Quán Thánh, Bưởi, Cầu Giấy, Vọng... cần mẫn miết vào thời gian những âm thanh chói gắt mà gần gũi với người Hà Nội. Những con tàu không bao giờ có cánh cửa hai bên sườn. Sàn gỗ, thành sắt. Ba bốn toa nối với nhau. Mỗi toa treo lơ lửng một bóng đèn dây tóc đỏ hoe. Cái cần điện vắt vẻo trên đầu toa như cái râu một chú ngựa già đung đưa một sợi dây chão để anh lái phu điều chỉnh cần vẹt. Toa cuối thường dùng cho mấy bà đi chợ: thúng mủng, rau dưa. tôm cua... Cánh học trò chúng tôi thường được miễn vé hoặc hay xin đi nhờ. Qua cổng trường như trường Chu Vǎn An, Trưng Vương là nhảy xuống. Lên xuống khi tàu đang chạy không phải là dễ và nhiều anh trong lũ chúng tôi đã phát triển thành nghệ thuật nhảy tàu.
Ôi những âm thanh rạo rực lòng người ... Song, với tôi, tiếng ông lão "phá sa", tiếng chổi tre chị lao công quét rác, tiếng tàu điện leng keng mỗi sớm mai về, đã gieo vào lòng tôi những dấu ấn không phai mờ. Đó là những âm thanh Hà Nội không thể nào quên
Hoàng Liễn
Cảm ơn bạn đã ghé thăm site của MIMOSATOUR! Bạn hãy để lại lời nhận xét (comment) của mình! Hoặc bạn cũng có thể đăng kí nhận bản tin RSS. Chúng tôi hy vọng bạn thích site này của MIMOSATOUR và tìm được những thông tin bổ ích, và nếu có thể hãy thêm địa chỉ site này vào favorites của bạn để có thể ghé thăm lại. Cám ơn!