Ca Huế Trên Sông Hương: Một thú chơi tao nhã |
| |
Đã có lúc tưởng chừng như Ca Huế chỉ còn được lưu lại trong dân gian bởi nhiều người duyên nợ với nó đã dần dà từ bỏ “kiếp cầm ca” của mình để đến với nghiệp khác...
Có thể, đó chỉ là lần trả giá cho một thời vàng son kéo dài hơn mấy trăm năm, để rồi qua cơn nguy kịch ấy mới định lại ngôi thứ trong dòng âm nhạc tân thời ? Và cũng có thể, sự èo uột trong thời gian đó là lẽ tự nhiên ở buổi giao thoa về một cơ chế mà không chỉ Ca Huế độc thân gánh chịu ?...
Nhưng rồi sóng gió cũng đã qua đi !
Sự đóng góp của Ca Huế trong những năm “mở cửa” cho ngành du lịch đã như một “sản phẩm đặc biệt”địa phương ?. Nó không chỉ gặt hái được nhiều kết quả vật chất mà còn góp phần vào việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc ở kinh đô xứa. Điều đó đã góp thêm vào niềm tin tự hào của Người Huế về quê hương mình – mảnh đất đã kết tinh một nền văn hoá độc đáo! mà nét nổi bật là văn hoá phi vật chất, trong đó có bộ môn nghệ thuật “Quan nhạc”: Chính là Ca Huế.
Ca Huế vừa tiếp thu phong cách văn chương tao nhã của Cung Đình, vừa tiếp thu những tinh hoa âm nhạc trong dân gian, tạo nên một thể loại âm nhạc đặc biệt. “Đó là sự kết hợp hài hòa của yếu tố chuyên nghiệp –“tri thức” trong cấu trúc và phong cách biểu hiện với nội dung âm nhạc dân gian”. Lời Ca Huế được phát triển trên mảnh đất thi ca đầy trữ tình. Vì vậy, khi đắm mình trong âm thanh của thể loại âm nhạc này, ta bắt gắp một nỗi buồn man mác, nhẹ nhàng...say đắm với dòng cháy tâm sự trong các điệu Nam, cùng với niềm vui và nét trang nghiêm trong các điệu Bắc. Do đó, Ca Huế đủ để ta cảm nhận “một thế giới quan” qua âm thanh với đầy đủ niềm vui và nỗi buồn nhè nhẹ mà trong sáng, lắng sâu trong sự thanh cao.
Đêm hoa đăng trên sông Hương
Người xưa kể rằng “Các bậc quyền quý thời phong kiến thường tổ chức nghe Ca Huế trên sông Hương vào những đêm trăng. Với chiếc thuyền trôi bồng bềnh, người hát – người nghe cùng tâm giao, tận hưởng hương vị ngọt ngào của thiên nhiên trong đêm vắng, thưởng thức âm thanh trầm, bổng của ngũ nguyệt và lời ca. Người nghe mải mê thêm ly rượu, tay tỳ lên chồng gối xếp đã phủ lớp vải lụa. Sau cuộc chơi, lớp vải lụa được ném xuống dòng sông như một sự “hào hiệp”của kẻ giàu có ?. Để rồi, lũ nhỏ xúm nhau bơi thuyền tìm vớt làm quà”.
Thú chơi ấy qua thời gian đã biến mất cùng với chế độ sản sinh ra nó. Nhưng Ca Huế thì vẫn còn đó với tất cả sự sang trọng của một loại hình âm nhạc Cung đình đã được bao nghệ nhân tài hoa chắt lọc, ươm trồng ?. Và ngày nay không chỉ tồn tại mà còn phát triển theo định hướng văn hóa đầy tính nhân văn.
Bởi vậy khi đến Huế, người ta không chỉ cốt xem sắc nước hương trời của núi Ngự, sông Hương, thăm những công trình kiến trúc cổ kính, vàng son của đền đài, lăng tẩm....Mà đến Huế, du khách còn có nhiều thứ thưởng thức khác! Trong đó nghe Ca Huế trên sông Hương là thú chơi tao nhã không thể bỏ qua.
Ca Huế trên sông Hương ngày nay đã trở thành một dịch vụ “đại trà” phục vụ khách thập phương. Có thể nói, đây là thời gian “nở rộ” mang tính phát triển “chiều rộng” nhưng phần nào vẫn giữ được sự tao nhã vốn có của nó ?. Chính vì vậy, đông đảo khách du lịch trong nước và quốc tế khi đến Huế đều tìm đến với “sản phẩm du lịch” nổi tiếng này.
Thuyền Rồng ngược dòng hương đưa du khách đến chùa Thiên Mụ hoặc trước bến Vân Lâu, thả thuyền trôi lững lờ theo dòng nước xuôi về Vỹ Dạ. Trong khoảng thời gian một giờ đồng hồ, với ban nhạc trên dưới 10 người (gồm nhạc công và ca sỹ) trang phục khăn đóng, áo dài kiểu Cung đình, lần lượt biểu diễn chương trình từ các làn điệu: Cổ bản, Phú lục, Tứ đại cảnh, Nam Bình, các điệu lý... và cuối cùng là “hò giã gạo” đầy vui vẻ nhộn nhịp của không khí đồng quê mang tính dân gian.
Phút chia tay, du khách cùng các nghệ sĩ vui vẻ thả những ngọn hoa đăng xuống sông Hương, cầu mong ngày gặp lại nhau trên bến sông này. Phải nói rằng, việc thả hoa đăng trên sông Hương đã tạo thêm sự lấp lánh về một mảnh đất thắm đượm lễ nghi đạo phật, lung linh thêm vẻ huyền ảo về dòng sông mang nhiều huyền thoại. Đó là nét rất riêng của Huế để khắc vào lòng du khách ấn tượng khó quên !.
Vẫn biết, Ca Huế trên sông Hương ngày nay đang còn đôi chút “thực dụng” đáng được luận bàn ?. Nhưng với sự tao nhã của nó đã tạo được vị trí xứng đáng trong món ăn tinh thần của khách du lịch. Đồng thời, góp phần xứng đáng vào công cuộc “Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc” của nước nhà. |
Cảm ơn bạn đã ghé thăm site của MIMOSATOUR! Bạn hãy để lại lời nhận xét (comment) của mình! Hoặc bạn cũng có thể đăng kí nhận bản tin RSS. Chúng tôi hy vọng bạn thích site này của MIMOSATOUR và tìm được những thông tin bổ ích, và nếu có thể hãy thêm địa chỉ site này vào favorites của bạn để có thể ghé thăm lại. Cám ơn!