Thứ Hai, 27 tháng 10, 2008

RỪNG NGẬP MẶN: CHIM BỒ NÔNG

Kỳ 7: Chim bồ nông

Chim Bồ nông hay còn gọi là Bồ nông chân xám mà người dân địa phương gọi là Chàng bè, có tên khoa học là Pelecanus philippinensis là một loài chim quý có tên trong sách đỏ Việt Nam ở cấp độ hiếm, đồng thời còn có tên trong sách đỏ thế giới, ở cấp độ bị đe dọa mức nguy cấp.

Bầy chim Bồ nông trong vuông tôm của ông Tư Na ở thị trấn Năm Căn - huyện Năm Căn.

Có thể nói đây là loài chim lớn nhất ở rừng ngập mặn Cà Mau với trọng lượng mỗi con từ 3 - 6kg. Chúng sống theo đàn, mỗi đàn từ vài chục con đến vài trăm con. Trong cuốn Địa chí Minh Hải, tác giả Trần Thanh Phương đã mô tả: “Chàng bè đồ sộ, to như con ngỗng, đậu oằn nhánh cây lớn, mỏ màu đỏ, to bằng cổ tay”. Điểm đặc biệt là không ai biết chim bồ nông sinh sản ở đâu, chỉ biết là vào mùa mưa - từ tháng 5 đến tháng 11 hằng năm, chim thường kéo về từng đàn săn mồi ở khu vực bãi bồi thuộc Vườn quốc gia Mũi Cà Mau và một số vuông tôm ở Năm Căn, Ngọc Hiển. Khi hết mùa mưa, chúng lại kéo nhau đi và đến mùa mưa năm sau lại về và đã trở thành quy luật. Ông Trần Quốc Tuấn - Giám đốc Vườn quốc gia Mũi Cà Mau cho biết, vào năm 2005 có một phái đoàn khoa học của Nhật Bản đến thăm Vườn quốc gia Mũi Cà Mau, tháp tùng với đoàn còn có tổ phóng viên của Đài Truyền hình Việt Nam, đoàn ra khảo sát bãi bồi đúng vào lúc có một đàn chim Bồ nông đông đến hàng ngàn con đang săn mồi trên bãi bồi, chúng dạn dĩ đến mức dù có la hét cỡ nào cũng không bay lên để cho phóng viên Đài Truyền hình Việt Nam quay phim. Cuối cùng phải dùng còi hụ của ca nô chúng mới chịu bay lên rợp cả một góc trời, làm nức lòng các nhà khoa học Nhật Bản.

Ông Nguyễn Văn Na (Tư Na) ở thị trấn Năm Căn, huyện Năm Căn có một vuông tôm khoảng 10ha, trong đó có 4ha rừng đước đã hình thành một sân chim với hàng chục loài - chủ yếu là cò với số lượng vài ngàn con. Ông đã gìn giữ và bảo vệ nghiêm ngặt nên chúng đã sinh con đẻ cái và ngày càng phát triển. Và điều đặc biệt là khoảng vài năm gần đây có một đàn chim Bồ nông khoảng trăm con về trú ngụ trong những tháng mùa mưa và chúng chỉ ở trong phần đất của ông mà không ở trên những miếng đất kế cận của những người khác. Ông cũng đã giữ gìn và bảo vệ chúng nghiêm ngặt. Ông cho biết, đã giăng câu bắt được hai con và đóng chuồng nuôi chơi và mỗi ngày phải cho mỗi con ăn 16 con cá phi (khoảng 2kg) mới đủ no. Nuôi được vài tháng thì kiểm lâm đến lập biên bản tịch thu vì đây là động vật hoang dã quý hiếm.

Tuy nhiên, không phải ai cũng ý thức được như ông Tư Na là giữ gìn và bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên do trời ban tặng, chỉ bắt vài con để nuôi làm kiểng chơi mà nhiều người đã dùng các loại bẫy kể cả thuốc độc để tận diệt các loài chim làm nguồn thực phẩm, nên chúng ngày càng bị mai một dần và những loài quý hiếm thì ngày càng quý hiếm hơn và có khả năng bị tuyệt chủng.

Hãy giữ gìn và bảo vệ các loài chim - chẳng những cho chúng ta mà còn cho cả con cháu mai sau. Đó là thông điệp xin gửi tới mọi người.


Cảm ơn bạn đã ghé thăm site của CÔNG TY DU LỊCH MIMOSA! Bạn hãy để lại lời nhận xét (comment) của mình! Hoặc bạn cũng có thể đăng kí nhận bản tin RSS. Chúng tôi hy vọng bạn thích site này của CÔNG TY DU LỊCH MIMOSA và tìm được những thông tin bổ ích, và nếu có thể hãy thêm địa chỉ site này vào favorites của bạn để có thể ghé thăm lại. Cám ơn!