Than đước ở Cà Mau có giá trị kinh tế rất cao, chỉ đứng sau than đá. Theo tài liệu thì nhiệt lượng của than đá là 8.000 calo thì than đước là 6.600 calo, nóng lâu và rất ít khói.
Ngày nay, khi nhiều nguồn năng lượng sạch ra đời như xăng, dầu, điện, khí ga… với giá rẻ và tiện dụng nên nguồn năng lượng than ít được chú trọng, nhưng xưa kia thì than được xem là số 1 và than đước ở Cà Mau được ví là kho vàng đen vô tận”.
Lò hầm than ở HTX hầm than 1-5, xã Tân Ân Tây, huyện Ngọc Hiển.
Theo tài liệu cũ thì từ năm 1932 - 1937 mỗi năm Cà Mau có khoảng 5.000 tấn than đước xuất khẩu sang Hồng Kông và từ năm 1938 - 1944, bình quân mỗi năm có 12.880 tấn than được sản xuất.
Cuối năm 1954, đầu năm 1955, bọn Diệm - Nhu bắt đầu với tay xuống Cà Mau để khai thác nguồn lợi than. Chúng thành lập công ty than đước Đắc Thành mà lúc bấy giờ bà con thường gọi là “công ty ăn giựt”. Nhiều chủ lò than bản xứ kết hợp với nhân dân tẩy chay công ty này và thành lập Hợp tác xã Than, quy định giá cả, không được chèn ép lẫn nhau, nhưng hoạt động được một thời gian ngắn thì bị tên tư sản ở Sài Gòn tên là Lâm Miên câu kết với Trần Lệ Xuân khai thác triệt để than củi ở vùng này. Chúng mở cúp và xây lò sản xuất than và năm 1959, đã sản xuất được 60.000 tấn than, những khu rừng nào chúng không quản lý được thì dùng chất độc hóa học hủy diệt. Hiện nay, tại Bảo tàng tỉnh Cà Mau còn lưu giữ lại một số than đước của Trần Lệ Xuân, đây là chiến lợi phẩm của quân và dân ta trong một lần đánh chìm tàu chở than của chúng từ Cà Mau lên Sài Gòn.
Xà lan từ các tỉnh bạn đến mua và vận chuyển gỗ đước tại huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau.
Khai thác gỗ đước ở LNT Kiến Vàng huyện Ngọc Hiển.
Xây dựng lò hầm than là cả một nghệ thuật, chỉ có người thạo nghề mới có thể xây được một lò than đúng tiêu chuẩn. Lò than thường được xây bằng gạch, hình bầu tròn, dày 30 phân, chiều cao khoảng 2 - 3m và có 1 cửa, có ống thông hơi để khói bay ra. Gỗ đước cắt còn khoảng 1m, cho vào lò dựng đứng, sau khi đốt lửa từ 4 - 7 ngày, người thợ ngửi và quan sát khói thì sẽ biết than trong lò đã chín hay chưa và quyết định bít cửa lò để chờ ngày lấy than.
Từ sau ngày giải phóng - 1975 đến nay, để bảo vệ và phát triển rừng, nhà nước địa phương đã cấm nghề hầm than hoạt động, nhưng khắp nơi đây đó trong rừng đước vẫn còn nhiều người lén lút hành nghề để mưu sinh, và đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến rừng đước Cà Mau ngày càng bị mai một.
Đến tháng 2-2006, huyện Ngọc Hiển mới cho phép thành lập HTX hầm than 1-5 với quy mô nhỏ để quy tụ những người làm nghề hầm than trái phép tập hợp lại thành tổ chức, có quản lý, tận dụng nguồn gỗ cho phép hầm than nhằm hạn chế việc chặt phá rừng trái phép. Hiện HTX có 37 xã viên với 60 lò, nếu sản xuất đồng loạt và liên tục thì mỗi tháng cho ra lò khoảng 180 tấn than, nhưng HTX chỉ sản xuất được vài chục tấn than/tháng để bán nhỏ lẻ cho khách địa phương và các ghe hàng do không đủ nguồn nguyên liệu, do thiếu vốn…
Tuy mới ra đời hơn 1 năm, nhưng HTX hầm than 1-5 đã nhận được rất nhiều đơn đặt hàng của các tỉnh bạn, của Tp.HCM lên đến hàng trăm tấn than mỗi tháng và thậm chí có đơn vị còn đặt hàng bột than để sử dụng cho công nghiệp hóa chất với số lượng lớn nhưng HTX không đủ nguồn hàng để cung cấp. Qua đó cho thấy trong thời buổi hiện nay, cây đước đặc biệt là than đước vẫn còn giá trị kinh tế rất cao.
Rừng đước Cà Mau ngoài những khu cấm khai thác nghiêm ngặt để bảo tồn thì còn lại rất nhiều khu rừng để kinh doanh, nếu thiếu ý thức, không phát huy được lợi thế từ nguồn lợi than đước là điều đáng tiếc!
Cảm ơn bạn đã ghé thăm site của CÔNG TY DU LỊCH MIMOSA! Bạn hãy để lại lời nhận xét (comment) của mình! Hoặc bạn cũng có thể đăng kí nhận bản tin RSS. Chúng tôi hy vọng bạn thích site này của CÔNG TY DU LỊCH MIMOSA và tìm được những thông tin bổ ích, và nếu có thể hãy thêm địa chỉ site này vào favorites của bạn để có thể ghé thăm lại. Cám ơn!