Thứ Hai, 27 tháng 10, 2008

RỪNG NGẬP MẶN : CÂY ĐƯỚC

kỳ 3: Cây đước

Cây đước là thành phần chính của rừng ngập mặn tỉnh Cà Mau. Đây là loài cây ưa mọc trên đất phù sa cận sinh, nhất là đất bùn mịn, có thủy triều lên xuống định kỳ, nước mặn hoặc lợ, khí hậu ấm áp. Đước là sắc mộc có giá trị cao nhất ở rừng ngập mặn Cà Mau.

Đước từ lúc ra hoa đến khi trái chín phải mất 6 tháng, trái đước nảy mầm từ lúc còn treo lơ lửng trên cây, khi rụng xuống được sóng biển trôi dạt khắp nơi, gặp nơi bùn lầy, trái đước trụ lại, rễ non bám vào phù sa, quá trình bén rễ cũng là quá trình nâng trái đước đứng thẳng lên. Sau 20 đến 25 ngày bám rễ trong đất, mầm đước đã có một búp non màu đỏ như lửa và xòe được hai lá xanh đầu tiên.

Hoa đước và trái đước.

Thu gom trái đước giống để trồng rừng.

Từ khi trái đước rụng xuống đến khi khai thác được gỗ phải mất khoảng thời gian 20 năm, độ cao trung bình của đước từ 20 - 25m. Độc đáo của cây đước chính là bộ rễ. Đước có 2 loại rễ: Rễ cọc và rễ phụ. Rễ cọc thì nhỏ nhưng cắm sâu xuống lòng đất, còn rễ phụ (còn gọi là chang đước) thì rất lớn, mọc tua tủa quanh gốc cây, bám sâu vào lòng đất nhão, chính vì vậy mà cây đước luôn đứng vững trên đất sình lầy, gió rung chẳng chuyển, bão lay chẳng sờn.

Đước là loài cây có nhiều giá trị sử dụng: Làm cột nhà, xẻ ván, làm cột đáy bắt tôm cá và đặc biệt là than đước có giá trị kinh tế rất cao, năng lượng tỏa nhiệt chỉ sau than đá.

Ngoài ra, vỏ đước còn có hàm lượng ta-nanh rất cao, là đối tượng chú ý của ngành công nghiệp thuộc da, công nghiệp chế tạo thuốc nhuộm và công nghiệp làm giấy cao cấp…


Bộ rễ đước.

Cây đước khi đã mọc thành rừng thì không có một loại cây gì có thể chen vào sống chung được nên rừng đước thường có sự phân chia lãnh địa riêng lẻ: đước ra đước, mắm ra mắm, chà là ra chà là… chúng sống chung trong môi trường là đầm lầy ngập mặn chứ không sống chung bên cạnh nhau. Đây cũng là điểm khác biệt của rừng đước so với các loại rừng khác.

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, cùng với rừng tràm, rừng đước Cà Mau là căn cứ địa cách mạng, là đầu não kháng chiến không những của Cà Mau mà còn là của các tỉnh miền Tây Nam Bộ.

Nếu như cây tre là biểu tượng của làng quê Bắc Bộ thì cây đước, rừng đước là biểu tượng và là niềm tự hào của Cà Mau, bởi ngoài giá trị lâm sinh, nó còn gắn liền với lịch sử và văn hóa của một vùng đất - vùng đất Cà Mau như nhà thơ Tố Hữu đã viết:

“Đước đã mọc thành rừng gỗ cứng
Gió càng lay càng vững thành đồng”.

Cảm ơn bạn đã ghé thăm site của CÔNG TY DU LỊCH MIMOSA! Bạn hãy để lại lời nhận xét (comment) của mình! Hoặc bạn cũng có thể đăng kí nhận bản tin RSS. Chúng tôi hy vọng bạn thích site này của CÔNG TY DU LỊCH MIMOSA và tìm được những thông tin bổ ích, và nếu có thể hãy thêm địa chỉ site này vào favorites của bạn để có thể ghé thăm lại. Cám ơn!