Thứ Hai, 27 tháng 10, 2008

RỪNG NGẬP MẶN : DỪA NƯỚC

Kỳ 5: DỪA NƯỚC

Cùng với cây đước, cây mắm thì cây dừa nước là một trong những thành phần chính của rừng ngập mặn Cà Mau. Nó sống được cả nước ngọt, nước lợ, nước mặn, nhưng phổ biến nhất là nước lợ - theo ven sông, nơi có nước thủy triều lên xuống.

Dừa nước ven đầm Bà Tường

Dừa nước là loài cây không chỉ quen thuộc ở Cà Mau mà còn ở nhiều tỉnh Nam Bộ. Nó không mọc tập trung thành rừng như cây đước, cây mắm mà mọc dài theo ven sông, kinh rạch. Thân mọc thẳng đứng từ dưới bùn lên rất hiên ngang, có tác dụng rất lớn trong việc chống xói lở, giữ đất. Trung bình lá dừa nước dài từ 4-5m, nơi nào tốt thì dài từ 7-8m. Trái dừa nước ra thành từng buồng hình cầu, màu nâu, trái non có phôi nhũ ăn rất ngon như trái thốt nốt. Trái khi già tự rụng, theo dòng nước trôi dạt vào bờ hoặc bãi bùn sẽ mọc mầm và phát triển, khoảng 3 năm sau thì cho thu hoạch lá. Mỗi bụi khi thu hoạch, chừa lại vài lá non và khoảng 6 tháng sau thì những lá non đó sẽ phát triển thành một bụi dừa nước xanh tốt. Ở Cà Mau, xưa kia người dân lợp nhà chủ yếu bằng lá dừa nước, vách cũng dừng bằng lá dừa nước. Do vậy, cây dừa nước có giá trị kinh tế khá cao, là nguồn huê lợi chính của rất nhiều hộ gia đình. Ngày nay, khi điều kiện kinh tế phát triển, nhiều nguồn vật liệu bền chắc ra đời, những mái nhà lá xưa kia được thay thế bằng những mái nhà ngói, nhà tol, thậm chí cả nhà lầu. Tuy nhiên, đối với người nghèo thì những mái nhà được lợp bằng lá dừa nước vẫn còn hiện hữu.

Có một điều rất lý thú là các bộ phận của cây dừa nước có rất nhiều tên gọi khác nhau như: Tàu lá, bụp bè (phần gốc của tàu lá), cà bắp (chồi non), bông phèn (hoa), trái dừa nước - mang đậm đặc trưng của Nam Bộ.

Bông dừa nước


Trái dừa nước

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và đánh Mỹ, rừng dừa nước là nơi che giấu ghe xuồng, nơi ẩn nấp của đồng bào, du kích và chiến sĩ ta để chiến đấu với kẻ thù. Trong cuốn sách Đường Hồ Chí Minh trên biển có kể lại một câu chuyện cảm động như sau: Vào những năm kháng chiến chống Mỹ, khi tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển được khai thông, nhiều ghe tàu vận chuyển vũ khí vào Nam hoàn thành nhiệm vụ, khi trở ra Bắc không hiểu vì lý do gì mà nhiều tàu lại mang theo dừa nước và vô tình phát tán nơi các bến cảng tàu của đơn vị neo đậu, nhiều bụi dừa nước mọc lên ở các bãi bồi ven sông ở Hải Phòng, Thanh Hóa. Nhiều học sinh miền Nam tập kết ra Bắc phát hiện và cứ chiều chiều lại kéo ra ven sông ngắm dừa nước, có người quả quyết rằng đây là dừa nước Nam Bộ. Sợ bị lộ, các cấp chỉ huy ra lệnh chặt bỏ hết, nhiều học sinh miền Nam đã khóc khi không còn thấy dừa nước - hình bóng của Nam Bộ, hình bóng của quê nhà.

Qua đó cho thấy, cây dừa nước quen thuộc và gắn bó với Nam Bộ, với Cà Mau biết chừng nào.

“Mắm trước, đước sau, tràm theo sát
Sau hàng dừa nước, mái nhà ai?”.
Cảm ơn bạn đã ghé thăm site của CÔNG TY DU LỊCH MIMOSA! Bạn hãy để lại lời nhận xét (comment) của mình! Hoặc bạn cũng có thể đăng kí nhận bản tin RSS. Chúng tôi hy vọng bạn thích site này của CÔNG TY DU LỊCH MIMOSA và tìm được những thông tin bổ ích, và nếu có thể hãy thêm địa chỉ site này vào favorites của bạn để có thể ghé thăm lại. Cám ơn!