Thứ Hai, 29 tháng 9, 2008

NGƯỜI SÀI GÒN

NGƯỜI SÀI GÒN
Thành phố Sài Gòn, nay là Thành phố Hồ Chí Minh, đã 300 tuổi, liệu đã thành tạo một "Người Sài Gòn" chưa? Sài Gòn trong thời cận hiện đại cũng là một trung tâm văn hóa - kinh tế lớn của đất nước và khu vực, 300 năm văn hóa có chăng đã kết tụ một "người Sài Gòn".
"Gia Định thành thông chí" của Trịnh Hoài Đức viết vào khoảng năm 1820, có đoạn "Vùng Gia Định nước Việt Nam, đất đai rộng, lương thực nhiều, không lo đói rét, nên dân ưa sống xa hoa, ít chịu súc tích, quen thói bốc rời, Người tứ xứ, nhà nào tục nấy. Đất thuộc sao Dương Châu, gần Mặt trời, khí hậu nóng bức, nên người Gia Định trọng tiết nghĩa...". Ở đoạn tiếp sau, viết: "Gia Định có vị trí nam phương dương minh, nên người khí tiết trung dũng, trọng nghĩa khinh tài rất nhiều, giai nhân mỹ nữ cũng lắm..."
John White, một du khách người Anh đến Sài Gòn vào đầu những năm hai mươi của thế kỷ mười chín. Khi trở về Luân Đôn, năm 1824 ông cho xuất bản sách "A voyage to Cochinchina", trong sách, ông ghi lại một số cảm nhận của người dân ở Sài Gòn: "Nhiều phụ nữ đẹp rất đúng mực và có nước da đặc biệt tươi sáng, cử chỉ của họ rất quyến rũ mà không có gì là thiếu đứng đắn...". Sau khi đi dạo phố về, tác giả viết: "Chúng tôi rất thỏa mãn về tất cả những gì chúng tôi nhìn thấy, mang theo cảm tưởng tốt đẹp nhất về phong tục và tính tình của dân chúng. Những sự ân cần, lòng tốt và sự hiếu khách mà chúng tôi thấy đã vượt quá cả tất cả những gì mà chúng tôi đã quan sát đến nay tại các quốc gia châu Aá, khiến chúng tôi không thể tưởng tượng một dân tộc như vậy lại có thể khác được..."
Năm 1937, nhà văn Hồ Biểu Chánh, một thời nổi tiếng ở miền Nam với lối hành văn "rất Nam bộ" đã miêu tả lại cảnh chợ đêm ở Sài Gòn, có cảnh như sau: "Tại các cửa lớn, người ta tụ lại chật nức, trai chải đầu láng mướt, gái thoa môi đỏ lòm, già ngậm thuốc điếu phì phà khói bay tưng bừng, mẹ dắt tay bầy con, đứa chạy trước nghinh ngang, đức theo sau núc ních, kêu nhau inh ỏi, tốp chen lấn mua giầy, tốp ùng ùng vô cửa, người mặc y phục đàng hoàng, chung lộn với kẻ bình dân lao động không ai ngại chi hết, mà coi ra thì trên gương mặt mỗi người đều có vẻ hân hoan hớn hở..."
Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh cũng giống với Hà Nội, là nơi quy tụ của nhiều nguồn người dân. Hà Nội là chốn kinh kỳ, thuở xa xưa bốn phía là bốn trấn, Hà Nội dân bốn trấn về làm ăn sinh sống, cái mà dân gian gọi là "dân tứ chiếng". Đất Sài Gòn xưa cũng là nơi quy tụ của dân từ nhiều nơi trong nước. Sách Phủ biên tập lục của Lê Quý Đôn cho biết chúa Nguyễn đã chiêu mộ những người "có vật lực" từ xứ Quảng Nam, xa hơn là Trung và Bắc Trung bộ đến khẩn hoang lập ấp. Người đến Sài Gòn trong buổi ban đầu ấy đủ các thành phần, những người "có vật lực", nông dân nghèo đói vì mất đất, mất mùa vì chiến tranh, thợ thủ công, thương nhân tìm nơi làm ăn buôn bán, binh lính đồn trú, quan lại được bổ nhiệm (phần nhiều trong số này đến vùng Sài Gòn - Gia Định thường là bị Nhà nước "kỷ luật"), những tội nhân bị lưu đày, và cả những tội phạm trốn tránh truy nã và cả những kẻ du đảng... Các "tứ chiếng" của Sài Gòn "rộng" đến như vậy, có khác với Hà Nội.
Một cái "tứ chiếng" khác nữa của Sài Gòn - Gia Định mà Trịnh Hoài Đức, trong sách của mình, gọi là "tứ phương tạp xứ", ấy là không chỉ người Việt, Sài Gòn là nơi quy tụ của nhiều người, từ nhiều quốc gia khác đến. Về mặt địa lý, Sài Gòn nằm trên một ngã tư quốc tế, các con đường hàng hải thế giới từ Bắc xuống Nam và từ Đông sang Tây đều cách Sài Gòn không xa. Nếu lấy một bán kính khoảng 2.500 km, thì Sài Gòn trở thành trung tâm điểm của khu vực Đông Nam Aá, tiếp cận với Đông Aá. Trịnh Hoài Đức đã viết: "Tại hai huyện Bình Dương và Tân Long, dân cư trù mật, phố chợ liền lạc, nhà cột, nhà ngói liên tiếp nhau, nói nhiều thứ tiếng như Phước Kiến, Quảng Đông, Triều Châu, Hải Nam và các thứ tiếng phương Tây, Xiêm La... Tàu biển đến buôn bán qua lại, cột buồm liên tiếp, tụ tập cả trăm thứ hàng hóa, là nơi đô hội lớn ở Gia Định, cả nước không đâu bằng...".
Xin lưu ý, Sài Gòn và Hà Nội cũng là nơi quy tụ người bốn phương, "tứ xứ", nhưng cái diện quy tụ của Sài Gòn rộng hơn, đa dạng hơn. Sài Gòn có khác Hà Nội, nếu Hà Nội là một đô thị mang tính hướng nội, thì Sài Gòn vừa là đô thị vừa là một bến cảng quốc tế, có xu hướng "mở". Vào giữa thế kỷ XIX, Pallu de la Barrière, cũng là một người phương Tây, đến thăm Sài Gòn đã nhận xét: "Hàng ngàn con thuyền chen chúc vào bờ sông và tạo thành một thành phố nổi nhỏ. Người An Nam, người Âấn và người Tàu, vài người lính Pháp và Tagal (Phi Luật Tân) đi đi lại lại tạo ra một quan cảnh lạ lùng...".
Trong số những người nước ngoài đến Sài Gòn sớm nhất và đông nhất phải kể đến là người Trung Hoa, mà con cháu của họ hôm nay đã hội nhập vào cộng đồng các dân tộc Việt Nam với tên gọi "người Hoa" và là công dân Việt Nam. Đó là những người ở duyên hải phía Nam Trung Hoa, bao gồm nông dân, thợ thủ công, thương nhân, quan lại, binh lính... Họ đến Sài Gòn - Gia Định với nhiều lý do, mà chủ yếu là tìm đất sống, vì không chịu thần phục chính quyền đương thời, đặc biệt là một số quan lại binh lính của TrầnThượng Xuyên, Dương Ngạn Định hy vọng có dịp "phản Thanh, phục Minh". Những di dân người Hoa không chỉ góp phần tích cực cho sự hình thành và phát triển thành phố Sài Gòn xưa, mà còn góp phần vào sự định hình "con người Sài Gòn". Những yếu tố văn hóa Hoa trong văn hóa Nam Bộ có khác với Bắc Bộ, bởi tác động của những lưu dân người Hoa này. Những yếu tố văn hóa từ bên ngoài tác động vào Sài Gòn trong thời gian đầu phải kể đến trước tiên là văn hóa Trung Hoa từ những lưu dân người Hoa nhập cư. Trịnh Hoài Đức đã nhận xét: "Gia Định là đất Việt Nam mới khai thác, lưu dân nước ta cùng với người Đường (...), người Tây Dương (tức các nước Pháp, Anh,... các nước ở châu Âu khác), người Cao Miên, người Java, Malai... chung sống với nhau đông đảo và phức tạp...".
Nửa thế kỷ hơn, trước khi Sài Gòn ra đời, những lưu dân người Việt đầu tiên đó không phải sống đơn độc. Đất Sài Gòn - Gia Định trước năm 1689 không phải hoang hóa, những nhà Sử học, Khảo cổ học, Dân tộc học đã chứng minh sự hiện diện một lớp cư dân cổ, nhưng cư dân bản địa, mà con cháu họ sau này này là các dân tộc ít người còn ở Đông Nam Bộ như Khmer, Stiêng, Mạ, Châu Ro... Định cư và khai thác mảnh đất Sài Gòn - Gia Định, lúc ban đầu, những lưu dân người Việt hẳn đã gặp gỡ và chung sống với các dân tộc ít người này trong một số thời gian dài. Quan hệ lưu văn hóa giữa người Việt và các dân tộc anh em đã góp vào việc hình tạo "người Sài Gòn" từ thuở ban đầu.
Để hình tạo một "người Sài Gòn", không thể không nói đến môi sinh địa lý của Sài Gòn. Cái khác nhau của con "người Hà Nội" và "người Huế" cũng là cái khác nhau của thiên nhiên, địa lý hai nơi đó, cái khác nhau giữa sông Hồng và sông Hương, khác nhau giữa một vùng thuộc trung tâm đồng bằng Bắc Bộ, và vùng đất núi đồi xứ Huế - Trị Thiên... Sài Gòn có cái thiên nhiên riêng khác so với Hà Nội, Huế. Sài Gòn gần đường xích đạo, nói như Trịnh Hoài Đức là "Gia Định có vị trí Nam phương dương minh...". Sài Gòn thuộc khu vực nhiệt đới gió mùa, nên độ nóng và ẩm cao, thuận lợi thực động vật sinh sôi phát triển. Khí hậu Sài Gòn có hai mùa rõ rệt: mưa và khô. Về mặt cấu tạo địa chất, Sài Gòn nằm trên giới phân tuyến vùng Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long, nơi tiếp giáp đồi núi và đồng bằng, nên có vùng đất cao ở phía Bắc, còn phía Nam và Đông Nam đất thấp dần, có nhiều kinh rạch đầm lầy. Sông Sài Gòn là dòng sông trẻ, nối Sài Gòn với biển. Nhờ sông Sài Gòn, nên thành phố Sài Gòn nằm sâu trong nội địa hơn 60km mà vẫn là một cảng biển lớn, thuận tiện cho tàu biển ra vào. Sông Sài Gòn và hệ thống kênh rạch thành phố chịu ảnh hưởng rõ rệt của thủy triều. Chính cái thiên nhiên của Sài Gòn đó, ảnh hưởng sâu đậm đến nếp sống, phong cách của người Sài Gòn. Ở đây, ông Trịnh Hoài Đức có lý khi viết: "phương Nam thuộc quẻ Ly, hành hỏa, là quẻ có tượng khí văn minh, cho nên nơi đây kẻ sĩ thì chuộng điều nghĩa, quý việc học hành, người dân thì siêng năng trồng trọt chăn nuôi, làm nghề thủ công và buôn bán. Tuy nhiên, địa cực phương Nam chịu ảnh hưởng của sao Dương châu Dương tức phát dương, chỉ tính khí nóng nảy, bồng bột, nông nổi...".
Thế nếu có "người Sài Gòn", thì người Sài Gòn đó là như thế nào?
Quả thực đem câu hỏi này, hỏi người Hà Nội, người Huế, e cũng khó trả lời rành rẽ. Ông Trịnh Hoài Đức và sau này là Nguyễn Đình Chiểu đã đôi lần khẳng định cái đặc sắc của người Sài Gòn, ấy là "Trọng nghĩa khinh tài!". Quả thực để nói về tính cách, đặc điểm của một "con người" không dễ, có cái chung và cái riêng. Cái chung ấy, dù là người Hà Nội, người Huế, hay người Sài Gòn cũng đều là người Việt Nam cả, còn cái riêng là cái để nhận biết của mỗi người. Cái riêng của người Sài Gòn là thể hiện của cái chung trong điều kiện tự nhiên, xã hội và lịch sử của vùng đất Sài Gòn. Những dòng viết này tôi không hướng tới một lý giải về người Sài Gòn. Ở đây, tôi chỉ nêu hai ý nhỏ, góp vào việc tìm hiểu người Sài Gòn:
- Sài Gòn là một thành phố "mở" trẻ và năng động, vì vậy, con người Sài Gòn không dừng lại ở sự định hình, mà còn tiếp tục hoàn thiện và thích ứng. Những nhìn nhận về người Sài Gòn phải được đặt trong trạng thái động, không ngừng phát triển.
- Tôi nghĩ rằng, người Huế không phải là điển hình cho người miền Trung, người Hà Nội vẫn chưa phải là tiêu biểu cho người phía Bắc. Bởi lẽ, miền Bắc và miền Trung tính địa phương khá đa dạng và không đồng nhất, mà Hà Nội và Huế có thể được xem như một trong những địa phương đó. Trái lại, người Sài Gòn, trong một chừng mực nhất định, có thể nói là tiêu biểu cho tính cách Nam Bộ nói chung,
hoặc giữa cái gọi là người Sài Gòn vời người Nam Bộ không có sự phân biệt mấy về tính cách. Nghiên cứu người Sài Gòn cần thiết phải đặt trong cái chung Nam Bộ.

CON GÁI SÀI GÒN

Có người hỏi làm sao để phân biệt một nhỏ Sài Gòn với miền khác. Dễ ợt, nhìn vào gương mặt và nước da chứ làm sao nữa. Con gái Sài Gòn có khuôn mặt thanh thanh, xương dài (thon thon), đôi mắt thì lém lém, hơi tinh ranh chút. Nét mặt này khác xa với cô gái Hà Nội sắc sảo mặn, khác o Huế với nét thanh trầm buồn buồn trong “chất” Huế. Nước da con gái Sài Gòn cũng khác với làn da trắng hột gà bóc của con gái Hà Thành kẻ chợ, khác luôn làn da trắng hồng hào, gò má hây hây đỏ của cô gái cao nguyên Đà Lạt. Làn da của con gái Sài Gòn cũng chẳng “mặn” màu bánh mật như các chị các em gái áo bà ba miền Tây, con gái Sài Gòn mang nước da nhẹ hơn, thăm thắm hồng…có thể nói đây hông phải là ưu điểm của con gái Sài Gòn so với các vùng khác. Nhưng… người con gái Sài Gòn cũng như đứa con tắm trong dòng Sài Gòn Giang quanh thành phố mà khác với một sông Hồng nơi đất thủ đô, một Hương Giang trầm ngâm nơi Thần kinh đất Huế, hay con sông chính rồng ôm lấy cả miền Tây kia; các cô luôn mang một nét đặc trưng rất riêng biệt của người Sài Gòn. Cô gái Bắc bán buôn tháo vát, khéo ăn khéo nói – O Huế với chiếc áo dài tím và nón lá bài thơ thường kín đáo, ít bộc lộ tâm tư mình cho người khác biết, còn con gái Sài Gòn ? Cũng như những người thiếu nữ Nam Bộ khác, cô gái Sài Gòn có trong tính cách mình sự dạn dĩ và bình dị. Cái dạn dĩ ở đây đồng nghĩa với thái độ tự nhiên của các cô trong giao tiếp, trong trò chuyện. Đó chẳng phải là thái độ giữ kẻ đến mất tự nhiên, mà là chất “nhựa” vốn chảy trong dòng máu của hậu duệ những con người đi khai hoang mở đất những ngày đầu tiên. Họ bình dị trong lối sống và cách xử sự. Chính điều này tạo cho người đối diện một cảm giác thỏai mái dễ chịu khi tiếp xúc. Nếu như ngày xưa, người con gái Nam Bộ, Đồng Nai – Gia Định “đẹp” trong mắt người miền khác với chiếc áo bà ba đặc trưng thì nay, tiếc là áo bà ba ít khi còn thấy xuất hiện giữa lòng thành phố khói bụi tất tả với nhịp sống nhanh của một đô thị đang phát triển.( nhưng thấy các Bà người già và thiếu nữ hay mắc ah nha ). Có thấy, họa chăng đó là bóng dáng của vài chị gánh hàng rong với giọng rao ngọt lịm “Ai chè bà ba nước dừaaaa…”, của vài cô dì bán hàng ngoài chợ, và của những người bà bồng bế vài đứa cháu hát nho nhỏ dăm câu ru giấc ngủ…Giữa lòng Sài Gòn, giữa những dòng xe mịt mờ khói, con gái Sài Gòn “đẹp” một cách khác với các kiểu áo quần mà dám nói chẳng nơi nào trên đất nước mình “chạy” thời trang nhanh bằng. Muốn biết giờ bọn trẻ mặc áo quần gì, mốt thế nào, thời trang ra sao, chẳng khó. Cứ chiều chiều tối, nhất là những ngày cuối tuần, xách xe lòng vòng về hướng Trần Hưng Đạo ra quận 5 Chợ Lớn – China Town là “mãn nhãn” liền. Nói vậy ra, nhìn con gái Sài Gòn cũng là nhìn một mặt của đất Sài Gòn vậy. Áo quần xe xua vậy đó, mà không hiểu sao vẫn thích nhất chuyện được ngắm con gái Sài Gòn trong áo dài trắng. Hồi lâu rồi, có lần nói chuyên cùng nhỏ bạn ở Hà Nội. Nhỏ hỏi “Thế trong ấy các bạn nữ mặc gì đi học?” – Đáp “Thì áo dài chứ gì.” - Hỏi tiếp “Mặc áo dài suốt á ?” – lại đáp “Ừ…chứ sao nữa.” ah mà có khắc con gái sài gòn mặc áo thoải mái hơn bởi vì sài gòn có 2 mùa mưa náng mặc gì cũng thích – “Ngoài này thì khác cơ. Thế muốn diện đồ đẹp thì sao ?” – Lúc đó chỉ cười. Diện đồ đẹp, đồ mới thì có cả ngàn dịp để diện đó chứ, cần gì phải đến trường. Ở Sài Gòn và miền Nam, do chẳng chịu cái lạnh như Hà Nội và miền Bắc, nên chỉ không được diện mỗi áo lạnh, áo gió, áo len mà thôi. Nữ sinh Sài Gòn bây giờ cứ vào phổ thông trung học là áo dài trắng tinh mà lượn lờ khắp mọi con đường. Lúc còn chưa được học phổ thông, còn bé xí, mỗi dịp ngang qua các trường cấp III, lại hay thả hồn mơ màng nhìn theo các “chị” áo trắng tung tăng. Đến lúc học phổ thông trung học, chuyện ngày ngày ngắm các bạn nữ điệu đàng trong tà áo dài đến lớp trở thành quen thuộc quá đỗi. Quen đến mức cứ như là đó là chuyện hiển nhiên phải có trên đất Sài Gòn vậy. Đến lúc bị…đuổi khỏi bậc phổ thông, mỗi giờ tan trường, ngang qua nơi những tà áo trắng bay bay, ai không có chút xao xuyến quen thuộc chứ ? Con gái Việt Nam chỉ đẹp khi mặc áo dài áo bà ba, con gái Sài Gòn cũng vậy thôi… Hồi còn đi học,hay ở xóm vẫn hay nghe các bà hay tụi con trai nói những câu như thế này :
Đèn Sài Gòn ngọn xanh ngọn đỏ
Gái Sài Gòn cái mỏ cong cong

Chuyện con gái Sài Gòn “mỏ” có cong không thì hông biết, chỉ biết con gái Sài Gòn có cái dẫu môi cong cong dễ làm chết người lắm, nhất là khi cánh môi be bé ấy cong lên một chữ “hông” khi đứa con trai rủ rê đi đâu, năn nỉ gì đó. Mà con gái Sài Gòn có điệu đà, õng ẹo chút thì mới đúng thiệt là con gái Sài Gòn. Ai mà chẳng biết vậy. Gọi đó là cái duyên ngầm của người con gái đất Gia Định cũng chẳng có gì sai. Ai hiểu được sẽ thấy sao mà yêu mà thương đến vậy thôi.

Ký họa bản sắc người Sài Gòn

Đã viết 30 tác phẩm (và 40 cuốn đứng tên chung) kể cả nghiên cứu địa bạ, địa chí, lịch sử đất đai VN, ông Nguyễn Đình Đầu sắp vào tuổi 90.
Ông trả lời phỏng vấn Báo Người Đô Thị trong chuyên đề “Nhận định bản sắc, phát triển tiềm năng”.
Vẫn tiếp tục các công trình quan trọng dù “những người quan tâm vấn đề tôi làm là rất ít” và “khá chắc là tôi không đủ thời gian hoàn thành được”.
Chúng tôi tìm đến ngôi nhà ở đường Thủ Khoa Huân – Sài Gòn của ông, trang trí bằng nhiều bản đồ địa lý cổ xưa nhất, để nghe chuyện về người Sài Gòn sau bao vật đổi sao dời.
Ai là người Sài Gòn
. Thưa ông, tại sao có sự tồn tại trái ngược trong tính cách Sài Gòn: giàu có, giỏi giao thương buôn bán mà lại thật thà tình cảm, trọng chữ tình?
- Nhà sử học Nguyễn Đình Đầu: Nói thế là đúng đấy. Xã hội miền Nam có thị trường sớm nhất, làm chuyển đổi cơ cấu kinh tế Việt Nam. Giao thương, biết tiếng ngoại quốc nhiều hơn các nơi khác. Sau 50 năm, sản xuất thừa ba thứ: gạo, đường, muối, trong một đất nước trước kia làm đâu ăn đó, mất mùa, đói. Cơ sở của Việt Nam là làng (ta hay nói làng nước). Làng Bắc, Trung ở trong lũy tre. Miền Nam không có, vì địa lý không giống. Cởi mở, phóng khoáng, không khép kín. Vì đất mới khai phá, tranh đấu với thiên nhiên nên họ trọng nghĩa khí và linh đạo là vậy. Miền Nam có nhiều giáo phái: Cao Đài – Hòa Hảo, Phật giáo miền Tây, Đạo Lành... Về tâm linh cũng đặc sắc. Đi xa lập nghiệp nên phải đoàn kết từng nhà. Thuận vợ thuận chồng tát bể Đông... đi đường dài phải thuận. Vùng đất mới, lưu dân, phong phú về phương diện dân tộc, bản địa. Ngay khi Pháp chiếm cũng phải giữ phần nào văn minh người Nam, có luật riêng. Nam Bộ thuộc địa trong khi Bắc – Trung Bộ bảo hộ. Cho nên con người đặc sắc, nhiều tính chất.
. Theo góc độ nghiên cứu của ông, thì ai được coi là người Sài Gòn?
- 310 năm, Sài Gòn là đất mới. Có ai sinh trưởng ở Sài Gòn trước đó đâu. Đồng bằng sông Hồng sông Mã – cái nôi dân tộc Việt Nam. Các chúa Nguyễn Nam tiến cho tới 1698 bắt đầu Nam Kỳ một thực thể 6 tỉnh. Cách 200 năm, chỉ có 1 triệu người. Dân tộc bản địa phong phú. Nhiều người Hoa – những người Minh Hương chống nhà Thanh. Một số người Khơme, Chăm vùng Long Xuyên, Châu Đốc. Một ít người thiểu số. Vì thế nên miêu tả người Sài Gòn phải có đặc trưng nhiều giai đoạn.
Phác họa chân dung nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu
Sài Gòn đô thị: Hình lõi sẽ giãn nở
. Thưa ông, người Sài Gòn – người đất mới mở cửa, dung nạp dễ, hòa đồng, vì sao có rất nhiều mối dây liên lạc hội đồng hương?
- Sài Gòn đông dân nhất. Cho đến 1945 là nhất Đông Dương. Nhưng con người Sài Gòn vẫn luôn giữ tinh thần nào đó hướng về quê cũ. Lúc chưa có công đoàn, họ đã có hội ái hữu nghề nghiệp. Ở Sài Gòn có lúc có tới 40-50 nghĩa trang đồng hương như miền Bắc, miền Trung, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cần Thơ... Cụ Phan Chu Trinh cũng được chôn cất trong nghĩa trang một tỉnh. Kiểu như chùa Nghệ sĩ bây giờ cũng là tinh thần nghề nghiệp đó. Khi nghiên cứu tỉ mỉ về chỗ ở, nghề nghiệp, mới hiểu rõ về trọng nghĩa khinh tài, những đặc trưng văn hóa gốc gác, nghề nghiệp của người Sài Gòn.
. Phố xá xưa kia ra sao, thí dụ nơi ta đang ngồi ở đây, nhà ông, thuộc phường Bến Thành, quận 1. Người Sài Gòn xưa sinh sống ở đây thế nào?
- Ta đang ngồi là chỗ ở của người Chà (Ấn Độ), nay đi hết. Nhà này tôi sang lại của một người Ấn. Tất cả dãy Lý Tự Trọng, Thủ Khoa Huân... cũng vậy, nên mới có chùa Bà Đen ở đường Trương Định. Các khu khác như phía trái Dinh Độc Lập người Pháp ở, gọi là trên đồi. Chợ cũ, đường Võ Di Nguy, chỗ Ngân hàng Nhà nước là người Hoa ở. Những người cùng tôn giáo ở xóm đạo Tân Định, Huyện Sỹ... Rồi những xóm chùa.
Xưa Sài Gòn chỉ có 70 km2 gồm Sài Gòn – Chợ Lớn. Còn Gia Định đã là nhà quê. Phân biệt người kẻ chợ – người nhà quê khá rõ ràng. Hồi đầu tiên là Bến Nghé. Còn Sài Gòn là Chợ Lớn. Trên bộ từ biển Cần Giờ lên tới đây mới có nước ngọt. Quận 8, Nhà Bè – Cần Giờ không có nước ngọt mà có thủy triều lên. Ông cha ta tìm ra Sài Gòn thật đặc biệt. Vừa cửa sông vừa cửa biển, tàu thuyền quốc tế vào được, không như sông Hồng.
Người thành thị văn minh, có điện nước, sách vở báo chí, học hành, ăn mặc ảnh hưởng Tây phương. Bây giờ Sài Gòn đã rộng tới 2.000 km2, dân từ 500 ngàn nay đã 7-8 triệu người. Dần dần cái hình lõi đô thị sẽ giãn nở, mở rộng. Hôm qua tôi xem truyền hình VTV6 nói bảo tồn văn hóa ngoại thành. Tôi nói thật: Sẽ không còn cái kiểu người nhà quê ngồi chồm hổm, vì ai cũng có ghế. Có những thứ người ta không sản xuất nữa. Một cái tivi thì nội thành cũng coi như ngoại thành. Mì gói cũng ăn như nhau. Hình lõi đô thị sẽ mở rộng.
Sài Gòn - cái gì xấu cái gì tốt?
. Vậy ông nghĩ sao khi có người nói: TP Hồ Chí Minh, thành phố nông thôn?
- Cái đó tất nhiên. Trước 1975 thôi, chạy xe hai bánh chấp hành luật lệ tốt. Cảnh sát cũng kinh nghiệm hơn. Nhiều người hiểu sai tưởng làm cách mạng là thay đổi xả láng phá cả luật lệ. Thời Pháp, cảnh sát ít, nhưng làm việc đúng nghĩa. Tôi sống thời đó biết: không có ngày nào cảnh sát không đi lại 2-3 lần. Nay chả thấy ông nào. Lắm ông cảnh sát khu vực đi ăn sáng lâu hơn người khác. Ai cần, ông bảo đi họp, bố ai dám hỏi. Dần quen thành nếp. Giá trị trật tự – xã hội sau 1975 thay đổi nhiều chiều hướng tốt, một số chiều hướng xấu đi.
. Cái gì xấu đi?
- Cái tôi vừa nói. Tổ chức cai trị đô thị chưa đúng mức. Thí dụ chuyện điện. Từ thời cách mạng mới có chuyện lúc nào muốn có thì có, không thì thôi. Không biết ai trách nhiệm. Thời thực dân đế quốc đấy nhưng khi cắt điện phải báo, bất thình lình thì bồi thường thiệt hại. Đây, chị bước ra đây tôi chỉ cho thấy một chi tiết nhỏ (ông mở cửa ra ban công). Thấy không? Bên kia là “dinh tổng thống” chứ gì? Tường, cột 10 năm không sơn phết. Nhìn búi dây điện kìa! Không thể tưởng!
. Ông làm tôi cười rũ này. Khắp nơi đều như vậy. Nhưng cái đó mọi người cho là nhỏ xíu so với trăm thứ lo?
- Chị nhầm quá. Cái đó làm hại đời sống. Chị nhìn hàng cây thẳng. Nhìn méo mó nó không tạo cho chị cái thẩm mỹ, có thể ảnh hưởng về cái THIỆN nữa. Tôi rất có ý thức chuyện đó nên khó chịu lắm. Đấy là chưa kể đến chuyện cải cách hành chính, chuyện làm ăn khác. Tôi lụi cụi làm nghiên cứu nhưng không ở trên mây. Thấy hết cái hay cái đẹp, thấy cả những con người làm trì trệ xã hội. Dân trí, DÂN ĐỨC phải cùng đi lên.
. Biểu hiện nào của người Sài Gòn hôm nay làm ông nói đến dân đức?
- Nhiều. Nằm lì trong nhà không kể. Ra đường khó chịu ngay. Kỷ cương ngoài đường không còn như ngày đầu tiên tôi ở đây. Người đi không giữ kỷ luật, không giữ cả đức độ nữa. Chỗ nào cũng tiểu tiện, đại tiện được. Những người bây giờ trông có vẻ ăn mặc đàng hoàng không nhường bước nhau. Không coi trọng người lớn, thương yêu người bé. Nhiều đường phố nhà cửa to đẹp. Thí dụ đường Thủ Khoa Huân đây ra Lý Tự Trọng xưa tôi đến ở chỉ có một cửa hàng, một phần dãy hai tầng còn nhà trệt hết. Nay chỉ vài năm mọc lên toàn khách sạn chục tầng. Người giàu mới của Sài Gòn nhiều tiền lắm. Có người sống với tinh thần chèn ép, quen biết chính quyền, coi tiền làm mạnh, phải mất thời gian mới hiểu xóm giềng. Những người vào Sài Gòn sau năm 1975, tức là vào sớm thì dần cũng có phong cách thoáng hơn những người mới tới. Từ chỗ chèn ép đến chỗ hiểu nhau phải qua một thời gian không gọi là đau khổ thì cũng là phải chịu đựng nhau. Thời gian đó là ta đang chứng kiến đây.
. Ở một thành phố lớn có vẻ không ai biết ai, làm sao người Sài Gòn vẫn giữ được chữ tín trong làm ăn?
- Cái gì đảm bảo lòng tin? Sơ đẳng ban đầu là do người Sài Gòn tứ xứ đến rồi sống với nhau, một thành phần một nhóm người có thể quen biết nhau được. Chữ tín được nuôi dưỡng. Nếu ở nơi vô danh không ai biết ai, cháy nhà hàng xóm bình chân như vại, không liên lạc gì, làm xấu không ai biết thì dễ làm xấu lắm. Nhưng may là Sài Gòn có nhiều phong trào xã hội mạnh mẽ từ trong kháng chiến cũng như xây dựng như xóa đói giảm nghèo và các hoạt động xã hội khác. Một thành phố lớn. Nhờ có đời sống tinh thần mà điển hình là thông tin báo chí.
Không biết chị có cùng cảm nhận này không: Báo chí tiến bộ hơn nơi khác, tin tức nhanh sát đời sống, giàu tính phản biện hơn. Nhờ báo chí và các hoạt động xã hội mà ta biết hết cả những người nghèo khổ, bệnh tật. Như chuyện hai anh giúp người, bị cướp chém. Xã hội phản ứng ngay lập tức. Lãnh đạo thành phố đến thăm. Công an lập tức lo toan. Những gương như thế ở thành phố là nhiều. Nếu không, chỉ phát triển vật chất là đáng ngại.
Dân xứ ăn chơi?
. Người Sài Gòn dễ chấp nhận – nay hội nhập có đi quá đà, “theo Tây” làm mất bản sắc Sài Gòn không?
- Có những lo đó. Nhưng cách thức người Sài Gòn nhận có chọn lọc, suy nghĩ, không quá đáng. Thí dụ: Phụ nữ văn phòng cũng ăn mặc như công ty ngoại quốc nhưng nền nã. Các tỉnh khác thường quá đi một chút. Trang điểm không lòe loẹt, môi son quá cỡ như các tỉnh, kể cả các tỉnh lớn. Thế rồi ca hát cũng vậy. Thị trường người Sài Gòn tạo ra tiến bộ đi đầu. Tôi không có con số rõ ràng nhưng cảm nhận vậy. Ca sĩ Sài Gòn sống động hơn. Người nổi tiếng trước sau gì cũng tới Sài Gòn. Hội họa cũng vậy. Đại học – cao đẳng xưa chỉ có ở Hà Nội, trong Nam, Lào, Campuchia không có. Nay thì thủ đô vẫn giữ những đại học đặc biệt, nhưng Sài Gòn không thua gì.
. Ông sinh ra ở phố Hàng Giấy - Hà Nội, nhưng ông là một trí thức Công giáo, nhà Nam Bộ học. Con người ông đậm chất Sài Gòn như thế nào?
- Tôi vẫn nói giọng Bắc chay, dù sống ở Sài Gòn hơn nửa thế kỷ. Tôi “chìm đắm” được ở Sài Gòn là nhờ cá tính muốn sống như mọi người, không khác biệt. Tôi sống giữa Sài Gòn thấy dễ chịu. Nhiều bạn bè bảo tôi “Nam Kỳ hơn cả nhiều người Nam Kỳ”. Tôi ăn gì cũng thấy ngon. Tây cũng được, Tàu, Nhật cũng được, trừ cay quá, ngấy quá. Thuốc hút được, rượu uống được, nhưng cả đời không bao giờ say.
. Vậy sao người ta bảo người Sài Gòn là “dân ăn chơi”?
- Chơi tôi không rõ vì bây giờ nhiều thứ quá. Còn về phương diện ăn uống, có ăn hơn nơi khác. Vợ chồng con cái thích đi ăn tiệm, dân Bắc ít, miền Tây càng ít. Sài Gòn gần như phổ biến, là vì cần có không khí trao đổi, thưởng thức, thích đông người, thích gặp nhau. Không có cái óc làm giàu tột cùng mà đến đâu hãy hay. Nhiều người trí thức không ăn chơi công tử. Một chuyện vui khá bất ngờ là có lần ba chúng tôi ra Hà Nội dự hội thảo Việt Nam học lần đầu tiên, ở nhà khách. Hôm khai mạc phải thắt cà vạt. Hai vị trí thức uyên bác Trần Văn Giàu, Trần Bạch Đằng bảo: "May nhờ có ông Đầu biết thắt cà vạt giùm”. Ít nhất cũng không ăn chơi như công tử xưa...
. Người Sài Gòn dễ thương trong cái nông cạn?
- Họ không quyết liệt đó thôi.
. Nhưng trong đấu tranh, người Sài Gòn rất anh dũng mà?
- Có mức độ khác biệt. Cải cách ruộng đất không “vào” được Sài Gòn. Các ý thức hệ cứng ngắc không thể phù hợp ở miền Nam được. Giúp đất nước cởi mở, thay đổi, chị có thấy miền Nam có đột phá không? Nói ra có thể có người không bằng lòng, nhưng tôi thấy thế...


Phong cách Sài Gòn
Có một phong cách Sài Gòn hình thành từ bao thế hệ con người sinh sống nơi đây, như phù sa khắp nơi tụ về chồng chất từng lớp suốt chiều dài lịch sử của vùng đất khẩn hoang.
Từ giữa thế kỷ XVII, vùng đất Nam bộ nói chung và Sài Gòn nói riêng đã là nơi hội tụ của nhiều cộng đồng cư dân khác nhau về hoàn cảnh. Từ dải đất miền Trung nghèo khó, những người chống lại các định chế phong kiến, những tù nhân được chúa Nguyễn đưa vào đây khẩn hoang lập nghiệp. Rồi quan quân thời ấy vào Nam xây thành đắp lũy, hình thành bộ máy cai trị. Sau đó những cuộc truy kích của quân Tây Sơn do Nguyễn Nhạc chỉ huy làm binh lính Nguyễn Ánh tan đàn sẻ nghé, một số lớn bám rễ nơi đây.
Vùng đất sôi động này lại còn có sự hiện diện của rất đông thương nhân người Hoa cũng như tàn quân triều Minh bên Trung Quốc mang ý chí phục thù Mãn Thanh, cùng với những người Khmer tha phương cầu thực. Tất cả tụ hội về đây, mang tính khí của kẻ phiêu lưu nên cư xử với nhau có khi như những hảo hán giữa đường thấy chuyện bất bằng chẳng tha.
Gần 100 năm thời Pháp thuộc, vùng đất này tiếp cận sớm hơn cả với văn minh phương Tây. Về mặt địa lý, Sài Gòn vừa là đô thị vừa là một bến cảng quốc tế nên có xu hướng mở, khác với Hà Nội là một đô thị mang tính hướng nội. Con sông Sài Gòn và hệ thống kênh rạch thành phố chịu ảnh hưởng rõ rệt của thủy triều. Thiên nhiên ấy đã ảnh hưởng sâu đậm đến nếp sống, phong cách của người Sài Gòn, như nhận định của nhà thơ-sử gia Trịnh Hoài Đức: “Phương Nam thuộc quẻ Ly, hành hỏa, là quẻ có tượng khí văn minh. Vì thế nơi đây kẻ sĩ thì trọng việc học hành, người dân thì siêng năng... Đất thuộc sao Dương châu, gần mặt trời, nên người khí tiết, trung dũng, trọng nghĩa khinh tài”.
Tất cả để lại những dấu ấn đậm nét hình thành phong cách của một cộng đồng dân cư mà sau này người Sài Gòn kế thừa gần như đầy đủ.
Cái máu lưu dân để lại trong người Sài Gòn tính thích mạo hiểm, đôi khi liều lĩnh, không câu nệ nghi thức nên nghĩ sao nói vậy, thích giao tiếp. Trong làm ăn thì học được ở người Hoa cách buôn bán lấy chữ tín làm đầu. Trong đời sống xã hội họ tiếp thu tinh thần sáng tạo và phóng khoáng của phương Tây, dám phản ứng với những điều sai trái và tìm đến với cái lạ, cái mới rất nhanh.
Điều này giải thích tại sao Sài Gòn là nơi sớm nhất trên cả nước hình thành một nền kinh tế hàng hóa và sau này là nơi xuất hiện nhiều nhất những đột phá vào thành trì bao cấp, làm tiền đề cho công cuộc đổi mới trong những năm đời sống kinh tế toàn xã hội gặp khó khăn tưởng chừng như không thể vượt qua được.
Trong dòng chảy lịch sử ấy đã xuất hiện một lớp doanh nhân mang phong cách Sài Gòn năng động, nhanh chóng thích ứng với tập quán kinh doanh của thị trường, phát huy tính sáng tạo và sự nhạy bén để làm ăn hơn là dựa trên các mối quan hệ thế lực. Lớp doanh nhân này chắt lọc sự tinh túy của nhiều vùng hội tụ, có tính cầu thị sẵn sàng vươn dài cánh tay, mở rộng tầm nhìn ra thế giới và chấp nhận rủi ro để tìm cơ hội làm giàu.
Do tính cách phóng khoáng nên người Sài Gòn không hề dị ứng với người nơi khác đến, cùng với xu hướng tiêu thụ ngày càng cao đã khiến Sài Gòn trở thành vùng đất lành chim đậu. Tính đến nay, thành phố hơn 300 năm tuổi đã không còn đủ không gian cho tám triệu người sinh sống và cả triệu khách vãng lai. Thế nhưng Sài Gòn cũng là nơi có khả năng nhanh chóng hóa giải các dị biệt để tạo ra một phong cách rất riêng với nếp sống thoải mái và đôi khi bất cần, làm đến nơi chơi đến chốn, chuyện gì cũng muốn rạch ròi như thời tiết trong năm chỉ có hai mùa mưa nắng.
Là nơi tiếp nhận khối lượng người nhập cư cao nhất nước nên thỉnh thoảng trên đường phố hay trong các hàng quán sang trọng xuất hiện những phong cách rất “phi Sài Gòn”. Đó là những tiếng chửi thề lạc lõng, những lời ăn tiếng nói cạnh khóe thô thiển, khiến cho cái vốn xã hội của Sài Gòn bị thử thách.
Nhưng không sớm thì muộn hình ảnh đó sẽ ngày càng nhạt phai, bởi chỉ cần làm ăn sinh sống trên mảnh đất này năm bảy năm thì hầu như ai nấy đều tiêm nhiễm cái “phong cách Sài Gòn” xuề xòa mềm mỏng. Để rồi lại nhớ đến Sài Gòn những lúc đi xa như nhớ người yêu và mang tâm trạng háo hức mỗi khi được quay về thành phố trẻ trung này.


Tính cách người Sài Gòn

Thực ra thì ở đâu cũng có người này người kia, nhưng mỗi miền đất thường sẽ có một số nét chung nhất định mà người ta bắt gặp. Sẽ là rất không công bằng nếu như vơ đũa cả nắm. Tuy nhiên biết thêm một số tính cách đặc trưng của một miền đất nào đó cũng rất hay, phải không?Lang thang cà-phê Sài Gòn một lúc thì phát hiện ra bài viết này. Sống ở miền Nam khá lâu nên tôi cảm nhận được những gì bài viết nói là khá chính xác. Mà nói đúng hơn thì tính cách người Sài gòn cũng hòa chung trong tính cách người dân Nam bộ. Mộc mạc và gần gũi.Tính cách người Sài gònTính cách người SG cũng khó mà không hiểu được, vì họ thẳng tính, bộc trực, trong bụng nghĩ thế nào thì lời nói như vậy, và họ thích bộc bạch suy nghĩ của mình với bạn bè.SG mưa nắng thất thường, nên tính tình của người SG cũng thất thường. SG mưa đó, rồi nắng đó, người SG cũng vậy, vui đó, rồi buồn đó. Nếu bạn yêu một cô gái SG, bạn nên chuẩn bị tâm lý. Ai mà biết được, khi bạn đặt một nụ hôn của mình lên gương mặt đáng yêu đó, bạn sẽ nhận được một gương mặt lạnh lùng đáng sợ, hay bạn sẽ nhận được một nụ cười làm mát dịu cả SG đang mùa nóng nực này. Còn nếu bạn yêu một anh chàng SG, thì cũng nên chuẩn bị tâm lý, anh ta vừa cãi lộn với bạn một trận kinh hoàng xong, quay ngoắt đi một mạch khỏi nhà bạn, thì 10 phút sau anh ta quay ngoắt lại, rủ em ơi rảnh không, tụi mình đi chơi đi, tỉnh bơ.Nhưng SG mưa hay nắng thì cũng có mùa. SG không có đủ 4 mùa như Hà Nội, chỉ có 2 mùa mưa nắng. Tôi thích cái thời tiết ở Hà Nội, vì ở đó, tôi được thưởng thức thế nào là cái nóng oi người, thế nào là cái rét nàng Bân, gió mùa đông bắc, chứ ở SG, tôi mặc một bộ đồ cả năm cũng thấy thích hợp, chẳng cần mua đồ đông hay xuân gì cả.Người SG cũng vậy, tính tình không phức tạp, thậm chí, bạn có thể đoán trước tâm lý của họ, nếu bạn quen họ lâu ngày. Tôi có một cô bạn người HN, cô này chỉ nói chuyện với tôi chưa đến 5 lần, thế mà cô ấy nhận xét tôi chính xác, chẳng biết có phải con gái HN quá nhạy cảm, hay con trai SG quá đơn giản.Người SG suy nghĩ đơn giản, nói chuyện cũng đơn giản, không văn hoa, không rào đón, không ẩn ý, không mỉa mai châm biếm sâu xa. Tính tình của người SG rất thoáng, nhưng không dễ dãi. Nên người SG đi đâu cũng lập thân được. Mà người SG cũng sẵn sàng đón bạn bè khắp cả nước đến SG lập thân, cùng chung tay xây dựng một thành phố phát triển, phồn thịnh và năng động nhất cả nước như ngày hôm nay. “Hợp tác phát triển đôi bên cùng có lợi” là quan điểm chung của người SG hôm nay, cho dù đối tác là người mình ưa hay không ưa.SG không phải là thiên đường như nhiều người vẫn nghĩ. Ở SG bạn dễ bị shock, ngay cả tôi, trước phong cách suy nghĩ và làm việc của người SG. SG không bao giờ ngủ, ngay cả trong khi ngủ SG cũng vẫn thao thức về những việc của ngày mai. Người SG có thể làm việc trong bất kỳ môi trường nào.Ăn sáng, ăn trưa, ăn tối, cafe, massage, câu cá, giải trí, bất cứ ở đâu, bạn cũng có thể bị người SG kéo bạn vào cuộc làm ăn của họ. Người SG bây giờ, làm việc đến 12h trưa, nghỉ ngơi trò chuyện một chút đến 1 giờ rồi bắt đầu làm việc tiếp là chuyện bình thường, mà trong cả lúc nghĩ ngơi đó, họ cũng có thể “tranh thủ” với một đối tác nào đó. Ở SG, nếu bạn không năng động, không thực sự giỏi, thì bạn sẽ thấy rất khó khăn để kiếm sống, còn nếu bạn là người có tài, thì SG luôn mong mỏi sự đóng góp của bạn. Đó là lý do, ngày càng nhiều người từ những địa phương khác đổ xô đến SG làm ăn, công chức, nhân viên, ca sĩ, nhạc sĩ, những người lao động tay chân đã chọn SG làm ngôi nhà thứ 2 của họ. Thậm chí, họ chỉ đến SG kiếm tiền thôi, rồi về quê nhà lại, SG cũng vẫn chấp nhận, không định kiến, không cục bộ, lúc nào cũng mở rộng vòng tay, như bản tính của người SG, đánh người chạy đi chứ không đánh người chạy lại.Người SG không giận ai lâu bao giờ, trái lại, người SG rất dễ tha thứ. Nếu bạn chọc giận cô bạn gái SG của mình, bạn hãy chịu khó dỗ ngọt vài câu, cô ấy sẽ nguôi cơn giận ngay. Con trai SG cũng vậy, ít khi nào để bụng chuyện gì. Bực mình là cứ thế oang oang, ầm ĩ một lúc, hết, là hết. Người SG không mời lơi. Người SG thảo ăn, tôi nghe mẹ tôi nói vậy. Mời là mời, khách không ăn là giận, chứ người miền khác, mời mà khách ngồi vào ăn là không thích, chỉ mời thế thôi. Người SG uống cũng vậy, uống là uống thiệt tình, uống khi nào chủ xỉn khách xỉn mới về, chứ không có bỏ cuộc giữa chừng. Tôi có khá nhiều cơ hội gặp gỡ và tiếp xúc với bạn bè nhiều nơi, tôi thấy chỉ có người SG là làm biếng. Mà công nhận, SG làm biếng thật. Nhưng khi họ siêng, họ làm việc rất tích cực và có hiệu quả. Bạn bè tôi nhận xét người SG hiền, dễ tin người, tôi thấy đúng. Người SG không biết ăn miếng trả miếng, người SG không thù dai. Giận thì giận, tức thì tức, nhưng mà hết tức hết giận xong thì huề, hìhì, huề là huề, chứ không phải huề và vẫn còn quê.Người SG sống đơn giản, ít suy nghĩ, ít để bụng, hay chia sẻ và luôn dang tay chào đón những điều mới mẻ đến với mình. Cũng như cái thời tiết của SG vậy, mưa là mưa, nắng là nắng, lâu lâu thì vừa mưa vừa nắng, nhưng căn bản, thì đất SG quanh năm cũng chỉ có nắng, gió và mưa mà thôi… khá dễ hiểu phải không bạn…

GIỌNG SÀI GÒN

Chuyện “Cái giọng Sài Gòn” Có dạo đọc trong một bài viết về Sài Gòn – Gia Định của nhà văn Sơn Nam, có thấy ông viết giọng Sài Gòn, cũng như văn hóa và con người Sài Gòn là một sự pha trộn và giao thoa đến hợp nhất của nhiều nơi. Đó là những người Chăm bản địa, những người khách Hoa, những người miền Trung đầu tiên đến đất Gia Định…Từ đó hình thành một loại ngôn ngữ vừa bản địa, vừa vay mượn của những người đi mở đất…

Giọng người Sài Gòn được xem là giọng chuẩn của miền Nam, cũng như giọng người Hà Nội được xem là giọng chuẩn của người miền Bắc. Giọng chuẩn tức là giọng không pha trộn, không bị cải biến đi qua thời gian. Như nói về giọng chuẩn của người Hà Nội, người ta nói đến chất giọng ấm nhẹ, khi trầm khi bổng, khi sắc khi thanh, và chẳng ai phủ nhận người Hà Nội nói chuyện rất hay và “điêu luyện”. Cái “điêu luyện” ấy như thuộc về bản chất của người Hà Nội mà chỉ người Hà Nội mới có được. Nếu nói là người Việt Nam nói như hát, thì đúng ra chỉ có người Hà Nội là “nói như hát” mà thôi, họa chăng chỉ có giọng Huế của người con gái Huế trầm tư mới cùng được ví von thế…Người Sài Gòn thì khác, giọng Sài Gòn cũng khác. Không ngọt ngào …mía lùi như một số người dân Tây Nam Bộ ven vùng sông nước mênh mang chín rồng phù sa, không nặng nề cục mịch như người miền Đông Nam Bộ nóng cháy da thịt, giọng người Sài Gòn cũng ngọt, nhưng là cái ngọt thanh hơn, nhẹ hơn. Đó là chất giọng “thành thị” đầy kiêu hãnh của người Sài Gòn, chẳng lẫn vào đâu được mà dù người khác có bắt chước cũng khó lòng. Dường như qua nhiều năm cùng với đất Gia Định – Sài Gòn phù hoa trong nhịp sống, trong đổi mới và phát triển, thì giọng nói của người Sài Gòn cũng trở nên “cao sang” hơn. Dù vậy, có cái “thanh” của một vùng đất một thời là thủ phủ Nam Bộ, nhưng cũng chẳng mất đi đâu cái mộc mạc không bỏ được của cái gốc chung Nam Bộ.

Giọng người Sài Gòn nói lên nghe là biết liền. Ngồi nghe hai người Sài Gòn nói chuyện cùng nhau ở một quán nước, bên đường hay qua điện thoại, dễ dàng nhận ra họ. Cái giọng không cao như người Hà Nội, không nặng như người Trung, mà cứ ngang ngang sang sảng riêng…Mà điều đặc biệt trong cách người Sài Gòn nói chuyện cùng nhau là mấy từ “nghen, hen, hén” cuối câu hay dùng. Người miền khác có khoái, có yêu người Sài Gòn thì cũng vì cách dùng từ “nghen, hen” này. Khách đến nhà chơi, chủ nhà tiếp. Khách về, cười rồi buông một câu “Thôi, tôi dìa nghen!” - Chủ nhà cũng cười “Ừ, dzậy anh dìa hen!”. Nói chuyện điện thoại đã đời, để kết câu chuyện và cúp máy, một người nói “Hổng còn gì nữa, dzậy thôi hen!” “thôi” ở đây nghĩa là dừng lại, kết thúc, chấm dứt gì đó. Hai đứa bạn nói chuyện cùng nhau, bắt gặp cái gì vui, quay đầu sang đứa kế bên “Hay hén mậy?” bằng giọng điệu thoải mái…

Giọng người Sài Gòn đôi khi diễn đạt cùng một câu nói, nhưng lại bằng nhiều cung bậc giọng điệu khác nhau lại mang ý nghĩa khác nhau. Đám nhỏ quậy, nghịch phá, người chị mắng, giọng hơi gằn lại và từng tiếng một, có chút hóm hỉnh trong đó “Dzui dzữ hen!”. Đám bạn cùng tuổi, ngồi chơi chung, cười đùa, một người nói giọng cao cao vui vẻ “Dzui dzữ hen!”…Người Sài Gòn có thói quen hay “đãi” giọng ở chữ cuối làm câu nói mang một sắc thái khác khi hờn giận, khi đùa vui như “Hay dzữuuu”, “Giỏi dzữưưu…!” Nghe người Sài Gòn nói chuyện, trong cách nói, bắt gặp “Thôi à nghen” “Thôi à!” khá nhiều, như một thói quen và cái “duyên” trong giọng Sài Gòn.

Người Sài Gòn nói chuyện, không phát âm được một số chữ, và hay làm người nghe lẫn lộn giữa âm “d,v,gi” cũng như người Hà Nội phát âm lẫn các từ có phụ âm đầu “r” vậy. Nói thì đúng là sai, nhưng viết và hiểu thì chẳng sai đâu, đó là giọng Sài Gòn mà, nghe là biết liền. Mà cũng chẳng biết có phải là do thật sự người Sài Gòn không phát âm được những chữ ấy không nữa, hay là do cách nói lẫn từ “d,v,gi” ấy là do quen miệng, thuận miệng và hợp với chất giọng Sài Gòn. Ví như nói “Đi chơi dzui dzẻ hen mậy!” thì người Sài Gòn nói nó… thuận miệng và tự nhiên hơn nhiều so với nói “Đi chơi vui vẻ hen!”. Nói là “vui vẻ” vẫn được đấy chứ nhưng cảm giác nó ngường ngượng miệng làm sao đó. Nghe một người Sài Gòn phát âm những chữ có phụ âm "v" như "về, vui, vườn, võng" nó cảm giác sao sao á, không đúng là giọng Sài Gòn chút nào...

Nhìn lại một quãng thời gian hơn 300 năm hình thành và phát triển của Sài Gòn từ Phiên Trấn, Gia Định Trấn, Gia Định Thành, Phiên An, Gia Định Tỉnh…cho đến Sài Gòn, Tp HCM, dân Sài Gòn đã là một tập hợp nhiều dân tộc sinh sống như Việt, Hoa, Kh’mer…Các sử sách xưa chép lại, khi người Việt bắt đầu đến Đồng Nai – Gia Định thì người Kh’mer đã sinh sống ở đây khá đông, rồi tiếp đó là người Hoa, và một số người tộc láng giềng như Malaysia, Indonesia (Java) cũng có mặt. Sự hợp tụ này dẫn đến nhiều sự giao thoa về mặt văn hóa, làm ăn, cũng như những mặt khác của đời sống, trong đó dĩ nhiên phải nói đến ngôn ngữ.

Tiếng nói của người Sài Gòn không chỉ thuần là tiếng Việt, mà còn là sự học hỏi, vay mượn nhiều từ ngữ của dân tộc bạn, đâm ra mang nhiều “hình ảnh” và “màu sắc” hơn. Những từ như “lì xì, thèo lèo, xí mụi, cũ xì…” là mượn của người Hoa, những từ như “xà quầng, mình ên…” là của người Kh’mer. Nói riết đâm quen, dần dần những từ ngữ đó, những tiếng nói đó được người dân Sài Gòn sử dụng một cách tự nhiên như của mình, điều đó chẳng có gì lạ…Thêm vào đó, nó được sửa đổi nhiều cho phù hợp với giọng Sài Gòn, thành ra có những nét đặc trưng riêng. Vậy nói cho cùng thì người Sài Gòn cũng có những tiếng gọi là “tiếng địa phương” (local dialect !?). Những tiếng này thể hiện rõ nhất khi người Sài Gòn nói chuyện cùng người miền khác. Nghe một người Sài Gòn nói chuyện cùng một người khác vùng, dễ dàng nhận ra những khác biệt trong lời ăn tiếng nói giữa hai người, hai miền. Có một số từ người Sài Gòn nói, người miền khác nghe rồi…cười vì chưa đoán ra được ý. Cũng như khi nghe người Huế dùng một số từ lạ lạ như “o, mô, ni, chừ, răng…” trong khi nói chuyện vậy thôi. Khác là mấy tiếng người Sài Gòn nói, vẫn có chút gì đó nó…vui vui tai, là lạ, ngồ ngộ và…bình dân làm sao. Người Sài Gòn nói riêng và miền Nam nói chung, có thói quen dùng từ "dạ" khi nói chuyện, khác với người miền Bắc lại dùng từ "vâng". Để ý sẽ thấy ít có người Sài Gòn nào nói từ "vâng". Khi có ai gọi, một người Sài Gòn nói "vâng!" là trong dáng dấp của câu nói đó có giọng đùa, cười cợt. Khi nói chuyện với người lớn hơn mình, người dưới thường đệm từ "dạ" vào mỗi câu nói. "Mày ăn cơm chưa con ? - Dạ, chưa!"; "Mới dìa/dzề hả nhóc? - Dạ, con mới!"… Cái tiếng "dạ" đó, không biết sao trong cảm giác nghe của một người Sài Gòn với một người Sài Gòn thấy nó "thương" lạ...dễ chịu mà gần gũi, nhẹ nhàng mà tình cảm lắm lắm. Cảm giác nó thật riêng so với những nơi khác. Nghe một tiếng "dạ" là biết ngay tên này là dân miền Nam cái đã rồi hẳn hay...

Một người miền khác, có thể là Bắc hoặc Trung, diễn tả một khoảng thời gian ngắn vài ngày thì nói “Từ bữa đó đến bữa nay”, còn người Sài Gòn thì nói “Hổm nay”, “dạo này”…người khác nghe sẽ không hiểu, vì nói chi mà ngắn gọn ghê. (Lại phát hiện thêm một điều là người Sài Gòn hay dùng từ “ghê” phía sau câu nói để diễn tả một sắc thái tình cảm riêng. Tiếng “ghê” đó chẳng hàm ý gì nhiều, nó mang ý nghĩa là “nhiều”, là “lắm”. Nói “Nhỏ đó xinh ghê!” nghĩa là khen cô bé đó xinh lắm vậy.) Lại so sánh từ “hổm nay” với “hổm rày” hay nghe ở các vùng quê Nam Bộ, cũng một ý nghĩa như nhau, nhưng lại không hoàn toàn giống nhau. Nghe người Sài Gòn dùng một số từ “hổm rày, miết…” là người Sài Gòn bắt chước người miền sông nước vậy. Nhưng nghe vẫn không trái tai, không cảm thấy gượng, vì trong người Sài Gòn vẫn còn cái chất Nam Bộ chung mà.

Nghe một đứa con trai Sài Gòn nói về đứa bạn gái nào đó của mình xem…”Nhỏ đó xinh lắm!”, “Nhỏ đó ngoan!”…Tiếng “nhỏ” mang ý nghĩa như tiếng “cái” của người Hà Nội. Người Sài Gòn gọi “nhỏ Thuý, nhỏ Lý, nhỏ Uyên” thì cũng như “cái Thuý, cái Uyên, cái Lý” của người Hà Nội thôi.

Nói một ai đó chậm chạp, người Sài Gòn kêu “Thằng đó làm gì mà cứ cà rề cà rề…nhìn phát bực!” Nghe cứ như là đùa, chẳng làm câu nói nặng nề lắm. Một người lớn hơn gọi “Ê, nhóc lại nói nghe!” hay gọi người bán hàng rong “Ê, cho chén chè nhiều nhiều tiền ít coi!”… “Ê” là tiếng Sài Gòn đó, coi gọi trổng không vậy mà chẳng có ý gì đâu, có thể nói đó là thói quen trong cách nói của người Sài Gòn. Mà người Sài Gòn cũng lạ, mua hàng gì đó, thường “quên” mất từ “bán”, chỉ nói là “cho chén chè, cho tô phở”… “cho” ở đây là mua đó nghen. Nghe người Sài Gòn nói chuyện với nhau, thường bắt gặp thế này “Lấy cái tay ra coi!” “Ngon làm thử coi!” “Cho miếng coi!” “Nói nghe coi!”… “Làm thử” thì còn “coi” được, chứ “nói” thì làm sao mà “coi” cho được nè ? Vậy mà người Sài Gòn lại nói, từ “coi” cũng chỉ như là một từ đệm, dân Sài Gòn nói dzậy mà. Ngồi mà nghe người Sài Gòn nói chuyện cùng nhau thì quái lắm, lạ lắm, không ít người sẽ hỏi “mấy từ đó nghĩa là gì dzậy ta ?” – Mà “dzậy ta” cũng là một thứ “tiếng địa phương” của người Sài Gòn à. Người Sài Gòn có thói quen hay nói “Sao kỳ dzậy ta?” “Sao rồi ta?” “Được hông ta?”…Nghe như là hỏi chính mình vậy đó, mà…hổng phải dzậy đâu nghen, kiểu như là nửa hỏi người, nửa đùa đùa vậy mà.

Tiếng Sài Gòn là thế đó, nếu bạn giả giọng Sài Gòn nói chuyện, dù có giống cách mấy mà bỏ quên mấy tiếng đệm, mấy tiếng Sài Gòn riêng riêng này thì đúng là… “bạn hông biết gì hết chơn hết chọi!”

Mà giọng Sài Gòn đã thế, cách người Sài Gòn xưng hô, gọi nhau cũng có phần mang “màu sắc” riêng. Người Sài Gòn có cái kiểu gọi “Mày” xưng “Tao” rất “ngọt”. Một vài lần gặp nhau,nói chuyện ý hợp tâm đầu một cái là người Saigon mày tao liền. Nếu đúng là dân Sài Gòn, hiểu người Sài Gòn, yêu người Sài Gòn sẽ thấy cách xưng hô ấy chẳng những không có gì là thô mà còn rất ư là thân thiện và gần gũi.

Mày-tao là kiểu xưng hô hay thấy trong mối quan hệ bạn bè của người Sài Gòn. Cách xưng-hô này thấy dàn trải từ đủ các mối quan hệ bạn bè; từ bạn học giữa mấy đứa nhóc chút xíu, cho đến mấy bác mấy anh lớn lớn tuổi. Hổng biết cái máu dân Sài Gòn nó chảy mạnh quá hay sao mà thấy mấy cách gọi này nó...tự nhiên và dễ nói hơn là mấy từ như "cậu cậu - tớ tớ" của miền Bắc. Nói chuyện bạn bè với nhau, thân thiết mà gọi mấy tiếng mày mày tao tao thì nghe thật sướng, thật thoải mái tự nhiên, và khoai khoái làm sao ấy. Gọi thế thì mới thiệt là dân Sài Gòn.

Đấy là ngang hàng, ngang vai vế mà gọi nhau, chứ còn như đám nho nhỏ mà gặp người lớn tuổi hơn, đáng bậc cha, chú thì khác. Khi ấy “tụi nhỏ” sẽ gọi là chú, thím, cô, dì, hay bác và xưng “con” ngọt xớt. Có vẻ như người Sài Gòn "ưa" tiếng chú, thím, dì, cô hơn; cũng như đa phần dân miền Nam khác vậy mà. Mà có lẽ cách gọi này cũng còn tuỳ vào việc ước lượng tuổi của người đối diện. Gặp một người phụ nữ mà mình nhắm chừng tuổi nhỏ hơn mẹ mình ở nhà thì "Dì ơi dì...cho con hỏi chút...!" - còn lớn hơn thì dĩ nhiên là "Bác ơi bác..." rồi. Những tiếng mợ, thím, cậu,... cũng tuỳ vào vai vế và người đối diện mà gọi. Có người chẳng bà con thân thuộc gì, nhưng là bạn của ba mình, lại nhỏ tuổi hơn, thế là gọi là chú và vợ của chú đó cứ thế gọi luôn là thím. Gọi thì gọi thế, còn xưng thì xưng “con” chứ không phải “cháu cháu” như một số vùng khác. Cái tiếng “con” cất lên nó tạo cho người nghe cảm giác khoảng cách giữa mình với đứa nhỏ đang nói kia tự dưng… gần xịt lại. Nghe sao mà quen thuộc, và gần gũi đến lạ lùng. Tự dưng là thấy có cảm tình liền.

Nói tiếp chuyện xưng-hô, người Sài Gòn có kiểu gọi thế này :

Ông đó = ổng

Bà đó = bả

Anh đó = ảnh

Chị đó = chỉ ...

Không hiểu sao mà dấu hỏi tự nhiên cái trở nên giữ vai trò quan trọng... ngộ nghĩnh dzậy nữa. Nhưng mà kêu lên nghe hay hay đúng hông? Gọi vậy mới đúng là chất Nam Bộ - Sài Gòn á nghen.

Người Sài Gòn cũng có thói quen gọi các người trong họ theo... số. Như anh Hai, chị Ba, thím Tư, cô Chín, dượng Bảy, mợ Năm...Mà nếu anh chị em họ hàng đông đông, sợ gọi cùng là chị Hai, anh Ba mà hổng biết nói về ai thì dzậy nè, thêm tên người đó vào. Thành ra có cách gọi : chị Hai Lý, chị Hai Uyên, anh Ba Long, anh Ba Hùng...

Thêm nữa, nếu mà anh chị em cùng nhà thì tiếng "anh-chị-em" đôi khi được...giản lược mất luôn, trở thành "Hai ơi Hai, em nói nghe nè..." và "Gì dzạ Út ?"...Tôi thích cách gọi này, đâm ra ở nhà gọi Dì Út tôi chỉ là một tiếng Út gọn lỏn. Có chuyện nhờ là cứ "Út ơi...con nhờ chút!" hoặc với mấy chị tôi thì "Hai ơi Hai...em nói nghe nè!".

Cách gọi này của người Sài Gòn nhiều khi làm người miền khác nghe hơi...rối. Có lần, kể cho người bạn ở Hà Nội nghe về mấy người anh chị trong gia đình. Ngồi kể lể "anh Hai, chị Hai, dì Hai, Út, cậu Hai, mợ Hai, chú Ba..." một hồi cái bị kêu là hổng hiểu, xưng hô gì rối rắm quá chừng, làm phải ngồi giải thích lại suốt một hồi...lâu.

Cách xưng hô của người Sài Gòn là vậy. Nghe là thấy đặc trưng của cả một mảnh đất miền Nam sông nước.

Cứ thế, không sang trọng, điệu đà như giọng người dân đất Bắc, cũng chẳng trầm lắng, thanh thanh như tiếng Huế Thần Kinh, cái giọng Sài Gòn đi vào tai, vào lòng, vào cách cảm, và nỗi nhớ nhung của người Sài Gòn lẫn dân miền khác bằng sự ngọt ngào của sông nước Nam Bộ, bằng cái chân chất thật thà của truyền thống xa xưa, và bằng cả cái “chất Sài Gòn” chảy mạnh trong từng mạch máu người dân Sài Gòn. Đi đâu, xa xa Sài Gòn, bỗng dưng nghe một tiếng “Dạ!” cùng những tiếng “hen, nghen” lại thấy đất Sài Gòn như đang hiện ra trước mắt với những nhớ thương…

GIỌNG SÀI GÒN

Giọng Nam bộ nói chung chắc không ai xa lạ gì. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng gần đây riêng dân SG có vẻ nói "đớt" và bị “lai căng” khá nhiều.

Giọng người Sài Gòn nói lên nghe là biết liền!
Phải chăng vì quá trình dạy đọc và viết tiếng Việt trong trường học theo "chuẩn quốc gia" nên học sinh Sài Gòn đang được dạy nói với một giọng mà theo nhiều người là hơi "Hà Nội hóa". Mỗi miền có đặc trưng riêng trong phát âm, âm vực, từ vựng… nhưng quan trọng là người trong cả nước nghe tiếng Sài Gòn đều hiểu rõ, chẳng thế mà có một dạo hầu như tất cả phim truyện VN (kể cả phim do Hà Nội sản xuất) đều lồng tiếng Sài Gòn. Ngôn ngữ luôn phát triển theo thời gian, khi nó đã phổ biến sâu rộng và được quần chúng nhân dân chấp nhận thì mặc nhiên nó trở thành chuẩn mực! Điển hình như người Việt lớn tuổi ở hải ngoại lâu năm, ít tiếp xúc ngôn ngữ trong nước, sử dụng từ ngữ, văn phong của thời mà họ còn sinh sống tại VN, vì vậy, ít nhiều có khác với tiếng Việt đang được sử dụng trong nước hiện nay. Đó là qua quá trình phát triển nhiều chục năm, tiếng Việt đã có những thay đổi đáng kể trong cả hai cộng đồng người Việt trong và ngoài nước, làm cho tiếng Việt của hai cộng đồng có những biến đổi nhất định, không còn đồng nhất.

Giọng Sài Gòn khá đặc biệt, chứa đựng tình cảm của người nhiều địa phương.
Ở trong nước, do quá trình phát triển tự nhiên của ngôn ngữ một số từ, ngữ bị mất đi, biến dạng, hoặc đổi nghĩa, trong khi tiếng Việt trong cộng đồng hải ngoại chưa cập nhật nên vẫn dùng từ cũ, nghĩa cũ. Mặt khác, một khái niệm mới ra đời thì người trong nước sẽ "sinh ra" một từ mới, hoặc bổ sung nghĩa mới cho từ vốn có, cùng lúc đó người Việt hải ngoại cũng phải làm như vậy, nhưng hai từ này (trong và ngoài nước) có thể không giống nhau, vậy là dẫn đến việc khác biệt về vốn từ giữa hai cộng đồng. Thời gian càng lâu dài, sự khác biệt này có thể càng lớn hơn...
Trở lại với tiếng Sài Gòn... Sau này, sao dân Sài Gòn quen miệng nói "đá bóng" mà ít nói "đá banh"? Coi đá banh ở sân Thống Nhất trong khi cả sân la "Vô... Vô" (giọng Sài Gòn) thì người tường thuật đá banh trên đài truyền hình TP la: "Vào !!!!" (giọng Hà Nội).

Phong cách Sài Gòn có đặc điểm riêng khó mà lẫn được.
Giọng SG hồn nhiên trôn lẫn tiếng nói mọi miền: giọng Bắc pha chút hơi Nam, giọng Trung được "Nam hoá", giọng mộc mạc "thiệt thà" vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long... Phong cách Sài Gòn có đặc điểm riêng khó mà lẫn được. Phong cách thể hiện trong cả tính tình lẫn ngôn ngữ, chất giọng. Đối với những người lớn tuổi, cái phong cách Sài Gòn còn đặc sệt hơn. Với người trẻ Sài Gòn ngày nay, ngôn từ phát âm đôi khi "lai lai" nhưng cái tính cách thì vẫn rất đặc trưng, tuy ngang ngang, cụt lủn, có sao nói vậy nhưng cũng đủ lém lỉnh. Người trẻ Sài Gòn mang một tính cách mới trong sự biểu đạt bằng ngôn từ "thời hội nhập".
Về giọng nói thì tùy người. Một số người dẫn chương trình sân khấu cố tạo ra phong cách riêng nên... chẳng đâu ra đâu. Khán giả có khi được chào bằng câu: “Cha... a... ào các be... e....ẹn” nhão nhẹt! Hay nghiêm trang, nghiêm trọng: “Chào k’ bạn” (theokiểu... giáo sư) với tiếng "chào" được nhấn mạnh quá mức và nuốt mất luôn vài chữ sau đó! Một số ca sĩ cũng chào với cái kiểu này, nghe khó mà xuôi tai!
Giọng Sài Gòn khá đặc biệt, chứa đựng tình cảm của người nhiều địa phương. Đó là chất giọng “thành thị” chẳng lẫn vào đâu được. Dường như qua nhiều năm cùng với đất Gia Định – Sài Gòn phù hoa trong nhịp sống, trong đổi mới và phát triển, thì giọng nói của người Sài Gòn cũng mới mẻ, trẻ trung hơn: có cái “thanh” của vùng đất thủ phủ Nam Bộ, nhưng cũng lưu giữ nguyên vẹn nét mộc mạc cái gốc Nam bộ. Giọng người Sài Gòn nói lên nghe là biết liền


Lang thang phố xá Sài Gòn là thói quen của nhiều người, nhiều thế hệ cư dân của thành phố trẻ, lớn và hiện đại nhất cả nước. Dạo phố Sài Gòn mà không nghe, không nhìn được tiếng Việt thì mất đi hơn 50 phần trăm thú vị vì người Sài Gòn tuy vẫn nói tiếng Việt, nhưng là tiếng Việt kiểu Sài Gòn, hay người ta nói gọn: tiếng Sài Gòn.

Người Sài Gòn sáng tạo và đóng góp cho từ điển Việt Nam rất nhiều từ...
Tiếng Sài Gòn đơn giản mà… vui
Dừng chân trên bến khi chiều nắng chưa phai, Từ xa thấp thoáng muôn tà áo tung bay Nếp sống vui tươi nối chân nhau đến nơi này Sài Gòn đẹp lắm, Sài Gòn ơi! Sài Gòn ơi!
Ngựa xe như nước trên đường vẫn qua mau Người ra thăm bến câu chào nói lao xao Phố xá thênh thang đón chân tôi đến chung vui Sài Gòn đẹp lắm, Sài Gòn ơi! Sài Gòn ơi!
Những câu hát đơn giản, dung dị trong bài hát “Sài Gòn” của nhạc sĩ Y Vân. Những ca từ không văn vẻ chẳng tô son trát phấn mà sống mãi trong lòng bao thế hệ người Sài Gòn! Người Sài Gòn là vậy. Đã có một thời câu cửa miệng người Sài Gòn là: “hết xẩy”, “sức mấy”! Sức mấy mà buồn ý nói hơi nào mà buồn làm chi. Rồi “sức mấy” cũng biến mất khỏi khẩu ngữ dân Sài Gòn, giống như vậy là trường hợp của cụm từ “bỏ qua đi Tám”.
Hai cụm từ khẩu ngữ trên càng được người Sài Gòn “khoái khẩu” hơn sau khi nhạc sĩ Phạm Duy đưa vào một trong những bài “tục ca” của ông:
Sức mấy mà buồn…Buồn ơi, bỏ qua đi Tám…
Cái ông nhạc sĩ già vậy mà vui tính! Theo “con đường vui” đó, một nhạc sĩ trẻ sau này cũng đưa một cụm “khẩu ngữ” Sài Gòn vào nhạc khá thành công là “hổng dám đâu”. Đó là lúc đi đâu trên phố Sài Gòn cũng nghe con nít nghêu ngao:
Hổng dám đâu, em còn phải học bài…
Còn vô quán bia hơi bình dân thì nghe các bợm vừa khoác tay vừa hát:
Hổng dám đâu, “em” còn phải “trả bài”…
Tiếng Sài Gòn “thực dụng”

Lang thang phố xá Sài Gòn...
Tiếng Sài Gòn dễ hiểu, dễ nói, dễ viết. Người Sài Gòn sáng tạo và đóng góp cho từ điển Việt Nam rất nhiều từ hay, ngắn, gọn, ai nghe cũng hiểu ngay đó là cái gì:
- Bột ngọt (miền Bắc: mì chính)
- Mì ăn liền
- Xe hơi (miền Bắc: ô tô)
- Bánh tráng (miền Bắc: bánh đa)
- Đớp hít (“Tự vị tiếng nói miền Nam” của Vương Hồng Sển giải thích: Đớp là con thú nhảy đến mà ngoạm nhanh lấy mồi: con cóc nằm bên bờ ao, lăm le lại muốn đớp sao trên trời (Việt Nam Phong Sư). Hít là hút hơi vào bằng mũi: hít một mồi thuốc 555. Đớp hít đi đôi là tiếng lóng của bọn dùng ma tuý, đói thèm đã lâu nay gặp thuốc thì táp và nuốt ngay mất cả khói lẫn thuốc, giây lát mới phun nhả ra, đê tơ lơ mơ sảng khoái của kẻ đi mây về gió, môn đồ của nhóm yên sĩ phi lý thuần. Hiện nay đớp hít có nghĩa là hôn hít vội vã và hàm nghĩa làm tình gấp rút).
Giới trẻ ngày nay hội nhập vào nhiều nền văn hoá, nhiều ngôn ngữ quốc tế (nhất là tiếng Anh, Mỹ) nên cũng “cung cấp” thêm cho tiếng Sài Gòn một mớ từ “ba rọi”, nửa nạc nửa mỡ nghe thì kỳ kỳ nhưng cũng vui tai:
- Chết men (“nhập khẩu” từ “man” của tiếng Anh)
- Đao (Việt hoá từ “down” của tiếng Anh)
- Ô sin (tên một nhân vật trong phim Nhật, để chỉ người hầu, người ở)
…..
Thử nghe một đoạn “văn ba rọi” của một bạn trẻ Sài Gòn hôm nay: "Sorry mày nha, tối qua papa với mama cắt cơm, money hết sạch, chứ không thì tao đi overnight với tụi bây rồi. Từ đây tới chiều có chương trình gì,“phôn cho tao một tiếng. See you!”. Thật vui tai vui mắt nhưng cũng thật sự đáng lo ngại cho tiếng Việt trong thời hội nhập!
* * *
Một vài ý “dòm ngó” đến một vài tiếng Sài Gòn ngộ nghĩnh, vui vẻ là chính, chứ người viết cũng không dám “léng phéng” bàn thêm về ngôn ngữ, học thuật
.


Tiếng Lóng Sài Gòn

Một thời, một nơi chốn nào đó, trong đời sống ngôn ngữ dân gian lại nảy sinh ra một số tiếng lóng, một số thành ngữ, một câu hát nhại theo câu hát chính phẩm, hầu hết là để châm biếm, tạo nên nụ cười, hay có khi là để răn đe, tìm sự hoàn thiện trong cuộc sống, chúng chỉ sống một thời rồi tự biến mất, nhường chỗ cho đoạn đời “tiếng lóng” khác đến thay thế. Do đó, việc ghi chúng lại để đọc vui chơi hay phục vụ nghiên cứu văn học dân gian, chỉ có giá trị, khi ghi rõ định vị địa lý và thời gian.

Tỷ như Sài Gòn vào thập niên 60, thịnh hành một chùm tiếng lóng “sức mấy” để thay nói bất lực hay chuyện không thể. Phổ biến đến nỗi, một nhạc sĩ đã chọn làm đề tài cho một bài hát đường phố “Sức mấy mà buồn, buồn chi bỏ đi Tám”.

Những câu chuyện thuộc loại tiếng lóng đó xuất hiện vào thời buổi Sài Gòn bị tạm chiếm, Tây - Mỹ nhiễu nhương, quê hương chiến tranh buồn phiền; “sức mấy” đã trở thành bút hiệu của một chuyên mục phiếm luận trên báo, sau đó một kỹ thuật gia sản xuất còi ôtô đã chế ra một điệu còi ôtô, bấm còi là kêu vang trên phố một dòng nhạc còi auto 9 nốt “tính tính tè tè, tè ti tè ti té”, làm cho đường phố càng náo loạn hơn.

Trước đó cũng từ bài ca Diễm xưa của Trịnh Công Sơn mà sinh ra cụm từ tiếng lóng “xưa rồi Diễm ơi”, mỗi khi có ai lặp lại một đòi hỏi nào đó, mà người nghe muốn gạt phăng đi.
Thời các vũ trường mới du nhập Sài Gòn như Mỹ Phụng, Baccara, Tháp Ngà, thì dân chơi gọi Tài-pán tức người điều phối nhóm vũ nữ, bằng tiếng bóng “Cai gà”, gọi cảnh sát là "mã tà", vì police (cảnh sát) hay mang cái dùi cui, tiếng Tây là matraque, đọc trại thành “mã tà”. Cũng từ thời thuộc địa, tiếng Tây chế ra tiếng lóng âm Việt rất nhiều như: “gác-dang” tức thuê người làm bảo vệ; tiếng Pháp gardien đọc trại ra thành gác-dang. Cũng như nói “de cái đít” tức lùi xe arriere; tiền bồi dưỡng người phục vụ tiếng Pháp: pour-bois âm bồi gọi “tiền boa”, sau này chế ra là “tiền bo”.

Cũng thời Pháp thuộc, Sài Gòn có nhiều cách nói mà đến nay không ai biết nguyên do. Tỷ như gọi ngân hàng là nhà băng, gọi sở bưu điện là nhà dây thép, mua tem dán bao thư gọi là “con cò”, còn nếu gọi “ông cò” là chỉ cảnh sát trưởng mấy quận ở thành phố, gọi “thầy cò” tức là các ông chữa morasse các tòa báo do chữ correcteur, nhưng nói “cò mồi” là tay môi giới chạy việc, “ăn tiền cò” thì cũng giống như “tiền bo”, nhưng chữ này chỉ dùng cho dịch vụ môi giới.

Thời kinh tế mới phát triển, đi xe auto gọi là đi “xế hộp”, đi xe ngựa gọi là đi “auto hí”, đến thời xe máy nổ ầm ào, đi xe đạp gọi là “xe điếc”, đi nghỉ mát Vũng Tàu gọi là “đi cấp”, đi khiêu vũ gọi là “đi bum”, đi tán tỉnh chị em gọi là đi “chim gái”, đi ngắm chị em trên phố gọi là “đi nghễ”, gọi chỉ vàng là “khoẻn", gọi quần là “quởn”, gọi bộ quần áo mới là “đồ día-vía”. Đi chơi bài tứ sắc các bà gọi là “đi xòe”, đi đánh chắn gọi là “múa quạt”, đi chơi bài mạt chược các ông gọi là “đi thoa”, đi uống bia gọi “đi nhậu”, đi hớt tóc gọi đi “húi cua”. Có một cụm tiếng lóng từ Huế khoảng 1920 - 1950 du nhập Sài Gòn, đó là “đi đầu dầu”, tức các chàng trai ăn diện “đi nghễ” với đầu trần không mũ nón, để cái mái tóc chải dầu brillantine láng cóng, dù nắng chảy mỡ. Tuyệt vời gọi là “hết sẩy”, quê mùa chậm chạp gọi là “âm lịch", hách dịch tự cao gọi là "chảnh".

Tiền bạc gọi là "địa", có thời trong giới bụi đời thường kháo câu "khứa lão đa địa" có nghĩa ông khách già đó lắm tiền, không giữ lời hứa gọi là "xù", "xù tình", tức cặp bồ rồi tự bỏ ngang. Làm tiền ai gọi là "bắt địa", ăn cắp là "chôm chỉa", tương tự như "nhám tay" hay "cầm nhầm" những thứ không phải của mình.

Ghé qua làng sân khấu cải lương hát bội, người Sài Gòn gọi là làng "hia mão", có một số tiếng lóng người ngoài làng có khi nghe không hiểu. Tỷ như gọi "kép chầu", có nghĩa là đào kép đó tuy cũng tài sắc nhưng vì một lý do nào đó không được nhập biên chế gánh hát, đêm đêm họ cũng xách valyse trang phục phấn son đến ngồi café cóc trước rạp hay túc trực bên cánh gà, để đợi, ngộ nhỡ có đào kép chính nào trục trặc không đến rạp được, thì kép chầu thay thế vào ngay. "Kép chầu" phải thuần thục rất nhiều tuồng để đau đâu chữa đó.

Đào chính chuyên đóng vai sầu thảm gọi là "đào thương", kép chính chuyên đóng vai hung tàn gọi là "kép độc". Có một cụm tiếng lóng xuất phát từ hai nơi, một là cải lương rạp hát, hai là quanh các tòa soạn báo chí, đó là "café à la... ghi” tức uống café thiếu ghi sổ...

Vào làng báo mà tiếng lóng người Sài Gòn xưa gọi "nhật trình". Nếu thiếu tin lấy một tin cũ nhưng chưa đăng báo để đăng lấp chỗ trống, gọi là "tin kho tiêu”, các loại tin vớ vẩn dăm dòng từ quê ra tỉnh gọi là "tin chó cán xe", tin quan trọng chạy tít lớn gọi là "tin vơ-đét" vedette, nhặt từ tài liệu dài ra thành một bài gọn gọi là “luộc bài", chắp nhiều thông số khác nguồn ra một bài gọi là "xào bài", truyện tình cảm dấm dớ gọi là "tiểu thuyết 3 xu", các tạp chí bình dân xoi mói đời tư gọi là "báo lá cải". Làng nhật trình kỵ nhất là loan tin thất thiệt, lóng gọi là "tin phịa", nhưng trong "tin phịa" còn có hai mảng chấp nhận được đó là loan tin thăm dò có chủ đích, lóng gọi là "tin ballons" tức thả quả bóng thăm dò, hay tin thi đua nói dối chỉ được xuất hiện vào đầu tháng tư, gọi là "tin Cá tháng Tư".

Có đến bảy tiếng lóng để thay cho từ chết. Đó là "tịch", "hai năm mươi", "mặc chemise gỗ", "đi auto bươn", "về chầu diêm chúa", "đi buôn trái cây" hay "vào nhị tỳ”, "nhị tỳ" thay cho nghĩa địa và "số dách" thay cho số một... đều ảnh hưởng từ ngôn ngữ minh họa theo người Hoa nhập cư.

Thời điểm truyện và phim kiếm hiệp của Kim Dung nói chung là chuyện Tầu thịnh hành, người Sài Gòn đã chế ra nhiều tiếng lóng, như ai dài dòng gọi là "vòng vo Tam Quốc", ai nói chuyện phi hiện thực gọi là "chuyện Tề Thiên", tính nóng nảy gọi là "Trương Phi". Một số tên nhân vật điển hình của Kim Dung được dùng để chỉ tính cách của một người nào đó. Tỷ như gọi ai là "Nhạc Bất Quần" tức ám chỉ người ngụy quân tử, gọi là "Đoàn Chỉnh Thuần" tức ám chỉ đàn ông đa tình có nhiều vợ bé...

Sài Gòn là đất của dân nhập cư tứ xứ, nơi tha hương văn hóa bốn phương, nên ngôn ngữ càng thêm phong phú, trong đó tiếng lóng cũng "ăn theo" mà ra đời.

Thời Mỹ đến thì một tiếng "OK Salem", mà các trẻ bụi đời vừa chạy vừa la để xin ông Mỹ điếu thuốc. Thời gọi súng là "sén" hay "chó lửa", dân chơi miệt vườn gọi "công tử Bạc Liêu" còn hiểu được, Sài Gòn xuất hiện cụm từ "dân chơi cầu ba cẳng" thì thật không biết do đâu? Có lẽ cầu ba cẳng có tên Pallicao, lêu nghêu 3 cẳng cao như dáng vẻ cowboy trong các phim bắn súng, nên mới gọi "dân chơi cầu ba cẳng"? Đó cũng là lúc các tiếng lóng như "dân xà bát", "anh chị bự", "main jouer" tay chơi ra đời, chạy xe đua gọi là "anh hùng xa lộ", bị bắt gọi là "tó", vào tù gọi là "xộ khám”. Bỏ học gọi là "cúp cua", bỏ sở làm đi chơi gọi là "thợ lặn", thi hỏng gọi là "bảng gót". Cũng do scandal chàng nhạc sĩ nổi tiếng kia dẫn em dâu là ca sĩ K.Ng. qua Nhà Bè ăn chè, để ngoại tình trong túp lều cỏ bị bắt, từ đó "đi ăn chè" trở thành tiếng lóng về hành vi ngoại tình trốn ra ngoại ô.

Cũng có một số tiếng lóng do nói lái mà ra như "chà đồ nhôm" tức "chôm đồ nhà”, "chai hia" tức chia hai chai bia bên bàn nhậu, nó cùng họ với "cưa đôi”. Lóng thời sự loại này có "tô ba lây đi xô xích le" tức "Tây ba lô đi xe xích lô". Trong tiếng lóng còn chất chứa ân tình. Họa sĩ chuyên vẽ tranh sơn mài đề tài lá hoa sen xuất thân xứ Ca Trù hay than "buồn như chấu cắn", hay có người than phiền vì câu né tránh trách nhiệm với hai tiếng "lu bu" để thất hứa, nay còn có người nhấn thêm "lu xu bu" nại lý do không rõ ràng để trốn việc. Để tạm kết thúc phần dẫn này, tôi muốn nhắc một số âm sắc Bắc Hà. Những âm sắc theo chân người Hà Nội vào Nam rồi trở thành tài sản chung của người Việt. Bắt quả tang thành "quả tó", gọi chiếc xe Honda là "con rim", gọi tờ giấy 100USD là "vé", đi ăn cơm bình dân gọi là "cơm bụi", xuống phố dạo chơi gọi là "đi bát phố", gọi người lẩm cẩm là "dở hơi"...

Nhưng lý thú nhất là nhờ cụ cố nhà văn Nguyễn Tuân mà Sài Gòn nay có một tiếng lóng hiện đại thay cho cụm từ đi ăn nhà hàng theo American style - tiền ai nấy trả. Đó là cụm lóng KAMA, ghép bốn chữ tắt của "không - ai - mời - ai". Đi KAMA phở một cái, tức cùng đi ăn phở mà không ai mời ai, món ăn cổ truyền nhưng ứng xử là thoải mái. Vào thời văn minh hiện đại, ngôn ngữ tiếng Anh trở thành phổ biến, giới trẻ đã chế ra một tiếng khá văn hoa, như chê một ai đó chảnh, các cô nói "lemon question" tức chanh hỏi - chảnh.


Sài Gòn và Hà Nội

Cơn mưa.

Mưa Sài Gòn giống tính tình các cô gái Sài Gòn, đỏng đảnh nhưng mau quên. Mưa Hà Nội giống tính tình các cô gái Hà Nội, âm ỉ và dai dẳng.
Ăn mặc:


Ở Sài Gòn, bạn có thể mặc quần short, dép lê đàng hoàng vào Rex.Ở Hà Nội, bạn có thể thấy các bác xe ôm mặc đồ vest đứng chờ khách bên Bờ Hồ.
Xe máy:


Ở Sài Gòn, họ gọi chiếc xe gắn máy của bạn là xe hai bánh.Ở Hà Nội, họ coi chiếc xe máy của bạn là xe có động cơ.
Gọi điện ngoài đường:


Ở Sài Gòn, bạn hãy dừng xe - dắt lên vỉa hè - quay ngược đầu xe - nếu không muốn chiếc điện thoại của bạn cuốn theo chiều gió.Ở Hà Nội, bạn hãy đứng giữa ngã tư tấp nập người qua để nói chuyện điện thoại - cho cả thế giới biết bạn là ai.
Giao thông


Ở Sài Gòn, bạn có thể vượt đèn đỏ thoải mái - nhưng chớ có đi vào phần đường xe hơi.Ở Hà Nội, bạn có thể lượn lờ trước mũi xe hơi - nhưng đừng có dại dột mà rẽ phải tùy ý.Ở Hà Nội: Đèn đỏ không được rẽ phải.Ở Sài Gòn: Đèn đỏ có nơi còn được quẹo trái.
Con đườngHà Nội:


Đường, phố, ngõ, ngách.Sài Gòn: Đại lộ, đường, hẻm, hẻm.Hà Nội : Đường Giải Phóng chạy ra QL 1.Sài Gòn: Đường Hà Nội chạy ra QL 1.
Giầy tất:


Đàn ông Hà Nội có thể đi giày mà không cần mang tất.Con gái Sài Gòn có thể đi tất mà không cần mang giày.
Đụng hàng:


Khi hai cô gái cùng thích một món đồ giống hệt nhau:Con gái Hà Nội: "Tớ với ấy cùng mua nó nhé?".Con gái Sài Gòn: "Ấy mua rồi à? Vậy tớ sẽ chọn thứ khác".
Cà phê:


Cà phê Sài Gòn với những hàng ghế xếp thẳng hàng như trên xe bus.Cà phê Hà Nội chen chúc với hai đôi tình nhân cùng xếp chung một bàn.Sài Gòn: Ít cafe + ít sữa + đá + đá + đá + ... + đá = 1 ly phê sữa đá, xong cafe có một ấm trà to tướng... chan vào cafe uống. Hết lại có thêm (không cần xin).Hà Nội: Cafe + sữa + 2 cục đá = cốc nâu đá, xin mỏi miệng đuợc cốc nước lọc.
Trà đá:


Ở Hà Nội, một cốc trà đá ở các quán nước giá 500 đồng.Ở Sài Gòn, cốc trà đá đó có thể pha làm bốn ly nhưng lại miễn phí.
Ăn trưa:


Cơm trưa Sài Gòn với tô canh khổ qua hai nghìn rưởi.Cơm trưa Hà Nội với bát nước rau dầm sấu không lấy tiền.
Dao dĩa:


Khi bạn nói: "Cho tôi thêm một cái dĩa" với người bồi bàn.Ở Hà Nội: Người ta sẽ mang cho bạn một cái nĩa.Ở Sài Gòn: Họ sẽ mang cho bạn một chiếc đĩa.
Cảm ơn:


Ở Sài Gòn, bạn dửng dưng khi thấy cô receptionist cúi gập người chào bạn.Ở Hà Nội, bạn xúc động đến sững sờ khi thấy ai đó nói lời cảm ơn.
Dạ vâng:


Khi phụ huynh người yêu bạn có lời mời bạn đến nhà dùng bữa:Ở Hà Nội: Bạn nói: "Dạ, vâng!".Ở Sài Gòn:! Đã "Dạ" thì khỏi cần "Vâng".
Chào hỏi:


Khi bạn chào phụ huynh bố mẹ người yêu trước khi ra về:Ở Hà Nội: "Cháu chào cô cháu về!".Ở Sài Gòn: "Con thưa dì con dzìa!".
Tỏ tình:


Khi bạn nói với một cô gái: "Thế em có yêu anh không?"Con gái Hà Nội: "Nếu nói không thì sao?".Con gái Sài Gòn: "Tại sao lại không nhỉ".
Giàu có:


Bạn được coi là giàu có khi...Ở Hà Nội: Bạn có rất nhiều tiền.Ở Sài Gòn: Bạn tiêu rất nhiều tiền.
Giữ xe :


hàng quánHà Nội: trông hộ xe miễn phí.Sài Gòn: "Anh cho xin 2 ngàn".
Uống bia


Hà Nội: Bia hơi, lạc rang, 9 giờ tan tiệc.

Sài Gòn: Chai lạnh, đá to, nồi lẩu, nửa khuya dzìa.
Karaoke:


Hà Nội: Chọn bài, hát vui là chính, hát sai tông cũng kệ.Sài Gòn: Chọn vi tính, hát hay là chính vì thế hát rất tình cảm. Nhỡ mà sai tông sẽ quê lắm đấy ạ.
Xôi:


Hà Nội: Gói lá khoai hay lá sen, xôi đồ bằng chõ.Sài Gòn: Cho vào hộp, hay bịch nylon, cơm nếp nấu bằng nồi
Phở:


Hà Nội: Khó mà thiếu mì chính, quẩy.Sài Gòn: Làm sao ăn phở được khi mà không có rau, giá và tương đỏ (hoặc đen).
Siêu thị:


Hà Nội: Đắt đỏ, hàng hóa không thiết thực.Sài Gòn: Thuận tiện, giá rẻ như chợ. Là nơi thư giãn mỗi cuối tuần cả gia đình.
Nhà sách:


Hà Nội : Nhân viên hách dịch.Sài Gòn: Vào đọc chùa thoải mái, nhất là các em bé, có thể ngồi tại chỗ đọc mà không sợ bị đuổi.
Chùa chiền:


Hà Nội: Bước chân vào là thấy lõng nhẹ bẫng, hỉ nộ ái ố đã để lại ở phía ngoài cửa.Sài Gòn: Không gian ồn ào, không tịnh.
Tào phớ:


Hà Nội: Lát mỏng, em nhớ ngày xưa hay hớt bằng vỏ con trai!Sài Gòn: Lát dày cục, có gừng trong nước đường chứ không phải là hoa nhài.
Chè:


Hà Nội: Ăn trong cốc, bát nhỏ.Sài Gòn: Thường có nước dừa. Vội thì cắn 1 góc bịch chè và mút.
Cắt chanh:


Hà Nội: Bổ ngang.Sài Gòn: Bổ dọc 2 bên, bỏ phần giữa.
Cây xanh:


Hà Nội: Nhớ phố hoa sữa Nguyễn Du, hàng sấu trên Trần Hưng Đạo. Sài Gòn: Me xanh đường Trần Văn Thủ, cây sao trên đường 3/2.
Nước canh rau muống


Hà Nội: Sấu, chanh.Sài Gòn: Me, chanh.HN: nem rán.SG: chả ram, chả giò.HN có bún chả.SG có cơm tấm.
Cuối tuần


Hà Nội: Cả gia đình quây quần nấu nướng ăn tươi.Sài Gòn: Đi ăn tiệm.
Chất chơi và chất chiến


Hà Nội: Xe đẹp, điện thoại nhỏ, áo bỏ trong quần nhưng hỏi tiền thì không có.Sài Gòn: 5 số 67, Tak X đời đầu, áo phông quần sóc, hỏi tiền : Chú cần nhiêu?
Chợ tình


Người Hà Nội gọi người yêu là anh yêu, em yêu.Người Sài Gòn gọi người yêu là ông xã, bà xã.
Xe


Hà Nội: Hiếm gặp những xe đời cũ.Sài Gòn: Những xe viện bảo tàng cho mượn vẫn lưu hành đầy trên đường phố.
Vá xe


Sài Gòn: Vá xe lúc nửa đêm... em xin 5 ngàn thôi.Hà Nội: Muộn rồi em ơi, 50 nghìn anh vá cho.
Hồ


Sài Gòn: Hồ con rùa to mà nhỏ, nhỏ mà to.Hà Nội: Các hồ đều bé dần lại.
Shopping


Hà Nội: Mới sáng sớm ngày ra mà đã mặc cả kinh thế, đi đi không để còn đốt vía nào!Sài Gòn: Cám ơn anh. Lần sau lại ghé em nha.

Tức mình chửi nhau:Hà Nội: Đồ dở hơiSài Gòn: Quân mắc dịch
HàiHà Nội: Nặng về lời nói.Sài Gòn: Nặng về cử chỉ.Người Hà Nội: nói dài dòng, khó hiểu!Người Sài Gòn: nói ngắn gọn, dễ hiểu!Người SG nói: dễ hiểu.Người HN nói: suy nghĩ trước khi hiểu.
Tiệm Internet


Hà Nội: ít nhưng rẻ!Sài Gòn: nhiều mà mắc!
Ăn uống


Người Hà Nội hay ăn mặnNgười Sài Gòn hay ăn đồ ngọt
Phong cách sống


Người Hà Nội ra ngoài ban ngày, đêm về với u nó.Người Sài Gòn ban ngày ở với vợ, ban đêm ra ngoài nhậu với bạn.
Tẩy


Ở Hà Nội: Nếu bạn gọi cái tẩy thì nó sẽ là cái tẩyỞ Sài Gòn: Nếu bạn gọi cái tẩy, họ sẽ mang đến cho bạn một ly nước đá
Thuốc lá


Ở Hà Nội, rất dễ dàng gọi một bao Vina.Ở Sài Gòn, em chỉ có Mèo thôi anh Hai.
Biển quảng cáo


Ở Hà Nội, phải mang tính lịch sự, trang trọng.Ở Sài Gòn, càng hài ước càng thu hút mọi người.
Gọi điện về việc kinh doanh


Hà Nội: Chú là con ai đấy?.Sài Gòn: Mang kế hoạch kinh doanh đến ta cùng bàn nhé!
Phát triển dự án


Sài Gòn: Làm thế nào để tự mình tạo lãi nhanh nhỉ?Hà Nội: Thế Trung ương cho bao nhiêu tiền?
Khi khách đến nhà


Hà Nội: Mời bác dùng cốc chè tươi ạ.Sài Gòn: Tí! Con chạy ra quán bà Ba mua chai nước ngọt về coiHà Nội: Mời cơm... ứ dám ăn.Sài Gòn: Mời cơm là... phải ăn.
Khi ai cho mình cái gì


Hà Nội: Vâng quí hóa quá.Sài Gòn: Trời ơi dữ hông.
Khen đồ ăn ngon


Hà Nội: Ngon tuyệt cú mèo.Sài Gòn: Ngon bá chấy bò chét.
Khen vật gì to


Hà Nội: To vật vã.Sài Gòn: Bự bành ki.
Con gái


Sài Gòn: da rám nắng, nói năng dễ thương con gái.Hà Nội: da trắng, lạnh lùng khó bắt chuyện.
Hà Nội: Chị ơi cho em cái túi nylonSài Gòn: Chị ơi cho em cái bịch xốp
Hoa quả


Hà Nội gọi quả táo là quả táo.Sài Gòn gọi quả táo là trái bom.Hà Nội gọi quả dứa là quả dứa.Sài Gòn gọi quả dứa là trái thơm.Hà Nội gọi là ô mai.Sài Gòn gọi là xí muội.
Uống bia


Hà Nội: Chai bia được rót quay vòng cho nhiều ly.Sài Gòn: Chai của ai người ấy uống.
Uống rượu


Sài Gòn: Rượu sẽ phải uống cùng với nước đá và vài lát chanh.Hà Nội: "Bắc cạn".
Sinh viên và cave


Sài Gòn: nhiều em sinh viên trông như cave

Hà Nội: nhiều em cave trông như sinh viênSài Gòn: Hớt tóc thanh nữ và hớt tóc máy lạnhHà Nội: Gội đầu thư giãn(Thực ra vào trong đó thì như nhau)