Thứ Sáu, 3 tháng 10, 2008

LỄ HỘI LINH TINH TÌNH PHUỘC - PHÚ THỌ

Lễ hội linh tinh – tình phuộc

Cứ đến hẹn lại lên, vào ngày 11, 12 tháng Giêng âm lịch, phường Trám, Tứ Xã (huyện Lâm Thao, Phú Thọ) lại tưng bừng trong ngày hội dân gian đặc sắc của mình, đó là lễ hội Trò Trám với những màn diễn hài mà trong đó các tầng lớp sĩ, nông, công, thương đều được đem ra làm trò cùng với lễ mật là một biểu hiện điển hình của tín ngưỡng phồn thực.

Cầu những điều phồn thực cho cỏ cây, cho xóm mạc, cho nhân tình nhân ngãi.

Tới giờ lễ mật, là tắt đèn, “tháo khoán” cho trai gái “thoải mái” trên bộc trong dâu…

"Trò Trám vào đám mười hai,

Chẳng xem Trò Trám cũng hoài mất xuân

Lần theo câu hát cổ, chúng tôi trở lại Tứ Xã khi những cành đào đã bắt đầu bật bông. Làn mưa xuân rả rích cộng với cái lạnh se sắt của tiết du xuân càng khiến cho những hồi niệm của các bủ, các trùm trong phường.
Trám thêm nao nao khi nhớ về những ngày hội “linh tinh tình phộc” thủa nào. Theo chân các già, chúng tôi ra thăm miếu Trò. Nằm sát cánh đồng và làng là một vạt đất vuông vắn được bao bọc bởi hai cây sanh, cây si, tre đằng ngà và một cây đa cổ thụ soi bóng bên một cái hồ rộng. Miếu cũ không còn, nhưng những “vật linh” - vật thờ vẫn được dân làng gìn giữ và bảo tồn cho đến ngày nay. Một ngôi miếu mới theo cấu trúc và vị trí của miếu cũ đã được dựng lên. Trên nền miếu này, từ bao đời nay, mỗi năm một lần, dân làng Trám đều tiến hành cúng vật linh và biểu diễn những trò vui của mình. Vật linh được thờ trong miếu biểu hiện cho nam tính và nữ tính (còn gọi là “nõ, nường”) được tạc bằng gỗ mít, bọc trong lụa đỏ đặt trong hòm khoá kỹ và chỉ được mang ra vào đúng đêm “linh tinh tình phộc”.Trong ánh nến mờ tỏ của miếu Trò, nhà nghiên cứu văn nghệ dân gian Dương Văn Thâm (năm nay đã hơn 90 tuổi), cụ Nguyễn Quang Toản (82 tuổi) - Trưởng ban quản lý di tích miếu Trò và các bủ, các trùm của phường Trám kể lại tích xưa: Kể từ khi mới hình thành, loài người đã nhận biết để nòi giống được duy trì và phát triển thì phải có sự giao hòa giữa nam và nữ, giữa giống đực và giống cái. Rồi tiếp đó, qua việc đồng áng, những cư dân nông nghiệp dần thấm thía ý nghĩa sinh tử của hiện tượng đơm bông kết quả. Và lễ hội Trò Trám của người dân Tứ Xã có từ khi đó.
ở đầu lễ hội là lễ mật, còn gọi là lễ “linh tinh tình phộc”. Sau lễ tế (thường bắt đầu vào lúc 23 giờ kém ngày 11 tháng giêng) do 13 bô lão trong làng thực hiện, đúng giờ Tý (0h) cụ từ miếu Trò thắp hương và rước nõ, nường – hai vật biểu thị cho hai giới tính nam và nữ (được làm bằng gỗ mít, sơn son đỏ) thờ trên ban Thượng miếu Trò xuống và trao cho một đôi nam nữ đã được chọn từ trước.

Nam đóng khố, cởi trần, đầu chít khăn đỏ, cầm nõ; nữ mặc yếm, váy ngắn thâm, đầu vấn khăn, cầm nường. Sau khi làm lễ khấn thần miếu xong, cụ từ xin âm dương rồi hô khẩu lệnh:

Linh tinh tình phộc! (hô ba lần).

Lúc này, tất cả đèn, nến trong và ngoài miếu đều tắt hết. Sau mỗi câu khẩu lệnh: “Linh tinh tình phộc”, đôi nam nữ cầm “nõ, nường” làm các thao tác hoạt động tính giao.

Mỗi lần hai vật âm dương chạm nhau, chiêng trống lại nổi lên, dân làng đứng xung quanh miếu lại reo hò vui vẻ - không khí tĩnh mịch giữa đêm khuya được sống dậy tưng bừng.

Trước kia do định kiến cho rằng màn “linh tinh tình phộc” tục tĩu nên suốt một thời gian dài mấy chục năm sau Cách mạng Tháng Tám nó bị cấm cửa, không được diễn mặc cho mỗi độ tiết mưa phùn đầu xuân, dân Tứ Xã lại tha thiết nhớ về hội vui thủa nào. Đến năm 2001, khi miếu Trò được dựng lại, thì người xóm Trám thật vô cùng hãnh diện. Miếu Trò, nơi diễn ra trò, từ đó hằng năm đã trở thành trung tâm lễ hội của người Tứ Xã, Lâm Thao, thành nét đẹp riêng có của lễ hội vùng đất Tổ.



Nõ Nường: Phồn thực và "linh tinh tình phộc"

........Nữ cầm cái Nường đưa lên, nam cầm Nõ “phộc’’ vào và phải làm ba lần như thế. Trong đêm tối, chủ tế nghe “cạch’’ đủ ba tiếng đèn sáng lại. Phút ấy gọi là phút “thiêng’’, “dập’’ chiêng trống để mừng và kính cáo với thần linh, thiên địa biết “lễ mật tắt đèn’’ đã thành công...

Vịnh miếu Trò

Xưa bà ẵm cháu, mẹ bồng con

Xem tích Trò Trám nay vẫn còn

Tiên tổ truyền kỳ di vật báu

Miếu Trò linh nghiệm dấu vàng son

Ai vãng Đền Hùng thăm đồ trận

Nhớ về miếu Trò nẻo sườn non

Nén hương vọng dâng vật kỳ tích

Ngàn thu đá tạc mãi trường tồn

“Trò Trám’’ là tên gọi của địa phương, giới nghiên cứu gọi lễ hội “phồn thực’’, còn chúng tôi gọi lễ hội “Nõ Nường’’- tức lễ hội “vòng đời” - là loại hình sinh hoạt cộng đồng cổ xưa nhất còn truyền kỳ lại đến ngày nay; nơi tập trung các hình thái hoạt động “ hèm tục’’ hàm chứa bản sắc văn hoá cộng đồng - rõ nét cá biệt của từng địa phương.

Đặc điểm của lễ hội “vòng đời’’- Trò Trám là “lễ mật’’, “tắt đèn” xướng diễn trò “linh tinh tình phộc” vào giờ “lành” nửa đêm (giờ tý). Hôm sau tiến hành lễ rước lúa “thần’’ và mở hội trình trò Tứ dân: “Sĩ, Nông, Công, Thương’’ để minh giải diễn trình tư tưởng của lễ hội trên các “kênh” khác nhau: phạm trù tâm linh và hiện thực. Ở đây, động thái “linh tinh tình phộc” và “chày cối” là hiện tượng “tục hèm” trừ đuổi tà ma triệt tiêu hiểm hoạ, cho vật thịnh dân an xóm làng trù phú “khuyển kệ minh kê”. Về tính hiện thực, động thái “linh tinh tình phộc’’ đó là phút “ khởi nguyên’’ sự sống cho một vòng đời, nên gọi là lễ “cầu đinh”.

1. Miếu trò xóm Trám
Ngôi đền thờ linh vật


Một ngôi miếu cổ ẩn mình bên ngòi nước trong khu rừng Trám, ở đây (cứ 2 hoặc 4 năm 1 lần – năm chẵn ) vào đầu xuân, nhân dân mở lễ hội diễn nhiều tích trò, nên gọi là miếu Trò, còn vì miếu Trò nằm trong rừng Trám nên gọi là miếu Trò Trám (nay rừng Trám không còn). Và xóm ở cạnh cũng gọi xóm Trám, hay Phường Trám, tên chữ xóm Cổ Lãm, thuộc làng có tên tục là Kẻ Gáp, tên chữ là Thạch Cáp, nay là xã Tứ Xã (có 32 xóm trong đó xóm Trám và xóm Bùi có đầu tiên) nằm trong vùng di tích đồ đá cũ của người Việt cổ như Gò Mun, Đồng Đậu con ,v.v… ở huyện Lâm Thao tỉnh Phú Thọ. Cách Đền Hùng khoảng 5km về phía đông nam và nằm bên bờ tả ngạn sông Thao, trước đây chưa có con đê thì Tứ Xã là vùng đồng trũng ngập nước, thỉnh thoảng nổi nên những đồi gò (chỗ ở của người Việt cổ), lúa chỉ làm một vụ, quanh năm sinh sống bằng nghề vó bè, cá mú nên chuyện tát hôi hay được nhắc đến trong hát Trò Trám:

Không đâu vui bằng phường ta

Đàn ông đi tát đàn bà đi hôi

Tứ Xã xưa là vùng quê nghèo, nhưng có truyền thống hiếu học, có người đỗ đạt cao như Nguyễn Quang Thành - đỗ tiến sĩ lúc 24 tuổi (1680 đời vua Lê Hy Tông ) làm quan đến chức Thiểm đô ngự sử, hoặc quan võ Chử Đức Cương trấn ải biên thuỳ - được phong tứơc Quận công và còn có nhiều ông Cử, ông Cống khác như Nhất nguyên Nguyễn Tất An người soạn bài Văn tế miếu Trò... Ngoài ra còn có Chánh tổng Nguyễn Quang Hoà (cháu chắt của quan Nghè Nguyễn QuanThành) biệt danh “Tổng Cóc’’ một văn nhân hào hoa, giàu có trong “tình sử’’ với nữ sĩ Hồ Xuân Hương, con gái cụ Đồ Nghệ theo cha ra dậy học ở vùng đó. Phải chăng nữ sĩ Hồ Xuân Hương nhờ gắn bó với lời ca Nõ Nường của lễ hội Trò Trám, nên mới có được những bài thơ kiệt tác để lại cho đời. Nói điều này, để thấy lễ hội Trò Trám là sản phẩm “lấp lánh’’ nền học vấn uyên thâm kia: “địa linh, nhân kiệt". Ngày nay Tứ Xã là nơi giàu có phù trú - có chợ trung tâm của cả vùng: đường lớn, ôtô khách ghé Đền Hùng xuôi Việt Trì, về Hà Nội.

Hiện tại Sở văn hoá Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ đang tiến hành lập hồ sơ đưa Tứ Xã vào danh mục Cụm du lịch gồm ba điểm: Lễ hội Trò Trám, Di chỉ khảo cổ Gò Mun và nhà tưởng niệm Hồ Xuân Hương và Tổng Cóc, với tình sử lãng mạn đầy chất thơ, lung linh huyền ảo.

2. Lễ mật giờ lành

Miếu Trò thờ vật linh - sinh thực, tên tục gọi là bà “ Đụ Đị’’ (Dụ Dị) tên nôm Nõ Nường (hình 2) làm vật “hèm’’ để trừ tà, đuổi ma, triệt tiêu hiểm họa tai ương, cầu yên cầu phúc, cầu lộc cầu tài. Văn tế của miếu có đoạn viết:



Cảm tất thông

Cầu tất ứng

Bảo vật hộ dân ức niên trường tại

Vạn cổ như tân

Bài Văn tế có 21 câu, nội dung ngợi ca vật “hèm’’ Nõ Nường: Anh linh tuấn kiệt, Băng sương cốt cách, Kim ngọc tinh thần ...
Linh vật “nõ - nường”.


Tiến trình của lễ: Lễ mật tắt đèn, xướng diễn trò “linh tinh tình phộc’’

Tiến trình của hội: Rước lúa “thần’’ trình trò Tữ dân, lời ca Nõ Nường.

Đặc điểm của lễ: Linh thiêng huyền bí thần chú vật hèm .

Đặc điểm của hội: Trò -vè - hí tiếu - trêu - ghẹo - múa vui

Nghĩa là toàn bộ trò diễn ở đây đều phải tuân theo chức năng hoạt động của Nõ Nường “ linh tinh tình phộc’’ - tức là “Đụ Đị’’. “Đụ Đị’’ là ngôn từ thuộc tầng ngôn ngữ cổ, ngữ nghĩa của nó hiện nay ở miền Trung đang còn hiểu: “Đụ’’ vừa là hành động, vừa là hình vật - cái Nõ, còn “đị’’ là hình ba góc - cái Nường.



Dân ca Miền Nam có câu:

Bông xanh bông trắng

Rồi lại vàng bông

Ơ “Nường’’ ơi !

Chữ “Nường’’ ở đây là tên gọi theo đặc điểm của giới tính cái (Nõ Nường), do đó giới nghiên cứu gọi lễ hội này là lễ hội “Phồn thực’’- nghĩa hẹp, chúng tôi gọi lễ hội “Nõ Nường’’( vòng đời) - nghĩa rộng - Nõ Nường là biểu tượng CON NGƯỜI.

Lễ hội kéo dài một đêm và một ngày: bắt đầu vào tối ngày 11 và kết thúc vào chiều ngày 12 tháng giêng âm lịch. Các trò diễn ra trong lễ ngoài hội, theo tuần tự. Đầu hôm ngày 11 gọi là cáo tế, dâng sớ.

Sau lễ cáo tế dâng sớ có lễ hát cúng đệm “đàn giằng xay’’ do cụ Từ thể hiện, đồng thời có lễ chầu chực .

Lễ chầu chực là ngồi ngóng đợi giờ lành gồm các bô lão và do chức sắc phân làm hai nhóm: nhóm chức sắc cao thì ngồi cùng cụ Từ hát thờ ở miếu, nhóm chức sắc thấp thì ngồi ở điếm Trám - cách miếu trò khoảng 200m (có cả đôi trò đã hoá trang , đến giờ thì một bô lão dẫn vào miếu ). Nghe tiếng gà gáy là nửa đêm, đến giờ lành (giờ tý) bước vào giờ chính lễ “Lễ mật’’.
Nghi lễ: “linh tinh phộc”.


Trước linh vị thần miếu - thần Nõ Nường, “ đôi trò’’ nam thanh, nữ tú đứng sau chủ tế, hướng mặt vào nhau, sẵn sàng đợi lệnh diễn trò. Chủ tế, sau khi khấn xong lời thần chú - cầu xin, gieo quẻ âm dương và lạy xong ba lạy thì bước lên cạnh bàn thờ, mở hòm lấy vật “hèm’’ (ngày trước vật hèm là cái mo nang và dùi gỗ vông, xong việc thì thả xuống hồ ngâm lấy nước tưới ruộng, để diệt trừ sâu rầy cho mùa màng cây trái xum xuê (thời chưa có thuốc trừ sâu); nay làm bằng gỗ, sơn đỏ, xong việc là cất vào hòm đặt trong tủ, để trên gác xép sau bàn thờ, còn gọi là bàn thờ thượng, có cầu thang, đến giờ chủ tế lên bê xuống lấy Nõ trao cho nam, lấy Nường trao cho nữ, rồi bước ngang sang phải (bàn thờ) ba bước, quay lại, chếch hướng về đôi trò, miệng hô: “linh tinh tình phộc’’ đồng thời hai tay khoát lên tạo thanh hình chữ “V’’ trước trán - đèn tắt, tuần tự hô ba lần.

Theo lệnh tuần tự của mỗi lần hô, đôi trò vừa múa (đứng tại chỗ, hai tay cầm vật “hèm’’ đưa sang đưa về) miệng hát:



Bên kia có nứng cùng chăng.

Bên này lủng lẳng như giằng cối xay

Hát xong hai câu này thì nữ cầm cái Nường đưa lên, nam cầm Nõ “phộc’’ vào và phải làm ba lần như thế. Trong đêm tối, chủ tế nghe “cạch’’ đủ ba tiếng đèn sáng lại. Phút ấy gọi là phút “thiêng’’, “dập’’ chiêng trống để mừng và kính cáo với thần linh, thiên địa biết “lễ mật tắt đèn’’ đã thành công. Sau đó chủ tế dẫn đầu “đám trò’’ chạy quanh miếu ba vòng theo ngược chiều kim đồng hồ, theo sau là dân làng: vừa chạy vừa la hét và gõ dùi vào mẹt để đuổi ma quỷ trừ hiểm họa cả năm cho dân làng, cùng mùa màng cây trái và gia súc...

Khi nghe hiệu chiêng trống “dập’’ và tiếng la hét ở ngoài miếu thì số người ở nhà trong phường cũng đồng loạt “gõ’’ dùi vào mẹt hoặc dùng chày “giã’’ vào cối và la hét theo để đuổi ma quỷ. Sau đó những đôi vợ chồng cũng phải thực hiện lễ thức “tình phộc’’ và những đôi nam nữ cùng dân làng đang ở quanh rừng Trám ngoài miếu, cũng phải thực hiện lễ thức “tình phộc’’ bổ sung “bồi’’ thêm, và ngày mai trong hội hát trình nghề Tứ dân chi nghiệp, cái nọ “phộc’’ vào cái kia và lời ca ẩn ngữ Nõ Nường lại “bồi’’ thêm lần nữa “quá tam ba bận’’. Tức là “tôi luyện’’ cho vật “hèm’’ đầy đủ linh nghiệm, thần hộ mệnh của toàn phường.

Tình phộc ngoài rừng Trám

Theo phong tục ngoài rừng trám các đôi trai gái và dân làng, cũng thực hiện lễ thức “ tình phộc’’ và nữ phải giữ một vật của nam để làm tin như khăn đội đầu.

Cô nào có chửa trong dịp đó là lễ “hèm’’ của làng thành công, đem lại điều may mắn cả năm cho gia đình và toàn phường. Phường sẽ đứng ra lo liệu tổ chức lễ cưới cho họ và không phải nộp khoản tiền “cheo’’. Đứa con sinh ra trong dịp “lễ mật’’ này là của quí, vật cưng của gia đình và toàn phường. Ngoài ra, cô gái có chửa ấy, nếu từ chối lấy anh gặp tối qua, mà muốn lấy một anh khác thì dân làng cũng vận động người con trai đó và anh ta cũng rất vui vẻ tự nguyện. Đồng thời những bà mà có chửa trong đêm đó thì gia đình càng phấn khởi với câu châm ngôn: Cá ao ai về ao ta, ta được.

Việc “tình phộc’’ ngoài rừng Trám sau “lễ mật’’ các già làng kể lại với nhiều tình tiết sinh động hấp dẫn, rằng: dù gặp bà Chánh Lý thì cũng thế, vì đi hội là phải theo hội để được “vật thịnh dân an’’. Có những đôi nam nữ sau đó thành chồng vợ và họ đã qua đời vài chục năm nay; vì tục “Tình phộc’’này đến đầu thế kỷ XX đã tàn, không diễn ra nữa.

3. Lời ca ẩn ngữ

Nõ NườngLễ hội Trò Trám là “Lễ hội Nõ Nường’’ do đó toàn bộ tích trò diễn ra ở đây đều tuân theo chức năng hoạt động của Nõ Nường “linh tinh tình phộc’’. Vì thế, nếu lễ hội tại miếu thờ cụ Tổ nghề mộc, thì việc cưa, đục, đó là công việc của nghề thợ mộc. Trái lại, ở lễ hội Nõ Nường thì cái cưa “xẻ’’ gỗ, cái đục “ đục’’ gỗ là tượng trưng cho Nõ “ phộc’’ vào Nường; hoặc Sĩ chiếc bút “quyệt’’ vào nghiên mực, Nông cái cày “cắm’’ xuống đất, cần câu lưỡi “móc’’ vào mồm cá... và lời ca của nhóm “tứ dân chi nghiệp’’ (Sĩ, Nông, Công, Thương) cũng đều ám chỉ việc Nõ “ phộc’’ vào Nường. Lời ca có trên 350 câu thơ Lục bát không kể lời ứng tác tức thì. Xin trích lời ca của một số vai diễn sau đây:

Lời ca của cây đàn “Giằng xay’’.

Đàn “Giằng xay’’ biểu tượng Nõ Nường, nhân vật trung tâm, giữ vai trò lĩnh xướng trong các vai diễn ở đây.



Đàn ông tậu ruộng ba bờ

Chớ để kẻ khác mang lờ đến đơm

Ruộng ba bờ là hình ba góc - cái “Nường’’ và “Lờ’’ là cái Nõ

Hoặc lời ca của người thợ cày:



Nhà ta vui cấy, vui cầy

Làm ăn vất vả tối ngày không thôi

Mong sao như đũa có đôi

Tháng năm năm việc, tháng mười mười công

Ý phiếm chỉ ở đây là chữ “cấy” và chữ “cày” khi hát được nhấn mạnh.

Hoặc lời ca của người thợ cấy:



Người ta đi cấy lấy công

Tôi nay đi cấy lấy ông chủ nhà

Đi cấy thì gốc chổng lên

Ngọn thời cắm xuống mới nên mùa màng

Trong đoạn hát của người thợ cấy có những từ “gốc” và “ngọn” đều là ẩn ngữ, phiếm chỉ về sự hoạt động của Nõ Nường: ngọn cỏ “cắm xuống” mới nên mùa màng, hoặc “lấy ông chủ nhà” là chồng mình - nghĩa là chị ta đi cấy ruộng nhà.

Nếu rạch ròi ra thì cả đoạn này đều mang tính ẩn ngữ.

Hoặc lời ca của cô mua bán “xuân”:



Còn xuân thì mua xuân đi,

Nay lần mai lữa còn gì là xuân

“Bán” và “mua” đều ở một chữ “xuân”.

Hoặc lời ca của anh đi câu:



Cành câu trúc anh đúc lưỡi câu vàng

Anh tra mồi nguộc[i] anh sang câu hồ

Người ta câu diếc câu rô

Anh đây câu lấy một cô không chồng

Có chồng thì nhả mồi ra

Không chồng thì cắn, thì nuốt, thì tha lấy mồi

Hoặc lời hát của anh cung bông:





Mặc ai căng lưới ngọn bè

Anh người phường Trám làm nghề cung bông

Cô nào bông cán đã xong

Muốn đi kịp chợ đón cung anh vào

Lời của chị kéo sợi:



Xin đừng quản thấp lo cao

Bông em đã nỏ anh vào mà cung

Sợi lôi ra bằng cổ chày

Phường chài đón hỏi mua dây kéo thuyền.

Trong đoạn này, chữ “cung anh” và “bông em” hoặc sợi bằng “cổ chày”... đều là ẩn ngữ.

Hoặc lời ca của anh thợ xẻ:



Người ta xẻ gỗ trên ngàn

Anh đây cưa lấy một nàng đương tơ

Em tài bắt chệch sớm trưa

Anh thì giỏi xẻ khéo cưa cùng phường



Ở đây các chữ “cưa”, “xẻ”, “bắt chệch” đều là ẩn ngữ.

Hoặc lời ca của thầy đồ và học trò:



Học trò đi học sách kinh

Tay cầm quản bút “quyệt” tình nghiên đây

Học trò đi học chữ thầy

Học nhồi học nhét bụng đầy văn chương.

Lễ hội Nõ Nường là lễ hội ngợi ca về sự cường tráng và hoạt động “linh tinh tình phộc” của Nõ Nường “vật hèm”: Nõ to và dài như “giằng cối xay” còn Nường thì rộng và sâu như “cối xay lúa’’đó là biểu tượng. Ở đây không còn quan niệm “dâm” và “tục” nữa.

Lời ca của nhóm hề pha trò:



- Gặp đây anh mới hỏi nàng

Cái gì lủng lẳng một gang trong quần

- Chàng hỏi thì thiếp thưa rằng

Cái đeo lủng lẳng là “giằng cối xay”.

- Ước gì em hoá ra trâu

Anh hoá ra chạc xỏ nhau cả ngày

.- Ước gì em hoá lưỡi cày

Anh hoá thành bắp lắp ngay bây giờ

- Bà già như ruộng đỉnh gò

Đang hạng con gái như kho ruộng mềm.



Lễ hội Nõ Nường Trò Trám thuộc dòng lễ hội tục hèm, mang đậm đà bản sắc văn hoá của người Việt cổ. Nó được ra đời rất sớm, từ thời dân tộc ta mới hình thành tư tưởng. Đến thời đại văn minh Đông Sơn, dòng lễ hội vòng đời này được hoàn thiện về ý nghiã và nghệ thuật, được ghi lại thành hoa văn trên mặt trống đồng Ngọc Lũ và lan toả, truyền kỳ trong văn hoá đân tộc. Ngày nay việc tìm hiểu và bảo tồn dòng lễ hội này đó là điều cần thiết trong hội nhập quốc tế của đất nước ta.

Nhạc sĩ Dương Đình Minh Sơn[i](*): nguộc là con chẫu chuộc

Cảm ơn bạn đã ghé thăm site của MIMOSATOUR! Bạn hãy để lại lời nhận xét (comment) của mình! Hoặc bạn cũng có thể đăng kí nhận bản tin RSS. Chúng tôi hy vọng bạn thích site này của MIMOSATOUR và tìm được những thông tin bổ ích, và nếu có thể hãy thêm địa chỉ site này vào favorites của bạn để có thể ghé thăm lại. Cám ơn!