Sài Gòn: nghề một thời vang bóng
--- Bảo Quỳnh ---
Một ngày rong rủi, tiền lời cũng đủ đắp đổi nuôi gia đình :
"Ai răng vàng, bạc vụn, đồng tiền xưa, bạc cắc xưa, phim phổi... bán không?” Đã lâu, người Sài Gòn chẳng còn nghe thấy câu rao ấy...Những năm sau 1975 đến cuối thập niên 80, khắp hang cùng ngõ hẻm Sài Gòn, đâu đâu cũng nghe rao, chẳng khác nào "Thuốc diệt chuột", "Bánh mì Sài Gòn đặc ruột, thơm bơ"... hiện nay. Chỉ có điều, câu rao hồi ấy không có âm lượng và cường độ đến mức tra tấn như bây giờ.
Chợ trời khổng lồ với đủ mặt hàng thượng vàng hạ cám:
Những năm tháng đó, Sài Gòn là một cái chợ trời khổng lồ. Ai ai cũng có thể ra đường buôn bán. Công chức cũ, người vừa học tập cải tạo về, bà nội trợ cho đến những người "làm Nhà nước"... cũng tranh thủ ra đường cải thiện.Dạo ấy, các ông "thần ve chai", sang thì đi xe đạp, hẻo thì đi bộ, lang thang khắp các ngõ hẻm, các chung cư trong nội đô để mua đủ các thứ trên đời.Món hàng hời và có giá nhất là các đồng tiền Pháp thời thuộc địa, từ năm 1935 trở về trước. Tiền càng cũ càng có giá, bởi hàm lượng bạc trong đồng tiền càng về trước càng cao. Tiền sau năm 1945, dân trong nghề không chơi. Nếu trúng mánh, một đồng mua được có thể mang lại món lời vô kể, sắm được cả chiếc xe đạp (tương đương xe máy Trung Quốc bây giờ). Món có giá thứ nhì là các loại kính mắt kiểu pilot, hiệu Rayban, bởi gọng kính được mạ lớp vàng 14 cara khá dày. Khi phân kim có thể thu được lượng vàng đáng kể. Tiếp đến là các loại răng giả bọc vàng, bịt bạc và các loại vỏ đồng hồ đeo tay hiệu Omega, Wyler, Seiko cũng được mạ vàng. Sau cùng mới đến các loại phim X-quang. Sau khi phân kim, vài chục tấm phim cỡ lớn cũng thu được một lượng bạc đáng kể.
Bấp bênh với nghề mua "cả thiên hạ" :
Sơn, tuy mới 40 tuổi nhưng là một lão làng trong nghề mua "ve chai" với hơn 20 năm thâm niên, kể: "Cái nghề này lên voi xuống chó nhanh lắm anh à! Có lần trúng mánh cả cần xé phim phổi, tôi lên đời bằng chiếc xe PC (hồi ấy là oách lắm), bao bạn bè, đưa về gia đình chút đỉnh... mát mặt một vài ngày rồi lại "lốc". Sau em phải bán chiếc PC, rồi bán luôn xe đạp, đi bộ cả hai ba tháng trời mới có tiền mua lại xe đạp".
Và còn rất nhiều những nghề "ngắn hạn"khác :
Thời ấy, nước giải khát không đa dạng như hiện nay. Dẫu có, không phải ai cũng có tiền uống. Thế là nghề bán trà đá dạo ra đời. Vốn liếng chỉ là một cái bình, vài ly nhựa, thêm bịch trà cốt là xong. Pha tí trà cốt vào bình, bỏ thêm cục đá to, là có thể tung tăng hành nghề. Địa bàn hoạt động chủ yếu của đạo quân trà đá dạo là bến xe, chợ và chỗ đông người. Tiền lời đủ đắp đổi cho cái bụng và vài miệng ăn trong gia đình.
Kế đến là nghề bơm bút bi. Đồ nghề khá đơn giản, chỉ cần chiếc bàn con, vài ba ống tiêm, hộp mực xanh, đỏ là xong.
Bút hết mực, đưa cho thợ. Ông tháo đầu bút, dùng khăn và cồn tẩy rửa sạch, cắm cây ruột bút đã rỗng vào hộp mực, rồi dùng ống tiêm có nối một đoạn vào hộp mực và bơm. Áp suất không khí tràn vào hộp sẽ đẩy mực vào ruột bút. Ruột đầy, rút ra cắm vào đầu bút, chùi sạch là xong.Nghề này thường kèm việc thay đầu bi đã bị mòn, bị méo, viết mực không ra đều. Thu nhập của nghề không cao nhưng nhàn nhã một chỗ, ít trải nắng mưa, nên hợp với người có tuổi. Chỗ hành nghề gần trường học thì thật là đắc địa. Người không cẩn thận, khéo léo hoặc dùng mực rẻ tiền thì bút xài một thời gian sẽ bị chảy mực. Các ca như vậy, mọi nưgời thường mỉa mai là bút bi bị "bic"!
Một nghề đã nuôi sống không ít gia đình Sài Gòn trong thời buổi khó khăn là vấn đề thuốc lá. Đặc điểm nghề là hoạt động trong quy mô gia đình, mà trẻ em là người vấn chủ lực, vì nhanh tay lẹ mắt, học nghề mau. Không có vốn, gia đình có thể nhận thuốc, giấy về vấn gia công. Còn có vốn thì tự mua thuốc, sao trộn, tẩm, tự mua giấy, vỏ bao, đóng gói và bỏ mối dạo.
Thời ấy, thuốc lá gói rất khan hiếm. Chỉ công nhân viên Nhà nước mới được phân phối vài bao Nông Nghiệp, Vàm Cỏ, Mai mỗi tháng. Nhu cầu hút thì vô cùng, nên nghề này phát triển mạnh. Dụng cụ hành nghề chỉ là vài bàn quấn. Người mới học dùng bàn quấn 1, 2 điếu, khi giỏi thì chơi bàn 3, 4 điếu.
Thuốc lá vấn cũng phát triển theo giai đoạn. Ban đầu là thuốc củi Quốc Hùng, 999 bó, một bó 50 điếu, rồi đến thuốc không tên bao ny lông 20 điếu, sau giả thuốc quốc doanh, cao cấp là thuốc có cán (đầu lọc). Loại đầu lọc khá buồn cười, thuốc chiếm gần hết phần giấy vàng, cuối điếu là miếng đầu lọc mỏng dính cho sang. Nhiều khi đang hút, miếng đầu lọc chui tọt vào miệng. Vỏ thuốc cũng vậy, phần giấy bạc ở đầu chỉ tí xíu, trong dán lót giấy trắng.